Ảnh minh họa (nguồn internet) |
Gần nửa năm 2021 sắp đi qua. Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục biến động theo chiều hướng tích cực khi dòng tiền ồ ạt chay vào giúp VN-Index chốt phiên 22/6 ở mức kỷ lục 1.379,97 điểm - tăng 25% so với thời điểm cuối năm 2020 qua đó tiếp tục là một trong những chỉ số chứng khoán tăng mạnh nhất thế giới.
Bên cạnh đó, HNX-Index tăng đến 56% lên 276,1 điểm, UpCOM-Index cũng tăng 21,02% lên 90,1 điểm.
Sự hưng phấn của thị trường chứng khoán thời gian này giúp rất nhiều cổ phiếu bứt phá và lập đỉnh lịch sử.
Theo ndh.vn, ở 3 sàn HOSE, HNX và UpCOM tính tới hết 22/6 có khoảng 93 cổ phiếu đang ở đỉnh hoặc chỉ cách mức này dưới 3% trong đó 13 cổ phiếu vốn hóa trên 20.000 tỷ đồng cũng đang ở vùng giá cao nhất lịch sử.
Cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán là VCB của Vietcombank (HOSE: VCB) chốt phiên 23/6 ở mức 107.600 đồng/cp, chỉ thấp hơn mức đỉnh lịch sử 108.500 đồng/cp hôm 18/6 là 0,83%. Phiên 18/6 cũng là thời điểm VCB lấy lại vị trí đứng đầu về vốn hóa từ Tập đoàn Vingroup (HOSE: VIC) với hơn 399.075 tỷ đồng.
Tương tự, cổ phiếu vốn hóa lớn thứ 3 thị trường chứng khoán là VHM của Vinhomes (HOSE: VHM) cũng chỉ cách mức đỉnh hôm 15/6 là 0,98% khi mã chốt phiên 22/6 ở mức 111.500 đồng/cp - tăng 24,6% so với cuối năm 2020.
Cổ phiếu MBB của Ngân hàng Quân Đội (HOSE: MBB) chốt phiên 22/6 ở mức giá đỉnh 42.000 đồng/cp. Thanh khoản của MBB thời gian qua duy trì ở mức rất cao. Khối lượng khớp lệnh trung bình của cổ phiếu này trong 1 tháng qua lên đến gần 26 triệu đơn vị/phiên. Tính từ cuối năm 2020 đến nay, giá cổ phiếu MBB đã tăng 83%.
Đáng chú ý, mới đây, NHNN đã chấp thuận cho MB được tăng vốn điều lệ lần 1 theo đề xuất của ngân hàng, thêm tối đa hơn 9.795 tỷ đồng theo phương án đã được đại hội cổ đông thông qua. Theo kế hoạch đã được đại hội cổ đông thường niên 2021 thông qua, ngân hàng này sẽ trích ra 9.795 tỷ đồng để chi trả cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 35% bằng cổ phiếu.
Bên cạnh đó, trên thị trường còn rất nhiều các cổ phiếu vốn hóa lớn cũng đang ở vùng đỉnh như NVL của Novaland (HOSE: NVL), GVR của Tập đoàn CN Cao su VN (HOSE: GVR), ACB của Ngân hàng Á Châu (HOSE: ACB), FPT của FPT (HOSE: FPT), MWG của Đầu tư Thế giới Di động (HOSE: MWG).
Ngoài ra, còn phải kể đến khá nhiều cổ phiếu thanh khoản cao như HSG của Hoa Sen (HOSE: HSG), IJC của Becamex IJC (HOSE: IJC), HCM của HSC (HOSE: HCM), DCM của Đạm Cà Mau (HOSE: DCM).
Chiều ngược lại, dù thị trường liên tục đi lên các mức cao mới nhưng vẫn còn nhiều cổ phiếu đi ngược lại xu thế chung và giảm điểm. Tuy nhiên, không nhiều cổ phiếu chỉ đang giao dịch ở vùng giá đáy hoặc cách mức giá này khoảng 10%.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/93-co-phieu-lap-dinh-tu-dau-nam-con-trien-vong-tang-gia-a46370.html