Dấu chấm hết cho dự án sản xuất ô tô 'made in Việt Nam' tại Thanh Hóa

Khu đất của Vinaxuki Thanh Hóa đã bị thu hồi và được giao lại cho đơn vị khác khai thác, đây là dấu chấm hết cho một dự án sản xuất xe hơi đầy tham vọng.

Ngày 24/6, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, ông Lê Đức Giang vừa ký Quyết định số 2194/QĐ-UBND về việc thu hồi 456.344m2 đất của Công ty TNHH Một thành viên ô tô Vinaxuki Thanh Hóa (Vinaxuki Thanh Hóa), có địa chỉ tại hai xã Đại Lộc và Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc (phần diện tích đất còn lại thuộc khu đất đã được UBND tỉnh cho thuê tại Quyết định số 2904/QĐ-UBND ngày 10/9/2012); Đồng thời, cho Công ty Cổ phần giải trí nghe nhìn Toàn Cầu thuê khu đất trên để tiếp tục sử dụng để thực hiện dự án Cụm các nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô, máy xây dựng.

Nhà xưởng của Vinaxuki bị bỏ hoang. (ảnh: Nguyễn Dương).

Theo đó, Công ty Cổ phần giải trí nghe nhìn Toàn Cầu được nhà nước cho thuê đất và thu tiền thuê đất hàng năm, thời hạn thuê đất được tính từ ngày ban hành quyết định này đến ngày 26/10/2059 (thời hạn thuê đất còn lại theo Quyết định số 2904/QĐ-UBND ngày 10/9/2012 của UBND tỉnh Thanh Hóa).

Quyết định này có thể xem như "dấu chấm hết" cho dự án đầy tham vọng của ông Bùi Ngọc Huyên, Chủ tịch HĐQT công ty Vinaxuki Thanh Hóa, với mong muốn sản xuất ra những chiếc xe ô tô “made in Việt Nam”, với tỉ lệ nội địa hóa cao, có thể lên tới 40%.

Theo tìm hiểu, dự án Nhà máy sản xuất, lắp ráp ôtô, của công ty Vinaxuki Thanh Hóa, được cấp phép xây dựng từ năm 2010 với tổng vốn đăng ký 1.360 tỷ đồng. Mục tiêu là sản xuất, lắp ráp các loại ôtô tải có tải trọng từ 0,5 tấn đến 45 tấn, ôtô buýt từ 16 chỗ ngồi đến 100 chỗ ngồi và các loại ô tô du lịch (xe con).

Bước ngoặc với công ty Vinaxuki Thanh Hóa, có lẽ tới từ quyết định từ bỏ việc lắp ráp xe tải đơn thuần và đang có sự phát triển tốt để chuyển một lượng vốn lớn định hướng sang chế tạo, sản xuất xe con với tỉ lệ nội địa cao đã khiến công ty gặp nhiều khó khăn. Theo một số chuyên gia, khi đi theo con đường này, công ty thiếu cả kinh nghiệm sản xuất cũng như các ngành công nghiệp phụ trợ để có thể sản xuất được một chiếc ô tô hoàn chỉnh trong thời điểm đó.

Đồng thời, giai đoạn công ty bắt đầu chuẩn bị đi vào hoạt động (năm 2011), cũng là giai đoạn mà tình hình tài chính thế giới cũng như Việt Nam có nhiều biến động tiêu cực, khủng hoảng, dẫn tới thị trường tiêu thụ ô tô bị đình trệ, việc huy động vốn gặp nhiều khó khăn kèm lãi suất cao.

Chỉ sau 2 năm hoạt động, tới năm 2013, nhà máy đã bắt đầu ngưng trệ rồi bỏ hoang đến nay. Từ một công ty đi đầu về lắp ráp ô tô, có kết quả kinh doanh ban đầu tốt với số vốn nghìn tỉ, Vinaxuki đã rơi vào tình cảnh bi đát như hiện nay.

Trong một chia sẻ với báo giới ông Huyên cho rằng. “Quan trọng tôi là người dân Việt Nam, tôi cần tiền làm xe thương hiệu Việt. Tôi vẫn theo đuổi giấc mơ ô tô Việt Nam. Tôi khẳng định người Việt hoàn toàn đủ tài năng và trí tuệ làm ô tô”.

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/dau-cham-het-cho-du-an-san-xuat-o-to-made-in-viet-nam-tai-thanh-hoa-a47164.html