Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV – Mã: BID) |
Theo rao bán của BIDV, giá khởi điểm của khoản nợ là toàn bộ dư nợ gốc, lãi vay và lãi phạt của khách hàng tại ngân hàng BIDV tạm tính đến cuối năm 2020 là hơn 1.015 tỷ đồng. Số tài sản bảo đảm cho khoản nợ này bao gồm Trung tâm hội nghị tiệc cưới Crystal Palace tại đường Nguyễn Lương Bằng (Q.7, TP.HCM); 541ha rừng trồng tại xã Quảng Sơn, huyện Đăk Glong, tỉnh Đăk Nông; Công trình xây dựng trên đất và máy móc thiết bị sản xuất gỗ tại TP.Quy Nhơn (Bình Định); Cổ phiếu Công ty CP Hòn Tằm biển Nha Trang; Quyền đòi nợ/khoản phải thu của Công ty CP Tập đoàn Khải Vy tại Công ty CP Hòn Tằm biển Nha Trang cùng các máy móc thiết bị chế biến gỗ của Tập đoàn Khải Vy.
Khách sạn, Trung tâm hội nghị tiệc cưới Crystal Palace này chính thức được khai trương vào tháng 10/2015, là một trong những tổ hợp khách sạn và thương mại sang trọng bậc nhất Phú Mỹ Hưng nằm trên con đường Nguyễn Lương Bằng. Crystal Palace có tổng diện tích 11.550 m2 do Công ty CP Tập đoàn Khải Vy làm chủ đầu tư gồm 9 tầng được thiết kế theo kiến trúc độc đáo mang phong cách châu Âu tráng lệ gồm 80 phòng nghỉ cao cấp tiêu chuẩn 4 sao.
Trong quá khứ, BIDV cũng đã hai lần rao bán tòa nhà này và đều không thành công |
Tập đoàn Khải Vy được thành lập vào năm 2000, với số vốn điều lệ ban đầu 80 tỷ đồng, 3 cá nhân cổ đông sáng lập công ty là ông Đoàn Văn Trang cùng vợ là bà Mai Thị Mai và ông Nguyễn Quốc Bảo (sinh năm 1960), trong đó ông Trang nắm phần lớn cổ phần, với 98,5% vốn điều lệ công ty.
Khải Vy ban đầu là một doanh nghiệp sản xuất gỗ. Đến giai đoạn năm 2006 - 2007 khi thị trường bất động sản (BĐS) sôi động, Khải Vy bắt đầu lấn sân sang lĩnh vực địa ốc bằng việc thành lập Công ty CP Hòn Tằm biển Nha Trang, chủ dự án khu nghỉ dưỡng Hòn Tằm có quy mô 114ha ở Nha Trang và được đầu tư 42 triệu USD, với 49 bungalow và 15 căn villa. Khai Vy cũng đầu tư mạnh vào việc trồng rừng ở Đắk Nông với quy mô trên 3.000 ha.
Với tham vọng trở thành "ông lớn" trong ngành BĐS, Tập đoàn Khải Vy tiếp tục lấn sâu vào các dự án BĐS quy mô lớn. Năm 2017, tập đoàn này được chấp thuận đầu tư dự án Khu dân cư và thương mại hỗn hợp Khải Vy (tại phường Phú Thuận, Quận 7, TP. HCM). Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến lên tới 8.231 tỷ đồng, phát triển trên diện tích 77.354,8 m2, chia làm 2 khu thấp tầng với 120 nền biệt thự, nhà liền kề và 8 khối căn hộ cao tầng.
Tháng 8/2018 Tập đoàn Khải Vy còn mua lại khách sạn Sài Gòn Mới và đổi tên thành Merperle Dalat Hotel. Sau khi mua lại, Khải Vy tiến hành xây dựng khách sạn 4 - 5 sao với tổng vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng. Quy mô diện tích đất thực hiện dự án lên đến hơn 11.758m2. Đang trong quá trình xây dựng thì Khải Vy bị chính quyền địa phương xử phạt vi phạm hành chính 40 triệu đồng do xây dựng không phép.
Đầu tư mạnh vào BĐS, vốn điều lệ cũng như nhân sự cấp cao của Khải Vy cũng có sự biến động. Từ năm 2018 đến nay vốn điều lệ tập đoàn này là trên 713 tỷ đồng giảm còn hơn 358 tỷ đồng. Ông Trang cũng thoái lui khỏi nhiều doanh nghiệp trong "hệ sinh thái" của Khải Vy. Người thay thế ông Trang giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện pháp luật của Tập đoàn Khải Vy là ông Nguyễn Quốc Bảo (sinh năm 1960).
Trở lại với việc đấu giá khách sạn, Trung tâm hội nghị tiệc cưới Crystal Palace của BIDV trong thời điểm hiện nay được giới chuyên gia đánh giá là khó thành công. Mặc dù đây là khối tài sản nằm trong khu "đất vàng" thuộc khu phố nhà giàu Phú Mỹ Hưng, nhưng cũng không hề dễ bán. Bởi trong giai đoạn dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại TP.HCM, các khách sạn hạng sang, các Trung tâm hội nghị tiệc cưới đang gặp rất nhiều khó khăn do phải tạm dừng hoạt động để phòng chống dịch COVID-19 theo yêu cầu của chính quyền Thành phố.
Hơn nữa đây cũng không phải lần đầu tiên BIDV đưa khối tài sản này ra đấu giá. Trong quá khứ, ngân hàng này cũng đã hai lần rao bán tòa nhà này và đều không thành công. Cụ thể, trong năm 2019, BIDV từng rao bán đấu giá trung tâm hội nghị tiệc cưới Crystal Palace với giá 535 tỷ đồng, nhưng không thành công. Đến cuối năm 2020, sau nhiều lần hạ giá rồi đấu giá lại, giá bán trung tâm hội nghị này đã giảm xuống còn 356 tỷ đồng nhưng vẫn không có nhà đầu tư quan tâm.
Nhằm thu hồi và xử lý nợ xấu từ khách hàng, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) gần đây liên tục rao bán tài sản đảm bảo của những khoản nợ cả trăm đến nghìn tỷ đồng. Thậm chí có những khoản nợ BIDV đã rao bán nhiều lần, “đại hạ giá” tài sản đảm bảo nhưng đến nay vẫn chưa xử lý được. Theo đó, BIDV có nhiều khoản nợ "đặc biệt" và tài sản đảm bảo có giá trị lớn từ vài trăm đến hơn nghìn tỷ đồng được rao bán hoặc đang trong quá trình chọn đơn vị tổ chức đấu giá. Trong số đó, có nhiều tài sản, khoản nợ đã được nhà băng này rao bán nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa có người mua. |
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/mot-khoan-no-khung-cua-bidv-a47670.html