Không nên chậm trễ xử lý dự án treo, chậm tiến độ
Ngày 1/7/2021, TS Nguyễn Hoàng - thành viên Viện Nghiên cứu quản lý đất đai bày tỏ sự đồng tình trước kiến nghị thu hồi đất dự án Khu đô thị - du lịch Đại Ninh (KĐT Đại Ninh) mà Tổng Thanh tra Chính phủ đã đưa sau khi có kết luận thanh tra vào tháng 6/2020.
Theo kết luận thanh tra, dự án KĐT Đại Ninh nằm trên địa bàn huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng do Công ty CP Đầu tư du lịch Sài Gòn - Đại Ninh (SaiGon Dai Ninh Group) từ năm 2010, đến ngày 31/12/2018 phải hoàn thành, đi vào hoạt động.
Công trình không phép bên trong KĐT Đại Ninh.
Dự án có diện tích lên tới 3.595 ha, trong đó có 1.306 ha là đất quy hoạch lâm nghiệp. Trong quá trình triển khai dự án, chủ đầu tư không những chậm tiến độ mà còn có nhiều sai phạm khi xây dựng hàng loạt công trình sai phép, chưa thực hiện nghĩa vụ hoàn trả phần đất rừng, để xảy ra tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng gây hại môi trường...
TS Nguyễn Hoàng cho biết: "Theo quy định hiện nay, dự án nào chậm tiến độ từ 24 tháng trở lên thì bị xem xét thu hồi. Chủ đầu tư có quyền xin gia hạn thêm 24 tháng nữa. Nếu hết 48 tháng mà dự án vẫn chưa đi vào hoạt động thì bắt buộc phải thu hồi.
Tuy nhiên, theo kết luận thanh tra tại dự án KĐT Đại Ninh thì thấy rằng, chủ đầu tư dự án chưa phải thanh toán tiền thuế đất. Bên cạnh đó, chủ đầu tư còn có nhiều sai phạm trong việc thực hiện dự án, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường và chậm trễ khi chưa khắc phục hậu quả mình gây ra.
Chính vì thế, việc thu hồi dự án KĐT Đại Ninh không có gì băn khoăn vì không phải tính đến chuyện bồi thường thiệt hại cho doanh nghiệp. Ngược lại, chủ đầu tư dự án còn phải bồi thường thiệt hại lại cho địa phương vì vấn đề môi trường".
Theo ông Hoàng, để tránh lãng phí tài nguyên đất, UBND tỉnh Lâm Đồng cần thực hiện nghiêm theo kết luận thanh tra, nhanh thu hồi đất dự án KĐT Đại Ninh cho dù chủ đầu tư có đề xuất xin gia hạn thực hiện.
"Sau khi thu hồi thì cần tiến hành đấu thầu công khai, minh bạch để lựa chọn nhà đầu tư có đủ năng lực, tâm huyết tiếp tục triển khai dự án theo quy hoạch. Như thế vừa xử lý dứt điểm được dự án treo, vừa phát triển kinh tế địa phương, tránh lãng phí tài nguyên đất", TS Nguyễn Hoàng bày tỏ.
Dù được giao dự án từ năm 2010 nhưng đến nay KĐT Đại Ninh hầu như chưa xây dựng trong khi phần đất rừng trong dự án bị xâm hại.
Không để kéo mãi tình trạng "ôm đất" để dự án chậm, treo tại nhiều địa phương
Nhìn một cách tổng thể, ông Bùi Văn Doanh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu BĐS Việt Nam cho biết, tình trạng dự án treo đang diễn ra ở hầu hết các địa phương. Chủ đầu tư cứ xin dự án rồi để đấy, dân gian nôm na hay gọi là "xí phần". Đến lúc được giá thì chuyển nhượng lại dự án. Nhiều chủ đầu tư như thế tại một dự án thì tình trạng "treo" có thể kéo dài tới hàng chục năm.
Chính vì thế, ông Doanh cho rằng, đẩy mạnh thu hồi các dự án chậm triển khai là cần thiết, thể hiện sự giữ gìn kỷ cương phép nước.
Ông Đỗ Viết Chiến - nguyên Cục trưởng Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng cũng ủng hộ việc đẩy nhanh thu hồi các dự án chậm triển khai, dù khó mấy cũng phải làm.
"Dự án cả chục năm vẫn bỏ hoang chứng tỏ chủ đầu tư không có nguồn lực hoặc không khả năng thực hiện. Trong khi nhiều doanh nghiệp "dài cổ" chờ vì thiếu quỹ đất, không còn cách nào khác địa phương phải vào cuộc. Cứ tuân thủ theo các quy định của pháp luật mà làm, công khai danh sách trên báo chí truyền thông", ông Chiến bày tỏ.
Còn GS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT đề nghị, Nhà nước không thể để kéo dài mãi tình trạng "ôm đất" thành dự án treo. Nhà nước đã bị thiệt hại rất lớn từ các dự án này rồi. Đáng nói, tình trạng dự án bỏ hoang đất rất phổ biến, không phải là hiếm hoi gì cả.
Ông Võ cho hay, quy định xử lý dự án treo đã có, rất rõ ràng nhưng thực tế thực thi còn rất yếu. Dự án bỏ hoang đất dẫn đến lãng phí cũng cho thấy có dấu hiệu có thể có lợi ích nhóm. Để khắc phục điều này, cần thực hiện nghiêm túc Luật Đất đai 2013, mọi dự án đều phải thực hiện đấu giá đất một cách công khai, minh bạch để lựa chọn nhà đầu tư.
Dự án treo ảnh hưởng tiêu cực đến người dân
Tại phiên trả lời chất vấn ĐBQH sáng 9/11/2020, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, dự án treo ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của người dân, đặc biệt là việc làm, sinh kế và cải tạo nhà ở.
Một trong những nguyên nhân xảy ra tình trạng dự án treo do địa phương còn chủ quan, nóng vội trong việc mở rộng đất phát triển đô thị chưa tính toán đầy đủ, chính xác yếu tố nguồn lực phát triển nên không thực hiện các chỉ tiêu quy hoạch. Năng lực một số chủ đầu tư yếu kém, không thực hiện được dự án.
Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cũng yêu cầu, thời gian tới, các địa phương cần có lộ trình cụ thể để rà soát, đánh giá thực hiện quy hoạch theo quy định, để điều chỉnh đúng đắn, kịp thời, tránh điều chỉnh tùy tiện và quy hoạch treo; Lập kế hoạch đầu tư trung hạn và hàng năm phải bố trí đủ nguồn lực để đầu tư công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/kdt-dai-ninh-can-thuc-hien-ket-luan-ttcp-dau-thau-lai-a49015.html