Phú Thái Holdings của ông Phạm Đình Đoàn: Lợi nhuận lao dốc không phanh

Năm 2020, lợi nhuận sau thuế của Công ty TNHH Phú Thái Holdings chỉ đạt 892 triệu đồng, giảm tới 36 lần so với năm trước đó.

Ông Phạm Đình Đoàn

Cơ nghiệp của ông Phạm Đình Đoàn

Với giới kinh doanh Hà Nội, ông Phạm Đình Đoàn là một gương mặt vô cùng quen thuộc. Vị doanh nhân sinh năm 1964 này được xem là một trong những người khai phá và đặt nền móng cho mô hình bán lẻ hiện đại Việt Nam, từng đảm nhiệm hàng loạt cương vị như: chủ tịch Hội doanh nghiệp trẻ Hà Nội, phó chủ tịch Hội đồng trung ương các hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam, chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp gia đình Việt Nam… Đặc biệt, ông Đoàn là đại biểu HĐND TP. Hà Nội 2 nhiệm kỳ liên tiếp (2015 – 2020 và 2021 – 2026).

Sự nghiệp kinh doanh của ông Phạm Đình Đoàn bắt đầu từ năm 1993 với Công ty TNHH Phú Thái hoạt động trong lĩnh vực thương mại, kinh doanh và phân phối các sản phẩm hàng tiêu dùng. Qua hàng chục năm phát triển, công ty lớn mạnh lên, đổi tên thành Công ty Cổ phần Tập đoàn Phú Thái (Phú Thái Group). Đến nay, Phú Thái Group có khoảng 20 công ty thành viên, trung tâm phân phối, kho vận và hơn 2.000 nhân viên.

Tuy nhiên, năm 2012, ông Đoàn đã bán 65% cổ phần Phú Thái Group cho tập đoàn phân phối, bán lẻ Thái Lan Berli Jucker (BJC), dẫn tới việc ông Pattaphong Iamsuro (người Thái Lan) lên làm chủ tịch HĐQT Phú Thái Group.

Dù vậy, việc bán Phú Thái Group không ảnh hưởng quá nhiều tới cơ nghiệp của ông Phạm Đình Đoàn. Bởi trước và sau khi thương vụ này xảy ra, ông Đoàn đã kịp gây dựng cho mình một hệ sinh thái gồm nhiều doanh nghiệp hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau, có thể kể đến như: Công ty TNHH Công nghiệp Phú Thái, Công ty Cổ phần Nông nghiệp Phú Thái, Công ty Cổ phần Thời trang Kowil Việt Nam, Công ty TNHH Thiết bị công nghiệp Phú Thái, Công ty Cổ phần Chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp Phú Thái, Công ty Cổ phần Bất động sản Phú Thái…

Bức tranh tài chính Công ty TNHH Phú Thái Holdings

Trong hệ sinh thái kể trên, doanh nghiệp trung tâm là Công ty TNHH Phú Thái Holdings. Pháp nhân này được thành lập năm 2009, đóng trụ sở tại phố Thái Thịnh, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội do ông Phạm Đình Đoàn làm chủ tịch HĐQT.

Dữ liệu của VietnamFinance cho thấy trong giai đoạn 2016 – 2020, Phú Thái Holdings có sự thụt lùi về quy mô tài sản, từ 1.150 tỷ đồng (2016) xuống 960 tỷ đồng (2020), tương đương mức giảm 16%.

Nguyên nhân của sự suy giảm này là nợ phải trả giảm bớt, từ 359 tỷ đồng (2016) xuống 106 tỷ đồng (2020), tương đương giảm 70%. Trong khi đó, vốn chủ sở hữu tăng trưởng từ 791 tỷ đồng lên 854 tỷ đồng, tương đương tăng 8%.

Cơ cấu tài sản cho thấy rõ mô hình holding của công ty khi khoản đầu tư tài chính dài hạn chiếm tới 87% tổng tài sản (năm 2020). Chất lượng tài sản nhìn chung tốt, an toàn. Các khoản phải thu ngắn hạn giảm đều đặn với tốc độ khá nhanh qua các năm, còn tồn kho không đáng kể, lần lượt đạt 34 tỷ đồng và 9,5 tỷ đồng (năm 2020).

Về nguồn vốn, điểm đáng chú ý duy nhất có lẽ là sự xuất hiện của các khoản vay dài hạn, bắt đầu từ năm 2019 và tăng lên trong năm 2020 với giá trị đạt 86 tỷ đồng.

Tuy có bức tranh tài chính khá đẹp, song bức tranh kinh doanh của Phú Thái Holdings lại không được sáng màu, nếu không muốn nói là rất u ám, đặc biệt là năm 2020.

Cụ thể, giai đoạn 2018 – 2020, doanh thu thuần của Phú Thái Holdings chỉ loanh quanh khoảng 1 tỷ đồng, lần lượt là: 1,5 tỷ đồng, 1,8 tỷ đồng và 1,3 tỷ đồng.

Với doanh thu thuần khiêm tốn, lợi nhuận gộp cũng trở nên ít ỏi. Đáng nói, lợi nhuận gộp còn trở thành số âm vào năm 2020 khi công ty kinh doanh dưới giá vốn (âm 774 triệu đồng).

Tất nhiên với công ty holding, doanh thu tài chính mới là trụ cột, song đáng tiếc là trụ cột này cũng suy yếu vào năm 2020 khi chỉ đạt 17,7 tỷ đồng, giảm 2,5 lần so với năm 2019 và giảm tới 2,9 lần so với năm 2018.

Kết quả là sau các năm 2018 – 2019 có lãi khá (42 tỷ đồng và 33 tỷ đồng), lợi nhuận sau thuế năm 2020 của Phú Thái Holdings chỉ còn vỏn vẹn 892 triệu đồng, giảm tới 36 lần so với năm 2018 và giảm 47 lần so với năm 2018. Một cú lao dốc không phanh!

Về dòng tiền, năm 2018 và 2019, dòng tiền kinh doanh của Phú Thái Holdings đều rơi vào cảnh âm nặng, lần lượt -24 tỷ đồng và -59 tỷ đồng. Dòng tiền kinh doanh âm tức là hoạt động kinh doanh chỉ mang lại tiền sổ sách chứ không phải tiền mặt. Để có tiền hoạt động, công ty hoặc bán tài sản, thu hồi tiền đầu tư hoặc phải đi vay.

Nếu như năm 2018, Phú Thái Holdings còn bám trụ vào doanh thu tài chính để hoạt động thì năm 2019, nguồn tiền này đã không còn đủ để cân đối. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến sự xuất hiện của khoản vay hơn 80 tỷ đồng vào năm 2019 (đã nói ở phần trên). Mặc dù vậy, chung cục, lưu chuyển tiền thuần năm 2019 vẫn âm 90 triệu đồng. Điều này đã làm giảm quy mô vốn bằng tiền của công ty xuống chỉ còn 521 triệu đồng.

Phải đến năm 2020, tình trạng âm dòng tiền kinh doanh và lưu chuyển tiền thuần mới được cải thiện…

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/phu-thai-holdings-cua-ong-pham-dinh-doan-loi-nhuan-lao-doc-khong-phanh-a49145.html