Biển hiệu quảng cáo kích cỡ “khủng” thi nhau vươn cao vươn xa, gây mất mỹ quan và vô cùng ngột ngạt (ảnh chụp Ngã 6 Ô Chợ Dừa – Xã Đàn, ngày 9.6.2021) Ảnh: NGỌC TÚ
Điều đáng lo ngại là tình trạng biển quảng cáo bao phủ phố phường đã trở thành vấn đề nhức nhối từ nhiều năm nay, nhưng dường như cơ quan chức năng vẫn chưa có biện pháp xử lý dứt điểm, khiến cho bức tranh đô thị giữa lòng Thủ đô trở nên “loang lổ”.
Hoa mắt với… biển quảng cáo ngoài trời
Luật Quảng cáo quy định rất rõ về kích cỡ, đối với biển hiệu ngang, theo đó chiều cao tối đa là 2m, chiều dài không vượt quá chiều ngang mặt tiền nhà. Đối với biển hiệu dọc thì chiều ngang tối đa là 1m, chiều cao tối đa là 4m nhưng không vượt quá chiều cao của tầng nhà nơi đặt biển hiệu. Biển hiệu không được che chắn không gian thoát hiểm, cứu hỏa; không được lấn ra vỉa hè, lòng đường, ảnh hưởng đến giao thông công cộng.
Nhưng trên thực tế vô số những biển hiệu quảng cáo vượt kích cỡ cho phép nhiều lần, chiếm lĩnh không gian mặt tiền các ngôi nhà đã và đang tồn tại. “Điểm danh” những địa điểm xuất hiện nhiều biển quảng cáo tấm lớn có thể kể đến một số khu vực như: Ngã 6 Xã Đàn, Ngã tư Lê Duẩn - Hai Bà Trưng - Nguyễn Khuyến, ngã tư Vọng, ngã tư Trần Khát Chân - Phố Huế... Chỉ tại ngã 6 Xã Đàn, mọi hướng đi, tầm nhìn đều thấy những biểu hiệu, biển quảng cáo cỡ lớn chiếm lĩnh. Hay khi đứng giữa ngã tư Lê Duẩn - Nguyễn Khuyến - Hai Bà Trưng, ngã tư Nguyễn Phong Sắc - Trần Thái Tông, chân cầu vượt Trần Khát Chân…, cũng thấy vô số những biển quảng cáo như chồng lên nhau, mất mỹ quan và ngột ngạt. Không chỉ án ngữ trước các ngôi nhà mặt phố ở vùng trung tâm, biển quảng cáo cỡ lớn còn đang có xu hướng mở rộng ra các khu đô thị mới và tuyến phố mới. Bên cạnh đó, xuất hiện không ít lời mời chào quảng cáo, kèm số điện thoại được in trên những tấm biển quảng cáo chờ, cũng với kích cỡ rất lớn.
Tình trạng loạn quảng cáo ngoài trời không phải đến nay mới nhức nhối. Người dân lâu nay đã bức xúc, thế nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa có biện pháp xử lý dứt điểm. Các biện pháp xử phạt hành chính, yêu cầu tháo dỡ hoặc cưỡng chế xử lý vi phạm chưa được thực thi thường xuyên, kiên quyết. Nghịch lý hơn nữa là dù Luật Quảng cáo đã quy định rõ ràng nhưng dường như trên thực tế, các doanh nghiệp quảng cáo và các chủ cửa hàng cho thuê trưng biển vẫn luôn có thỏa thuận ngầm, bất chấp quy định và hệ quả là hàng loạt biển quảng cáo xanh đỏ tím vàng xuất hiện ở bất kỳ nơi đâu, tiêu chí là càng dễ dàng đập vào mắt người tiêu dùng càng tốt.
Nắm bắt những thông tin này, Sở VHTT Hà Nội mới đây đã tổ chức đoàn thanh tra đánh giá vi phạm, đề xuất biện pháp xử lý vi phạm biển quảng cáo ngoài trời trên địa bàn các quận Đống Đa, Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Thanh Xuân. Theo thống kê trên địa bàn quận Đống Đa có 13 biển quảng cáo vi phạm tại ngã 6 Ô Chợ Dừa và một biển tại ngã tư đường Lê Duẩn - Nguyễn Khuyến - Hai Bà Trưng. Tại quận Hoàn Kiếm, đoàn kiểm tra ghi nhận một số vi phạm như các biển quảng cáo cỡ lớn, quảng cáo sản phẩm nước gạo Hàn Quốc, nước suối khoáng Kim Bôi, Dr.Care… Đây là những biển quảng cáo nằm ở mặt tiền, chồng 2 tầng phía đường Hai Bà Trưng và đường Lê Duẩn, kích cỡ lớn gấp 4 - 5 lần so với cho phép. Nhiều tấm biển rách nát, đang trong tình trạng mời gọi các doanh nghiệp tiếp tục đăng quảng cáo. Tương tự, dọc tuyến đường Xuân Thủy đi về hướng Cầu Giấy tồn tại nhiều tấm biển quảng cáo quá khổ, được bố trí ở những vị trí dễ đập vào mắt người đi đường.
Để thu hút sự chú ý với khách hàng, hầu hết các biển quảng cáo này đều được thiết kế khổ lớn, khung sắt, trang bị hệ thống đèn led, đèn chiếu sáng xung quanh. Biển to biển nhỏ, lâu ngày bị rách nát, xuống cấp khiến cho diện mạo các tuyến phố càng trở nên nhếch nhác hơn.
Tại ngã tư Hai Bà Trưng - Lê Duẩn, các biển quảng cáo sản phẩm nước gạo Hàn Quốc, nước suối khoáng Kim Bôi, Dr.Care... vi phạm nghiêm trọng về kích cỡ nhưng chưa được xử lý (ảnh chụp chiều ngày 4.7) Ảnh: TRẦN HUẤN
Bao giờ chấm dứt?
Được biết, trước thời điểm kiểm tra đã có một số biển quảng cáo trái phép được các chủ doanh nghiệp “phù phép” biến mất trong một đêm. Tình trạng đối phó này cũng đã từng diễn ra nhiều lần trước đây, khi có thông tin đoàn thanh tra khảo sát thực tế. Nhưng sau đó, đâu lại hoàn đấy.
Theo Thanh tra Sở VHTT Hà Nội, sau khi kiểm tra, đoàn thanh tra của Sở đã lập biên bản, đề nghị các phòng VHTT của các quận phối hợp nâng cao hiệu quả quản lý, kiểm tra và phát hiện vi phạm trong hoạt động quảng cáo. Đối với những biển hiệu, biển quảng cáo vi phạm, Thanh tra đề nghị phòng VHTT quận tham mưu UBND quận ban hành kế hoạch, có phương án quản lý, tháo dỡ. Đại diện Thanh tra Sở cũng nhấn mạnh, đối với những trường hợp vi phạm quy định về quảng cáo ngoài trời, Sở sẽ xử lý đúng quy định pháp luật nhằm đưa hoạt động quảng cáo vào nề nếp, góp phần trả lại không gian và gìn giữ cảnh quan môi trường. Theo ghi nhận, ngay sau đợt kiểm tra của Sở VHTT Hà Nội, quận Đống Đa là đơn vị đầu tiên ra kế hoạch xử lý nghiêm vi phạm biển quảng cáo cỡ lớn. Đây cũng là địa bàn có số lượng biển quảng cáo vi phạm khá dày đặc, tỉ lệ tái vi phạm sau khi xử lý nhiều. Lãnh đạo quận chia sẻ quan điểm sẽ xử lý nghiêm các vi phạm liên quan đến biển quảng cáo quá khổ, sai quy định, góp phần chỉnh trang bộ mặt đô thị. Cụ thể, ngày 25.6, Ban Chỉ đạo 197 quận đã có công văn về việc phân công tổ chức ra quân kiểm tra, xử lý vi phạm biển hiệu, quảng cáo sai quy định trên các tuyến phố Khâm Thiên, Nguyễn Lương Bằng, Tây Sơn. Bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động các hộ kinh doanh tự giác khắc phục vi phạm, quận sẽ tiến hành cưỡng chế đối với những trường hợp không chấp hành theo quy định.
Trong nhiều kế hoạch và Chỉ thị về công tác chỉnh trang đô thị, quản lý trật tự văn minh đô thị, văn minh thương mại tại các tuyến phố được quận Đống Đa ban hành, có nội dung kiểm tra, xử lý bảng quảng cáo, biển hiệu sai phạm che chắn không gian thoát hiểm, cứu hỏa. Mục đích nhằm tăng cường trật tự, kỷ cương trong hoạt động quảng cáo, viết đặt biển hiệu, góp phần hình thành ý thức tự giác trong xây dựng nếp sống văn minh đô thị. Để thực hiện, Ban Chỉ đạo 197 quận yêu cầu các phường xử lý tháo dỡ các khung, bảng quảng cáo, biển hiệu sai phạm; tập trung xử lý các bảng quảng cáo, biển hiệu kích thước lớn và tại các ngã ba, ngã tư, nút giao thông che chắn không gian thoát hiểm, cứu hỏa khi có sự cố xảy ra. Trong đó, đảm bảo tuân thủ các quy định hiện hành về xử lý vi phạm hành chính, an toàn trong quá trình tổ chức tháo dỡ; không để tình trạng vi phạm tái diễn.
Việc dọn dẹp hệ thống biển quảng cáo cỡ lớn, trả lại không gian cho đường phố của Hà Nội luôn được đặt ra như một nhiệm vụ thường xuyên. Năm 2016, Hà Nội đã từng lập đoàn kiểm tra liên ngành ra quân tháo dỡ 90% bảng quảng cáo một cột cỡ lớn và bảng quảng cáo ở dải phân cách vi phạm Luật Quảng cáo. Cuộc ra quân rầm rộ năm đó được coi là thành công lớn của Hà Nội trong việc dọn biển quảng cáo tấm lớn ở các trục đường lớn. Tuy nhiên, sự xuất hiện và tồn tại ngang nhiên của nhiều bảng quảng cáo tấm lớn vi phạm trong thời gian qua đã tiếp tục đặt ra yêu cầu phải mạnh tay và kiên quyết hơn nữa từ phía các cơ quan chức năng. Trên cơ sở hành lang pháp lý hiện hành, các cấp, ngành chức năng cần quản lý chặt chẽ ngay từ khi cấp phép, giám sát quá trình đơn vị quảng cáo triển khai để kịp thời ngăn chặn vi phạm. Mặt khác, cần phát huy vai trò của các đoàn thể, tổ dân phố trong việc giám sát, phát hiện vi phạm, kịp thời kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý. Trao đổi với chúng tôi, một nguyên cán bộ Sở VHTT Hà Nội cho biết, “việc quản lý, xử lý biển quảng cáo tấm lớn, quảng cáo ngoài trời là trong thẩm quyền trách nhiệm của các quận, huyện. Nếu chính quyền quận, huyện buông lỏng công tác quản lý, thiếu kiểm tra và xử lý nghiêm thì tình trạng “xôi đỗ” quảng cáo ngoài trời vẫn luôn là bài toán gây nhức nhối đối với dư luận”.
Chỉ khi những giải pháp đồng bộ được triển khai quyết liệt thì khi ấy, những bảng quảng cáo tại nóc nhà, mặt tiền, bên hông công trình xây dựng, nhà ở, nhất là các biển hiệu karaoke vi phạm quy định về quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời… mới có thể được dọn dẹp, những tấm “áo vá” quảng cáo ngoài trời mới được xóa bỏ.
Việc quản lý, xử lý biển quảng cáo tấm lớn, quảng cáo ngoài trời là trong thẩm quyền trách nhiệm của các quận, huyện. Nếu chính quyền quận, huyện buông lỏng công tác quản lý, thiếu kiểm tra và xử lý nghiêm thì tình trạng “xôi đỗ” quảng cáo ngoài trời vẫn luôn là bài toán gây nhức nhối đối với dư luận
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/bien-quang-cao-tam-lon-tiep-tuc-vi-pham-tren-pho-phuong-ha-noi-chinh-quyen-phai-vao-cuoc-a49802.html