Kinh tế thế giới 2021: Thoát khỏi 'bóng đen' Covid-19 và sẽ phục hồi?
Quá trình phục hồi có thể kéo dài, không đồng đều và không chắc chắn nhưng nền kinh tế thế giới sẽ dần thoát khỏi bóng mây u ám Covid-19.
Các tổ chức và chuyên gia phân tích dự báo, đại dịch Covid-19 chưa chắc có thể được kiểm soát hoàn toàn trong năm 2021, quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu kéo dài, và phụ thuộc nhiều vào “lời giải” từ vaccine, quan hệ thương mại giữa các nền kinh tế lớn…
Theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), trong năm 2021 tăng trưởng toàn cầu sẽ đạt khoảng 5,4%, thấp hơn nhiều so với con số 6,5% mà tổ chức này đưa ra vào thời điểm trước khi đại dịch bùng phát vào tháng 1/2020.
Mặc dù kinh tế toàn cầu đã thoát đáy kể từ thời điểm “đóng bang” hồi tháng 4 năm ngoái do các lệnh hạn chế đi lại và giãn cách xã hội, nhưng Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp khiến nhiều nước vẫn thận trọng mở cửa biên giới và hạn chế…
Ngân hàng Thế giới (WB) cũng không mấy lạc quan về khả năng phục hồi nhanh của kinh tế toàn cầu khi “bóng đen” Covid-19 vẫn đang hiện hữu.
Đại dịch đã làm trầm trọng thêm những rủi ro liên quan đến làn sóng tích lũy nợ toàn cầu kéo dài hàng thập kỷ, đồng thời làm giảm tốc độ tăng trưởng tiềm năng được dự báo từ lâu trong thập kỷ tới. WB cho rằng, kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng khoảng 4% năm 2021, và con số này phụ thuộc vào tiến độ tiêm phòng vaccine Covid-19 trên toàn cầu.
Dự báo khá ảm đạm cho năm 2021, chuyên gia kinh tế trưởng Laurence Boone của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) lưu ý: Kinh tế thế giới có thể sẽ còn phải trải qua tác động của đại dịch trong năm nay. Triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2021 sẽ được cải thiện nhưng ở mức thấp và không đồng đều ở tất cả các quốc gia.
Chẳng hạn, Trung Quốc dự kiến sẽ tăng trưởng 8% vào năm 2021, trong khi các nền kinh tế thành viên OECD khác dự kiến chỉ tăng trưởng trung bình hơn 3%. Các quốc gia sẽ phục hồi tốt như thế nào sẽ phụ thuộc vào việc triển khai vaccine suôn sẻ ra sao.
Theo giới chuyên gia kinh tế, hậu quả của đại dịch Covid-19 đối với kinh tế toàn cầu sẽ còn dai dẳng, tăng trưởng GDP không chỉ đối mặt với triển vọng ảm đạm trong năm 2021 mà còn lan sang cả năm 2022-2023, với đầu tư tư nhân và tăng năng suất thấp hơn. Đối với các nền kinh tế phát triển, mức tăng trưởng GDP vào cuối năm 2021 sẽ vẫn thấp hơn năm 2019 và thấp hơn đáng kể so với mức dự kiến trước đại dịch.
Trong năm 2021, nhiều khả năng tốc độ phục hồi việc làm của Mỹ - cường quốc số 1 thế giới có thể tăng cao sau cú sốc ban đầu của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, do Chương trình bảo vệ tiền lương đã hết hạn vào cuối tháng 7/2020, sự phục hồi có xu hướng sẽ giảm tốc do có ít hỗ trợ hơn, đặc biệt là do ảnh hưởng của hậu bầu cử Tổng thống. Do vậy, GDP của Mỹ sau khi giảm 6% vào năm 2020 có thể đạt mức phục hồi 3,7% vào năm 2021. Nếu cuộc khủng hoảng y tế tiếp tục kéo dài trong những tháng tới, GDP dự kiến sẽ chỉ đạt 1% vào năm 2021.
Kinh tế của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) dự kiến sẽ phục hồi với mức tăng 5,8% vào năm 2021, sau khi ghi nhận mức giảm 7,1% trong năm 2020. Trong số các thành viên của Eurozone, Đức dự kiến sẽ phục hồi nhanh hơn nhờ các biện pháp kích thích tài chính mạnh mẽ và thu nhập phục hồi trở lại mức trước đại dịch vào quý 1/2023.
Tại khu vực châu Á, giới chuyên gia nhận định tăng trưởng trong khu vực dự kiến sẽ dần phục hồi sau khi bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Mặc dù đang trong tình trạng thu hẹp, khu vực này vẫn duy trì hiệu suất tương đối so với phần còn lại của thế giới. Xét về tổng thể, khu vực châu Á vẫn có những nền tảng cơ bản tương đối vững chắc nhờ khả năng phục hồi của mỗi quốc gia.
Phục hồi đối với Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới vẫn sẽ được duy trì trong bối cảnh nước này kiểm soát tốt dịch bệnh và thực hiện các biện pháp kích thích tương đối hiệu quả. Nhằm ngăn chặn tình trạng mất cân đối cơ cấu ngày càng trầm trọng, hiện chính sách kinh tế của Trung Quốc đang hướng tới sự bền vững của tăng trưởng thay vì chỉ tập trung theo đuổi các biện pháp kích thích. Do chính sách kích thích kinh tế chú trọng nhiều hơn đến tính bền vững của tăng trưởng, tăng trưởng sẽ không cao như mong đợi, dự kiến vào khoảng 8% trong năm 2021.
Toàn cầu hóa kinh tế là xu thế cơ bản khó có thể đảo ngược trong phát triển kinh tế thế giới, song hình thức biểu hiện của nó sẽ có sự thay đổi. Trong mấy năm qua, do kinh tế toàn cầu phát triển mất cân bằng, sự bất bình đẳng giữa các nước gia tăng, chủ nghĩa bảo hộ trỗi dậy. Đại dịch Covid-19 có khả năng sẽ làm trầm trọng hơn sự lan truyền của làn sóng chống lại toàn cầu hóa.
Các nước lần lượt áp dụng những biện pháp kiểm soát dịch bệnh như cách ly, giám sát hải quan…, vì vậy sự lưu chuyển con người và các yếu tố sản xuất chắc chắn sẽ khó khăn, điều này sẽ khiến toàn cầu hóa và mở cửa phát triển bị cản trở trong ngắn hạn.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/kinh-te-the-gioi-2021-thoat-khoi-bong-den-covid-19-va-se-phuc-hoi-a5071.html