Bình Dương: Chênh lệch “khủng” từ các gói thầu tại sở GD&ĐT đi đâu, vào túi ai?

Giá của nhiều thiết bị mà sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Dương chi ngân sách để mua cao hơn nhiều so với giá thị trường, thậm chí là gấp đôi. Điều này khiến dư luận không khỏi hoài nghi.

Đội giá gần 900 triệu đồng/hạng mục

Theo tìm hiểu của PV, ngày 30/6/2020, ông Đặng Minh Hưng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đã ký Quyết định số 1716/QĐ-UBND phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu gói thầu “Mua sắm tập trung năm 2020 của sở GD&ĐT”, duyệt gói thầu “Mua sắm thiết bị camera, âm thanh trang bị cho các trường mầm non” có giá dự toán là 46.301.258.184 đồng. Đến ngày 30/9/2020, ông Nguyễn Hồng Sáng – Giám đốc sở GD&ĐT tỉnh Bình Dương ký quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn công ty Cổ phần Biển Bạc (địa chỉ tại 24 đường Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội) thực hiện gói thầu với giá 45.688.000.000 đồng, giảm được 613.258.184 đồng so với dự toán.

s1
Quyết định phê duyệt lựa chọn nhà thầu của sở GD&ĐT Bình Dương.

Tuy nhiên, khi tìm hiểu từng hạng mục và so sánh giá của các thiết bị do công ty Cổ phần Biển Bạc cung cấp cho sở GD&ĐT tỉnh Bình Dương so với giá thị trường, PV thấy điều bất thường rằng, nhiều thiết bị “xịn” hơn hẳn về giá nhưng chất lượng không đổi vì cùng 1 model, cùng nhà sản xuất, cùng chất liệu.

Cụ thể, bộ điều khiển trung tâm phân vùng có giá dự thầu 85.900.000 đồng, giá thị trường khoảng 70.210.000 đồng. Với số lượng 57 cái, mức chênh lệch mà sở GD&ĐT tỉnh Bình Dương phải “chi thêm” khoảng 894.000.000 đồng; bộ lưu điện UPS 3KVA online, giá dự thầu 27.560.000 đồng, giá thị trường khoảng 14.800.000 đồng, với số lượng 70 chiếc, chênh lệch khoảng 889.000.000 đồng; đầu ghi hình 32 kênh IP, giá dự thầu 59.500.000 đồng, giá thị trường khoảng 41.000.000 đồng, với số lượng 35 chiếc, chênh lệch 647.500.000 đồng; âm ly 500W, giá dự thầu 35.050.000 đồng, giá thị trường khoảng 25.000.000 đồng, với số lượng 57, chênh lệch 555.000.000 đồng.

Ngoài các thiết bị có số lượng mua sắm lớn dẫn đến giá chênh ở mức “khủng” này thì ở các thiết bị khác như: thiết bị chuyển mạch Switch POE 16 port; thiết bị chuyển mạch Switch POE 24 port; màn hình quan sát camera 43”; màn hình quan sát camera 55″, bộ thông báo vùng; tủ rack treo tường 19″, loại 27U với đầy đủ phụ kiện; máy tính bộ giám sát hệ thống camera; đầu ghi hình 16 kênh IP; đầu ghi hình 64 kênh IP; ổ cứng HDD ghi hình lưu hình 6TB… đều được mua với số lượng hàng chục chiếc và ở mỗi sản phẩm, mức giá chênh lệch của nhà cung cấp so với giá thị trường đều dao động trong khoảng từ 200 đến gần 400 triệu đồng. Ngay cả việc cung cấp tốc độ đường truyền là 60 Mbps – IP tĩnh cũng bị đội giá, chênh lệch hơn 150 triệu đồng.

Tổng số tiền chênh lệch khi mua sắm các thiết bị kể trên theo nhẩm tính của PV là hơn 5 tỷ đồng.

Dư luận đặt nhiều dấu hỏi xung quanh những con số chênh lệch “khủng” kể trên: Giá dự toán được xây dựng trên cơ sở pháp lý và khảo sát giá thực tiễn thế nào? Giá dự toán trên đã được cơ quan nào lập, thẩm định, phê duyệt? Căn cứ vào đâu để Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt giá dự toán gói thầu là 46.301.258.184 đồng. Có hay không sự bắt tay giữa chủ đầu tư, nhà thầu để nâng giá dự toán, cùng hưởng lợi ích nhóm?

Nhằm mục đích cung cấp các thông tin hữu ích, giúp các cơ quan quản lý Nhà nước nâng cao hiệu quả trong công tác sử dụng vốn đầu tư công, PV đã liên hệ làm việc với sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Dương nhưng không nhận được phản hồi.

Ai sai phải chịu trách nhiệm trước pháp luật

Liên quan đến vấn đề có sự chênh giá, đội giá thiết bị trường học ở các gói thầu xuất hiện tại nhiều địa phương hiện nay, chia sẻ riêng với PV Đời sống và Pháp luật, bà Bùi Thị An (Đại biểu Quốc hội khoá XIII) cho rằng, chủ trương của Đảng, Chính phủ là xã hội hóa trong lĩnh vực y tế, giáo dục là hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, cần có giám sát, kiểm tra chặt chẽ việc triển khai thực hiện, nếu không sẽ xảy ra rất nhiều vấn đề như báo chí đã phản ánh.

Qua thực tế, bà Bùi Thị An cho rằng: “Với những địa phương đã phát hiện ra sự việc có dấu hiệu bất thường thì cần có sự vào cuộc ngay của các cơ quan thanh tra, kiểm tra. Cơ quan chức năng cần làm rõ vấn đề để công bố công khai trước dư luận, sai đến đâu xử lý đến đó. Ai sai sẽ phải chịu trách nhiệm và thậm chí là xử lý đúng theo quy định của pháp luật. Không thể vì một số lợi ích của cá nhân hay một nhóm người mà làm câu chuyện chính sách bị xấu đi”.

Cùng đưa quan điểm về việc thiếu minh bạch trong hoạt động đấu thầu, ông Bùi Đức Thụ, thành viên hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính – Tiền tệ quốc gia, nguyên Ủy viên Thường trực uỷ ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, ĐBQH khóa XIII cho rằng: Luật Đấu thầu đã buộc các cá nhân, tổ chức có trách nhiệm trong việc quản lý, sử dụng ngân sách phải minh bạch, công khai, thực hiện theo đúng quy định luật hiện hành. Tất cả các gói thầu đều phải được thực hiện đúng theo quy trình, thủ tục.

“Tôi đề nghị cần có sơ kết, tổng kết quá trình thực hiện công tác đấu thầu từ nguồn vốn của Nhà nước xem mặt nào bất cập, bất cập do đâu. Nếu do quản lý điều hành thì phải có biện pháp chấn chỉnh lại ngay. Còn nếu do thể chế còn bất cập thì đề nghị điều chỉnh, bổ sung, chỉnh sửa các quy định của pháp luật theo tình hình thực tiễn theo hướng đơn giản hoá thủ tục, huy động được các nhà thầu tham gia rộng rãi hơn.

Bất cứ cơ quan, tổ chức nào thực hiện không tròn vai, không thực hiện hết trách nhiệm của mình kể cả cơ quan quyết định tổ chức đấu thầu cũng như cơ quan giám sát, trúng thầu thực hiện trái với luật định thì đều phải xử lý thích đáng theo quy định của pháp luật”, ông Bùi Đức Thụ nói.

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/binh-duong-chenh-lech-khung-tu-cac-goi-thau-tai-so-gddt-di-dau-vao-tui-ai-a50939.html