Nội dung phản ánh cho thấy, ông P.V.T. có địa chỉ thường trú tại Hà Nội cho biết, năm 2008, ông có nộp vào Công ty CP Tập đoàn Nam Cường số tiền hơn 1,4 tỷ đồng để thực hiện theo đúng cam kết đã thỏa thuận trong biên bản thỏa thuận góp vốn đầu tư đã ký với Công ty TNHH – Tập đoàn Nam Cường.
Theo hợp đồng thỏa thuận đã ký, Tập đoàn Nam Cường sẽ nhận số tiền hơn 1,4 tỷ đồng của ông T. để xây dựng cơ sở hạ tầng tại Khu đô thị mới Dương Nội, thành phố Hà Đông, tỉnh Hà Tây (nay là thành phố Hà Nội). Đổi lại ông T. sẽ được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng 1 ô đất ở biệt thự có ký hiệu A01- L50 (diện tích 180m2) tại khu đô thị mới Dương Nội với mức giá là 8.100.000 đồng/m2.
Tuy nhiên, theo phản ánh của ông T., cho đến thời điểm hiện tại, sau hơn 13 năm, ông T vẫn chưa nhận được đất, chưa được bàn giao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ô biệt thư đã góp vốn.
Tháng 2/2021, ông T. nhận được Thông báo số 02/3030/TB/A0150 của Tập đoàn Nam Cường về việc thanh lý biên bản thỏa thuận góp vốn đầu tư căn A01-L50 khu đô thị mới Dương Nội.
Thông báo số 02/3030/TB/A0150 của Tập đoàn Nam Cường gửi cho ông T. ghi rõ về lý do thanh lý hợp đồng. Cụ thể, thông báo ghi, biên bản thỏa thuận góp vốn đầu tư được ký kết từ năm 2008, có thời gian thực hiện kéo dài. Hiện tại, do các quy định hạn chế của pháp luật về việc phân lô bán nền, do vậy, căn cứ Điều 422 Bộ Luật dân sự 2015, Công ty CP Tập đoàn Nam Cường xin thông báo chấm dứt Biên bản thỏa thuận góp vốn với Quy khách hàng kể từ ngày 5/2/2021.
Phía Tập đoàn Nam Cường mời ông T. đến trụ sở của Tập đoàn Nam Cường để làm thủ thục thanh lý Biên bản thỏa thuận góp vốn và nhận lại số tiền đã góp vốn là 1.458.000.000 đồng.
Trước sự việc này, ông T. cho rằng: “Như vậy, Tập đoàn Nam Cường đã đơn phương chấm dứt hợp đồng, không thực hiện đúng biên bản thỏa thuận đã ký kết, đơn phương chấm dứt thỏa thuận không thông qua thương lượng là hành vi vi phạm pháp luật gây thiệt hại đến tài sản của tôi và có dấu hiệu lừa đảo để chiếm dụng vốn hơn 10 năm nay nhằm trục lợi bất chính”.
Trước sự việc này, Luật sư Đặng Xuân Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, theo Nghị định 71, từ năm 2010 trở về trước, khách hàng được phép góp vốn để nhận sản phẩm (ở đây là đất biệt thự). Quy định này phù hợp với trình độ phát triển của thị trường bất động sản Việt Nam thời điểm đó. Hợp đồng này có hiệu lực.
Luật sư Phượng phân tích thêm, đến năm 2021, công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng thiếu căn cứ. Đúng lý, nếu chấm dứt hợp đồng cần căn cứ vào các thông tin trách nghiệm nghĩa vụ của hai bên trong trường hợp này.
Mặt khác, luật sư Phượng cho rằng, việc kéo dài hợp đồng hơn 10 năm sẽ đẩy khách hàng vào rủi ro lớn. Trong trường hợp này, khách hàng có quyền yêu cầu chủ đầu tư phải tiếp tục thực hiện hợp đồng. Khách hàng hoàn toàn có quyền yêu cầu chủ đầu tư phải chuyển nhượng lại sản phẩm như trong thỏa thuận ban đầu.
Cũng theo phân tích của Luật sư Cường, có rất nhiều vấn đề khúc mắc mà Tập đoàn Nam Cường phải giải quyết dựa trên các quy định của pháp luật cũng như thỏa thuận giữa hai bên. Kể cả khi đơn phương chấm dứt hợp đồng thì phải hoàn lại số tiền bên kia đã góp, tiền lãi suất phát sinh, khoản lợi nhuận bên kia đáng lẽ được hưởng nếu chấm dứt.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/khach-hang-doi-dien-nguy-co-mat-dat-sau-10-nam-dau-tu-gop-von-voi-tap-doan-nam-cuong-a51602.html