Khu đất hơn 6.000m2 đang thuộc sở hữu của một đại gia bất động sản bị Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng xử lý.
Xử lý 6.000m2 đất công vào tay tư nhân
Trong kết luận thanh tra mà Thanh tra Chính phủ mới ban hành (Số 757/KL-TTCP) đã xác định: 6.202m2 số 39-39B Bến Vân Đồn (Quận 4) là đất có nguồn gốc thuộc sở hữu Nhà nước do 2 đơn vị Tổng Công ty Cao su Đồng Nai và Công ty Cao su Bà Rịa thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam quản lý.
Ngày 29/12/2009, Sở Kế hoạch Đầu tư TPHCM cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho Công ty TNHH Phú Việt Tín (Công ty Phú Việt Tín) có trụ sở cũng tại vị trí trên. Hai thành viên góp vốn để lập Công ty Phú Việt Tín là Tổng Công ty Cao su Đồng Nai và Công ty Cao su Bà Rịa.
Ngày 25/3/2010, UBND TPHCM có quyết định thu hồi và giao khu đất trên cho Công ty Phú Việt Tín đầu tư, kinh doanh theo quy hoạch. Đến ngày 31/3/2017, Công ty Phú Việt Tín đã ký kết hợp đồng sáp nhập vào Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển bất động sản Phúc Nguyên thành Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển bất động sản N.Ph.Ng.
Kết quả thanh tra của Thanh tra Chính phủ khẳng định: UBND TP ra quyết định về việc thu hồi, giao đất và chỉ định Công ty Phú Việt Tín làm nhà đầu tư thực hiện dự án tại vị trí nói trên không thông qua đấu giá là không đúng với Luật Đất đai năm 2003 và sai so với Thông tư số 03/2009 về việc hướng dẫn lựa chọn nhà đầu tư thực hiện đầu tư dự án có sử dụng đất của Bộ Kế hoạch Đầu tư.
Việc Công ty Phú Việt Tín không lập dự án đầu tư là vi phạm Nghị định số 12/2009 của Chính phủ bởi “khi đầu tư xây dựng công trình, chủ đầu tư phải tổ chức lập dự án đầu tư và trình người quyết định đầu tư thẩm định, phê duyệt”.
Đặc biệt, liên quan đến các vấn đề chuyển quyền sử dụng khu đất trên, 25/3/2021, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu Thanh tra Chính phủ bổ sung một số nội dung liên quan như: Phương án sắp xếp, xử lý nhà đất; việc đầu tư dự án của Công ty Phú Việt Tín; việc sáp nhập Công ty Phú Việt Tín và Công ty N.Ph.Ng.
Tuy nhiên, theo báo cáo của các sở, ngành thuộc UBND TP thì vị trí đất này đã được chuyển đổi chủ sử dụng nhiều lần, chuyển nhượng cổ phần từ các Công ty Cao su Đồng Nai và Công ty Cao su Bà Rịa cho một số doanh nghiệp khác qua thời gian dài.
Kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ cũng cho biết: Đến nay, dự án đã đầu tư xây dựng hoàn thành và bán hết cho người sử dụng. Qua đó, Thanh tra Chính phủ nhận thấy, vị trí nhà đất trên là tài sản công, việc giải quyết phải được thực hiện theo phương án sắp xếp, xử lý nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước đã được phê duyệt. Vì vậy, Thanh tra Chính phủ đề nghị Bộ Tài chính tiến hành kiểm tra và có biện pháp để xử lý theo đúng pháp luật.
Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện dấu hiệu hình sự gây thiệt hại tài sản Nhà nước thì chuyển hồ sơ, tài liệu đến cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật, không để thất thoát tài sản Nhà nước.
Yêu cầu TPHCM thu hồi hàng chục nghìn tỉ đồng thất thoát
Trước đó, trong kết luận thanh tra về công tác quản lý Nhà nước và thực hiện giải pháp trong quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai, môi trường đối với khu công nghiệp, khu đô thị cũng như trong việc chuyển đổi nhà, đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác tại TPHCM (Kết luận thanh tra số 757/KL-TTCP) Thanh tra Chính phủ chỉ ra hàng loạt sai phạm trong quản lý công sản tại TPHCM.
Đáng chú ý, số công sản sai phạm hiện đã được hợp thức hóa bằng nhiều đường, nhiều cách để trở thành đất của tư nhân, khiến cho quá trình xử lý, thu hồi phức tạp.
Vì vậy, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo giao Bộ TN&MT chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính rà soát và xử lý để có hướng dẫn thực hiện các vướng mắc trên để đảm bảo sự thống nhất trong việc xác định, phê duyệt giá trị tiền sử dụng đất đối với các dự án về việc cho khấu trừ 10% VAT trong giá trị ước tính tổng doanh thu thuần chưa phù hợp với các quy định về thuế giá trị gia tăng.
Đơn cử, gần 2.000m2 “đất vàng” mặt tiền đường Trần Hưng Đạo (Quận 1, TPHCM) là đất công nhưng đã được khéo léo chuyển nhượng về cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Thanh tra Chính phủ kết luận: Khu đất này có nguồn gốc là đất Nhà nước, việc giải quyết phải được thực hiện theo phương án sắp xếp, xử lý nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước đã được duyệt.
Do đó ngay sau khi có kết luận, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo giao Bộ Tài chính chủ trì kiểm tra, rà soát để có biện pháp xử lý phù hợp, đúng quy định của pháp luật, tránh thất thoát tài sản Nhà nước đối với dự án trên.
Trong đó có nội dung liên quan đến việc chuyển nhượng vốn góp và phương án xử lý, sắp xếp nhà đất trước đó. Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện dấu hiệu hình sự, gây thất thoát tài sản Nhà nước thì kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định pháp luật.
Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND TP tổ chức kiểm điểm, xác định trách nhiệm và xử lý theo thẩm quyền đối với các tập thể, cá nhân có liên quan đến các khuyết điểm, vi phạm.
Trường hợp vượt thẩm quyền hoặc có dấu hiệu hình sự thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định. Kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với các cá nhân, tổ chức liên quan đến các vi phạm trong việc chỉ định các nhà đầu tư dự án không qua đấu giá được phát hiện qua thanh tra.
Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND TP xử lý về kinh tế: Thu hồi về ngân sách Nhà nước số tiền 17.629 tỷ đồng; xem xét, xử lý theo thẩm quyền hoặc đề xuất xử lý theo quy định của pháp luật đối với tổng số tiền và nhà, đất qua thanh tra phát hiện là 2.036,601 tỷ đồng, 6.037.829,5 USD và 463.964,24m2 đất… trong toàn bộ các sai phạm về quản lý, sử dụng đất công.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/kien-nghi-thu-tuong-xu-ly-dat-cong-bi-that-thoat-tai-tphcm-a51725.html