(Ảnh minh họa) |
Theo báo cáo tài chính quý 2/2021 công bố mới đây, CTCP Rượu và Nước giải khát Hà Nội (Halico - Mã: HNR) ghi nhận doanh thu thuần quý 2/2021 đạt hơn 17 tỷ đồng, giảm gần 33% so với cùng kỳ. Sau khi trừ các chi phí, công ty lỗ sau thuế hơn 12 tỷ đồng, gấp đôi so với cùng kỳ năm 2020. Đây là quý thứ 13 liên tiếp công ty báo lỗ từ khi đăng ký giao dịch trên sàn chứng khoán Hà Nội vào giữa năm 2018.
Luỹ kế sáu tháng đầu năm, Halico ghi nhận doanh thu 53 tỷ đồng. Chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp ăn hơn 24 tỷ đồng là hai khoản mục kéo giảm phần lớn lợi nhuận khiến công ty này báo lỗ sau thuế nửa năm 13,3 tỷ đồng.
Kết quả, công ty này lỗ luỹ kế gần 458 tỷ đồng, tăng hơn 13 tỷ đồng so với đầu năm và hơn gấp đôi vốn điều lệ.
CTCP Bọc ông Dầu khí Việt Nam (PV Coating – Mã: PVB) vừa công bố báo cáo tài chính quý 2/2021 ghi nhận doanh thu thuần giảm 93% so với cùng kỳ năm trước còn 17 tỷ đồng, chủ yếu do doanh thu từ hoạt động bọc ống giảm.
Trong kỳ, doanh nghiệp kinh doanh dưới giá vốn nên lỗ gộp 2 tỷ đồng so với khoản lãi 53 tỷ đồng cùng kỳ. Trừ đi các chi phí, PVB lỗ sau thuế hơn 5 tỷ đồng và là quý thứ 4 liên tiếp thua lỗ.
Lũy kế sau hai quý đầu năm, doanh thu thuần của PVB đạt 28 tỷ đồng, bằng 4% cùng kỳ. Công ty chuyển từ có lãi 86 tỷ đồng sang lỗ 15 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2021.
Ảnh hưởng nặng bởi Covid-19, CTCP Khách sạn Sài Gòn (Mã: SGH) ghi nhận doanh thu thuần 6 tháng đầu năm giảm 34% về 6,2 tỷ đồng. Lãi sau thuế còn 300 triệu đồng, tương ứng giảm 88% so với khoản lãi 2,5 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.
So với kế hoạch năm 2021, Khách sạn Sài Gòn mới thực hiện được 41% chỉ tiêu doanh thu và gần 13% chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế năm.
CTCP Nhiệt điện Hải Phòng (Mã: HND) vừa công bố báo cáo tài chính quý 2/2021 với doanh thu thuần đạt 2.624 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ năm 2020. Nguyên nhân chủ yếu do giá điện, sản lượng điện hợp đồng Qc giảm. Trừ đi các chi phí, Nhiệt điện Hải Phòng báo lãi 188 tỷ đồng, giảm 66% so với quý 2/2020.
Lũy kế nửa đầu năm, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của Nhiệt điện Hải Phòng đạt lần lượt 4.613 tỷ đồng và 177 tỷ đồng, giảm 25% và 76%.
CTCP Nhiệt điện Phả Lại (Mã: PPC) vừa công bố báo cáo tài chính quý 2/2021 với doanh thu thuần giảm 46% so với cùng kỳ năm ngoái về 1.219 tỷ đồng. Kinh doanh dưới giá vốn khiến lợi nhuận gộp của công ty âm 76 tỷ đồng.
Đáng lưu ý, doanh thu từ hoạt động tài chính ghi nhận 210 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ, nhờ nhận lợi tức được chia.
Nhờ nguồn thu tài chính nên Nhiệt điện Phả Lại vẫn có lãi nhưng lợi nhuận sau thuế giảm 57% xuống còn 120 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.
Theo giải trình của Nhiệt điện Phả Lại, kết quả sản xuất kinh doanh quý 2 biến động giảm trên 10% so với cùng kỳ năm trước do sản lượng điện sản xuất trong quý đạt 932 triệu kWh thấp hơn 802 triệu kWh so với cùng kỳ 2020. Doanh thu bán điện thấp, lợi nhuận từ sản xuất điện thấp.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Nhiệt điện Phả Lại đạt 2.297 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 259 tỷ đồng, lần lượt giảm 49% và 46% so với cùng kỳ.
CTCP Cao su Phước Hòa (Mã: PHR) vừa công bố báo cáo tài chính riêng quý 2/2021 , ghi nhận doanh thu tăng 88%, tuy nhiên khoản lợi nhuận khác trong quý giảm từ 317 tỷ đồng về 16 tỷ, kéo lợi nhuận sau thuế của PHR giảm 86% còn 37 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của PHR đạt 591 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế còn 58 tỷ đồng, lần lượt tăng 88% và giảm 85% so với cùng kỳ. Như vậy, sau 6 tháng, PHR chỉ thực hiện được 28% kế hoạch doanh thu năm và 8% chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế của công ty mẹ.
Một công ty cao su khác cũng ghi nhận sự sụt giảm mạnh trong kết quả kinh doanh là CTCP Cao su Tây Ninh (Mã: TRC). Cụ thể, chi phí tăng cùng với việc lợi nhuận từ thanh lý cao su (lợi nhuận khác) sụt giảm đáng kể đã khiến lợi nhuận ròng quý 2/2021 của TRC giảm 79% so với cùng kỳ, chỉ còn hơn 3 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, lợi nhuận sau thuế của TRC ghi nhận giảm 28% so với cùng kỳ, còn gần 27 tỷ đồng. Với kết quả này, TRC đã thực hiện được gần 42% mục tiêu lợi nhuận của cả năm 2021, theo kế hoạch được thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên.
Theo báo cáo tài chính quý 2/2021 vừa công bố, CTCP Phát triển Đô thị Công nghiệp số 2 (Mã: D2D) báo lãi sau thuế quý 2 giảm 39% so cùng kỳ, dù doanh thu tăng 60%.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của D2D xấp xỉ 197 tỷ đồng, tăng 32% so cùng kỳ, với động lực chính đến từ Dự án Khu Dân cư Lộc An. Lãi gộp của Công ty cũng tăng tương ứng 32%, lên gần 140 tỷ đồng.
Tuy nhiên, cũng vì lý do lãi tiền gửi giảm mạnh, lợi nhuận sau thuế nửa đầu năm của D2D giảm 28% so cùng kỳ, còn gần 109 tỷ đồng. Với kết quả này, D2D thực hiện được hơn 40% mục tiêu lợi nhuận 2021, theo kế hoạch được thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên.
Cũng liên quan đến kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2021, tại đại hội cổ đông diễn ra ngày 14/7 vừa qua, Tổng công ty hàng không Việt nam (Vietnam Airlines – Mã: HVN) cũng đã ước tính 6 tháng đầu năm, lỗ công ty mẹ khoảng 9.823 tỷ đồng, lỗ hợp nhất khoảng 10.788 tỷ, chỉ số tài chính thay đổi theo hướng tiêu cực và rủi ro.
Cả năm 2021, Vietnam Airlines lên kế hoạch tổng doanh thu hợp nhất 37.364 tỷ đồng, giảm gần 12% so với năm ngoái, lỗ sau thuế hợp nhất 14.526 tỷ đồng, tăng 30% so với số lỗ kỷ lục 11.178 tỷ của năm 2020.
Tổng giám đốc Lê Hồng Hà cho biết từ đầu năm 2021 tới nay tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp hơn rất nhiều so với dự báo, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Tại Việt Nam, hai đợt bùng phát dịch bệnh xuất hiện đúng vào các giai đoạn cao điểm Tết và trước kỳ nghỉ 30/4 – 1/5 rồi kéo dài sang cả cao điểm hè đã tác động hết sức tiêu cực tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các hãng hàng không.
Bên cạnh đó, giá dầu năm 2021 dự kiến tăng cao, trung bình cả năm khoảng 70,4 USD/thùng, khiến cho chi phí của Vietnam Airlines tăng thêm 700 tỷ so với năm 2020…
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/dau-mua-bao-cao-lo-dien-nhieu-doanh-nghiep-co-ket-qua-kinh-doanh-lao-doc-trong-quy-2-a53811.html