Cổ phiếu MWG đi về đâu giữa 'cơn sóng' Bách hóa Xanh?

Nhà đầu tư MWG của Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di Động vừa trải qua một ngày đầy biến động khi giá cổ phiếu giảm sâu do liên quan đến “cơn sóng” tẩy chay chuỗi cửa hàng Bách hóa Xanh.

Bốc hơi gần 6.000 tỉ đồng trong ngày

Chốt phiên giao dịch cuối ngày 19/7, cổ phiếu MWG của Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động ở mức 156.500 đồng/cổ phiếu, giảm 11.600 đồng/cổ phiếu (-6,9%) so với ngày 16/7.

Khối lượng giao dịch cổ phiếu MWG trong ngày 19/7 cũng cao nhất trong 1 tuần trở lại đây khi đạt tới 1,868 triệu cổ phiếu, với tổng giá trị giao dịch 297,07 tỉ đồng, khối lượng bán ra cao hơn gấp 2 lần khối lượng mua vào.

Tại Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động, ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch HĐQT đang trực tiếp sở hữu trên 12 triệu cổ phiếu MWG và 15,52 triệu cổ phiếu MWG (gián tiếp qua 100% cổ phần tại Công ty TNHH MTV Tư vấn Đầu tư Thế giới Bán lẻ). Với mức giảm của cổ phiếu MWG, tài sản trên sàn của ông Nguyễn Đức Tài đã giảm gần 700 tỉ đồng.

tm-img-alt
Thống kê giao dịch cổ phiếu MWG ngày 19/7 và những ngày gần đây (Nguồn Vietstock).

Theo công bố từ Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động, chuỗi Bách hóa Xanh ghi nhận doanh thu hơn 10.600 tỉ đồng 5 tháng đầu năm 2021, tăng trưởng 36% so với cùng kỳ. Riêng doanh thu tháng 5 tăng mạnh, mỗi cửa hàng đạt doanh thu bình quân hơn 1,35 tỉ đồng, một phần do nhu cầu tích trữ hàng hóa thiết yếu của người dân. Trước đó, chuỗi Bách hóa Xanh ghi nhận doanh thu 21.260 tỉ đồng cho cả năm 2020, gấp đôi so với năm 2019.

Câu chuyện của cổ phiếu MWG được nhà đầu tư chú ý hơn cả trong những ngày gần đây do chuỗi cửa hàng Bách hóa Xanh thuộc sở hữu của MWG đang vấp phải phản ứng dữ dội của người tiêu dùng vì động thái tăng giá các mặt hàng thiết yếu trong thời điểm TP.HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai... đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ.

Một số cửa hàng Bách hóa Xanh ở khu vực phía Nam cũng đã bị lực lượng QLTT lập biên bản vì hành vi bán hàng không đúng giá niêm yết trong hai ngày cuối tuần qua.

Mặc dù đã lên tiếng khẳng định việc tăng giá bán hàng hóa không nhằm mục đích vụ lợi, nhưng Bách hóa Xanh vẫn phải đối mặt với “làn sóng” tẩy chay của người tiêu dùng.

Trước đó, từ phản ánh của người tiêu dùng, ngày 16/7, lực lượng QLTT đã tiến hành kiểm tra, làm việc gần 300 cửa hàng Bách hóa Xanh tại nhiều quận, huyện trên địa bàn TP.HCM.

Trong một diễn biến khác, ngày 17/7, Cục QLTT tỉnh Sóc Trăng cũng đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với cửa hàng Bách hóa Xanh ở số 481 Trần Hưng Đạo, khóm 8, phường 3, TP.Sóc Trăng về hành vi bán một số mặt hàng cao hơn so với giá niêm yết.

Sau đó, chiều 18/7, Cục QLTT tỉnh Đắk Lắk đã tiến hành kiểm tra tại cửa hàng Bách hóa Xanh (địa chỉ 259-261 Ngô Quyền, phường Tân An, TP.Buôn Ma Thuột). Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện cửa hàng này bán hàng không niêm yết giá và bán giá cao hơn so với giá niêm yết.

Hiện Cục QLTT các tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Tiền Giang, TP.Cần Thơ đều đưa chuỗi cửa hàng Bách hóa Xanh vào diện theo dõi, thường xuyên phải giám sát, kiểm tra để đảm bảo người dân không bức xúc.

Lo ngại tình trạng bán tháo cổ phiếu MWG

Với 475 triệu cổ phiếu đang niêm yết khiến giá trị vốn hoá của MWG bốc hơi gần 6.000 tỉ đồng. Theo nhận định của một số chuyên gia kinh tế, giá trị cổ phiếu MWG sẽ nhiều biến động trong thời gian tới, thậm chí có thể xảy ra làn sóng bán tháo của các nhà đầu tư bởi dịch Covid-19 và hình ảnh của doanh nghiệp.

Việc chuyên gia kinh tế lo ngại là hoàn toàn có cơ sở, bởi MWG từng bị bán tháo thời điểm cuối năm 2018, sau sự cố rò rỉ thông tin về tài khoản ngân hàng của khách hàng.

tm-img-alt
Chuỗi cửa hàng Bách hóa Xanh đang bị "làn sóng" tảy chay từ người tiêu dùng.

Thời điểm đó, rất nhiều người từng mua sắm tại MWG phát hiện thông tin tài khoản ngân hàng của mình, bao gồm số thẻ, ngày hết hạn, ngày giờ mua hàng có trong file dữ liệu được tung lên mạng. Có khoảng 31.000 bản ghi như thế được tung ra.

Dù lãnh đạo MWG không thừa nhận liên quan đến sự cố rò rỉ thông tin khách hàng, nhưng MWG vẫn bị nhà đầu tư bán tháo trong 2 phiên giao dịch, từ 120.000 đồng/cổ phiếu xuống cỏn 106.000 đồng/cổ phiếu.

Theo chuyên gia chứng khoán, các tổ chức nước ngoài vốn đặt cao vấn đề trách nhiệm xã hội, sẽ không bao giờ đầu tư vào doanh nghiệp có “phốt” trục lợi khách hàng, đặc biệt là trong bối cảnh cả nước đang dồn sức chống đại dịch Covid-19.

Ngoài sự cố lần này, MWG liên tục bị cổ đông, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân, phản đối với chính sách phát hành cổ phiếu thưởng cho người lao động (ESOP) quá lớn và thực hiện liên tục mỗi năm.

Năm 2021, MWG dự kiến tiếp tục phát hành cổ phiếu ESOP với tỷ lệ tối đa lên đến 3% số cổ phiếu đang lưu hành nhưng không quá 21,5 triệu cổ phiếu, giá phát hành chỉ 10.000 đồng/ổ phiếu.

Tuy nhiên, khi trả lời thắc mắc của cổ đông về chính sách này, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT MWG, khiến cho cổ đông hết sức ngỡ ngàng với phát biểu: “Nếu cổ đông bực bội với chính sách phát hành cổ phiếu ESOP thì hãy cân nhắc khi đầu tư vào MWG, mà hãy đầu tư vào doanh nghiệp khác”.   

Bách hóa Xanh tăng giá, bán không đúng giá niêm yết trong mùa dịch là phản cảm, thiếu nhân văn

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên bộ môn Quản trị Tài chính quốc tế (Học viện Tài chính) cho rằng, việc một số cửa hàng Bách hóa Xanh niêm yết giá một đằng, bán giá một nẻo là hành động thiếu nhân văn, đáng lên án trong bối cảnh đại dịch bùng phát.

Đặc biệt, đặt trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp khác đang cố gắng, nỗ lực phân phối, cung ứng hàng hóa để đảm bảo nhu cầu cung ứng, thậm chí, nhiều cá nhân, tổ chức còn đứng ra quyên góp, ủng hộ nhu yếu phẩm thì câu chuyện trên là đáng chú ý. Hành động tăng giá bán của Bách hóa Xanh, theo chuyên gia này, thậm chí còn gây phản cảm.

"Việc tăng giá bán so giá niêm yết đã là sai, dù cửa hàng này có tăng ít hay tăng nhiều. Giả sử, tăng giá một quả trứng lên vài đồng, không đáng kể gì nhưng đặt trong tình huống số lượng trứng ấy lên tới hàng vạn, hàng triệu quả trong lúc dịch bệnh hoành hành thì đây không còn là con số nhỏ nữa. Thứ hai, trong làm ăn, kinh doanh, việc giữ uy tín rất là quan trọng, nó quyết định đến sự phát triển và tồn tại của doanh nghiệp", ông nhấn mạnh.

Theo ông Thịnh, việc xây dựng uy tín doanh nghiệp rất mất nhiều công sức, thời gian và tiền bạc nhưng đôi khi để đánh mất uy tín lại rất nhanh, rất đơn giản. Bởi vậy, đây không chỉ là bài học dành riêng cho Bách hóa Xanh mà còn cho nhiều doanh nghiệp khác.

Để làm được điều đó, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh đưa ra gợi ý, thứ nhất là doanh nghiệp phải tự tổ chức, kiểm tra, giám sát và có trách nhiệm xử lý với các trường hợp vi phạm.

Thứ hai là các doanh nghiệp thường xuyên giáo dục, nâng cao tính trung thực của nhân viên, nâng cao trình độ giao tiếp với khách hàng.

Thứ ba là uy tín của doanh nghiệp nên được xây dựng từ những hành vi rất nhỏ. Còn các cơ quan chức năng hãy xử phạt mạnh tay, nghiêm khắc với các trường hợp vi phạm đến quyền lợi của người tiêu dùng.

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/co-phieu-mwg-di-ve-dau-giua-con-song-bach-hoa-xanh-a55002.html