Tại phiên họp sáng 22/7, kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh trình bày trước Quốc hội báo cáo của Chính phủ về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm và những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm.
Báo cáo của Chính phủ tập trung chủ yếu vào tác động của đại dịch Covid-19 tới tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước thời gian qua. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp và khó lường, cả nước đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách, tập trung thực hiện “mục tiêu kép” - vừa phòng chống dịch vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm đời sống của nhân dân.
Theo báo cáo, về tình hình quốc tế và trong nước, Chính phủ đánh giá kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi nhưng không đồng đều, thiếu bền vững. Các quốc gia và vùng lãnh thổ tiếp tục chịu nhiều tác động nặng nề bởi đại dịch Covid-19 với biến chủng mới.
Trong nước, đợt dịch thứ 4 với sự xuất hiện của chủng mới Delta có khả năng lây nhiễm nhanh hơn, nguy hiểm hơn, đã tác động mạnh đến một số tỉnh, thành phố phía bắc như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Nội và nghiêm trọng đến vùng kinh tế trọng điểm phía nam, vùng đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là TP.HCM.
Ngay sau khi được kiện toàn, Chính phủ đã nhanh chóng ổn định, khẩn trương xử lý, giải quyết công việc, bảo đảm kế thừa, liên tục, thông suốt; tập trung thực hiện “mục tiêu kép”, nhờ đó, tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm tiếp tục duy trì ổn định và đạt được kết quả tích cực trên nhiều lĩnh vực.
Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị quyết, Chỉ thị, Công điện và chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động hơn, quyết liệt hơn với tinh thần “chống dịch như chống giặc” và "bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết"; chuyển trạng thái từ “phòng ngự” sang “tấn công” với chiến lược vaccine và phương châm “4 tại chỗ” đi đôi với tích cực kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, trước tình hình vaccine ngừa Covid-19 khan hiếm trên toàn cầu, Chính phủ đã triển khai nhiều giải pháp ngoại giao, thúc đẩy mọi biện pháp có thể để có vaccine sớm nhất, nhiều nhất. Đồng thời, tổ chức chiến dịch tiêm chủng kịp thời, khoa học, an toàn, hiệu quả; tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm, đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong phòng, chống dịch.
Đặc biệt, Chính phủ đã tích cực, quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy mua, nghiên cứu, sản xuất và tiêm vaccine; thành lập Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19 và đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp và đồng bào ta ở nước ngoài, tạo sự lan tỏa sâu rộng trong xã hội.
Trong điều kiện khan hiếm vaccine trên toàn cầu, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành đã vận động các quốc gia, tổ chức quốc tế bằng nhiều hình thức để tiếp cận, mua vaccine cho nhân dân.
Về kinh tế, Báo cáo của Chính phủ cho biết tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt 5,64%. Dù con số này chưa đạt mục tiêu đề ra nhưng là mức khá cao so với các nước trên thế giới.
Kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp. Các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Thị trường tiền tệ, tín dụng, tỉ giá, lãi suất ổn định.
Đặc biệt, thu ngân sách nhà nước đạt kết quả tích cực, lũy kế 6 tháng đạt 58,2% dự toán, tăng 16,3% so với cùng kỳ.Chi ngân sách được quản lý chặt chẽ, tiết kiệm, bảo đảm nhu cầu chi cho phòng chống dịch, an ninh, quốc phòng và các nhiệm vụ cấp bách khác. Cân đối ngân sách Trung ương được bảo đảm.
Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu 6 tháng tăng 32,2% so với cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện tăng 7,2%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện đạt trên 9,2 tỷ USD, tăng 6,8%.
Bên cạnh đó, trong 6 tháng đầu năm, một số công trình trọng điểm và dự án đường bộ cao tốc đã được khởi công; đồng thời nhiều dự án kết cấu hạ tầng quan trọng quốc gia được đẩy mạnh.
Ngoài ra, Chính phủ cũng đã sửa đổi, bổ sung nhiều Nghị định, Nghị quyết để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội và tạo chuyển biến tích cực trong môi trường đầu tư, kinh doanh. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, doanh nghiệp thành lập mới tăng.
Đồng thời, nhờ việc rà soát, điều chỉnh danh mục các dự án đầu tư công theo hướng tập trung, ưu tiên có trọng tâm, trọng điểm, số dự án giai đoạn 2021-2025 dự kiến dưới 5.000, giảm mạnh so với các nhiệm kỳ trước.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Chính phủ nhìn nhận vẫn còn những hạn chế, yếu kém và khó khăn, thách thức trên các lĩnh vực, trong đó có những vấn đề cần giải quyết trong trung và dài hạn, đặc biệt do những diễn biến khó lường của dịch bệnh với đợt dịch thứ 4 đang bùng phát mạnh tại TP.HCM và nhiều tỉnh phía Nam.
Trong khi đó, các quy định, hướng dẫn trong phòng, chống dịch chưa được hoàn thiện, bổ sung kịp thời. Sự quản lý, giám sát của một số cấp chính quyền có lúc, có nơi còn sơ hở, thiếu chặt chẽ, chưa thực sự chủ động. Bên cạnh đó, ý thức chấp hành và việc tuân thủ quy định phòng, chống dịch của một bộ phận người dân chưa nghiêm.
Kinh tế vĩ mô chưa thực sự ổn định và bền vững. Nợ xấu của các tổ chức tín dụng có xu hướng tăng. Tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công ở nhiều bộ, ngành, địa phương chậm được khắc phục, nhất là trong điều kiện phòng, chống dịch hiện nay để phát huy vai trò kích cầu, thúc đẩy tăng trưởng.
Đánh giá chung, Chính phủ cho rằng dù hải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm đạt những kết quả tích cực là cơ bản.
Tuy nhiên, việc kiểm soát dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, tăng trưởng chưa đạt mục tiêu đề ra. Một số ngành kinh tế và đời sống một bộ phận người dân còn gặp nhiều khó khăn, nhất là vùng có dịch, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bảo vệ an ninh, trật tự an toàn xã hội tiềm ẩn yếu tố khó lường.
Về phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, Chính phủ nhận định bối cảnh quốc tế và trong nước có những cơ hội, thuận lợi, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn do nguy cơ bùng phát dịch là hiện hữu, kể cả tại các quốc gia đã đạt được độ bao phủ tiêm chủng cao.
Dù nhiều quốc gia, nền kinh tế lớn đang mở cửa trở lại, tăng trưởng được khôi phục, nhưng không đồng đều, chưa ổn định, thiếu bền vững.
Trong nước, dù kinh tế vẫn giữ đà tăng trưởng nhưng gặp rất nhiều khó khăn, thách thức; các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ đều chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh. Nguy cơ dịch lan rộng ở nhiều địa phương có thể làm đứt gãy chuỗi sản xuất và xuất khẩu.
Theo báo cáo, việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng cả năm 2021 gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi phải có nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, hiệu quả, vừa kiểm soát tốt dịch Covid-19, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đó, trong những tháng còn lại của năm 2021, Chính phủ sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình, có giải pháp kịp thời, linh hoạt, quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép”, nhưng ưu tiên lúc này là tập trung phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh và phấn đấu đạt cao nhất các mục tiêu đề ra.
Về phòng, chống dịch Covid-19, với tinh thần "chống dịch như chống giặc", “bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân là trên hết, trước hết”, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm kiềm chế, không để dịch tiếp tục bùng phát và lây lan rộng, nhanh chóng ổn định tình hình.
Đồng thời, tập trung thực hiện nghiêm các biện pháp chủ động phòng ngừa, triển khai hiệu quả chiến lược vaccine và nâng cao ý thức của người dân trong việc chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch vẫn là cơ bản, chiến lược, có tính chất quyết định.
Bên cạnh đó, chủ động các phương án, kịch bản để kịp thời ứng phó với mọi tình huống, nhất là khi dịch đang xâm nhập vào khu công nghiệp, khu đô thị có mật độ dân số cao, khu đông dân cư.
"Trước mắt, tập trung lực lượng để dập dịch nhanh nhất, sớm nhất tại TP.HCM và một số tỉnh đang bùng phát mạnh. Tăng cường thông tin tuyên truyền và kêu gọi người dân tự giác thực hiện các quy định phòng, chống dịch", Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nêu rõ.
Chính phủ sẽ bám sát thực tiễn, đánh giá đúng tình hình để có giải pháp kịp thời, phù hợp, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả đối với từng địa phương, từng thời điểm; triển khai giãn cách, phong tỏa, cách ly linh hoạt, phù hợp, nhưng phải triệt để, hiệu quả, khi cần có thể áp dụng các biện pháp mạnh mẽ hơn. Tập trung điều trị các ca bệnh nặng, giảm tối đa các ca tử vong.
Bên cạnh việc thực hiện hiệu quả chiến lược vaccine, Chính phủ cũng lưu ý phân bổ vaccine linh hoạt, khoa học, hợp lý cho các đối tượng ưu tiên, triển khai chiến dịch tiêm chủng toàn quốc kịp thời, an toàn, khoa học, hiệu quả, sớm đạt miễn dịch cộng đồng, chậm nhất vào nửa đầu năm 2022
Về kinh tế, tiếp tục củng cố nền tảng vĩ mô, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách nhà nước. Tiết kiệm chi thường xuyên 10% (không kể tiền lương).
Kiên định với “mục tiêu kép”, thực hiện linh hoạt, sáng tạo, không máy móc, cứng nhắc, tùy từng thời điểm, từng nơi, từng địa phương, địa bàn, cơ quan, đơn vị để lựa chọn ưu tiên phù hợp giữa phòng chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng thời, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững.
Xây dựng các kịch bản phục hồi tăng trưởng và mở cửa từng bước thận trọng, an toàn, hiệu quả theo tình hình kiểm soát dịch Covid-19 và độ bao phủ tiêm chủng.
Kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, tồn tại để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các chương trình mục tiêu quốc gia, vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài. Tận dụng triệt để sự phục hồi thương mại toàn cầu, chuyển dịch đầu tư và các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới.
Một mục tiêu trọng tâm nữa trong nửa cuối năm 2021 của Chính phủ là chăm lo đời sống vật chất, tinh thần nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội.
Đặc biệt, triển khai các giải pháp hỗ trợ cho người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Bảo đảm hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để người dân nào thuộc đối tượng mà không nhận được hỗ trợ; tuyệt đối không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu nhu yếu phẩm tối thiểu.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/phan-dau-dat-mien-dich-cong-dong-trong-nua-dau-nam-2022-than-trong-mo-cua-nen-kinh-te-a56016.html