Đơn cử như đồ uống không được xếp vào nhóm hàng hóa thiết yếu nên không được lưu chuyển đến đại lý bán hàng. Trong khi đó, đồ uống thường có thời hạn sử dụng ngắn, khoảng 2-3 tháng, nếu tình hình dịch bệnh kéo dài, hàng hóa không được lưu thông sẽ hết hạn sử dụng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả kinh doanh của DN.
Tương tự, mặt hàng sữa được xếp vào nhóm hàng hóa thiết yếu ở tỉnh này nhưng không thuộc nhóm hàng hóa thiết yếu ở tỉnh khác nên các DN sữa cũng không thể giao hàng đến đại lý.
Các địa phương cần thống nhất các quy định nhằm tránh tình trạng cát cứ gây ách tắc lưu thông hàng hóa, gián đoạn chuỗi sản xuất.
Theo đại diện của Cục Công nghiệp, nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là thiếu sự đồng bộ, nhất quán trong các quy định, chính sách áp dụng của các địa phương. Điều 4 Luật Giá năm 2012 có giải thích cụm từ “hàng hóa, dịch vụ thiết yếu” là những hàng hóa, dịch vụ không thể thiếu cho sản xuất, đời sống, quốc phòng, an ninh, gồm: nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, dịch vụ chính phục vụ sản xuất, lưu thông; sản phẩm đáp ứng nhu cầu cơ bản của con người và quốc phòng, an ninh. Quy định này được sử dụng để cơ quan Nhà nước điều tiết, bình ổn giá. Tuy nhiên, hiện chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu trong thời gian thực hiện giãn cách, thực hiện Chỉ thị 16. Hiện chỉ có Công văn số 2601/2020 của Văn phòng Chính phủ về thực hiện Chỉ thị 16, nêu một số hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. Dựa trên hướng dẫn này, từng địa phương theo tình hình kinh tế xã hội, đặc thù sẽ ra danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu chi tiết được phép kinh doanh, sản xuất...
Từ thực tiễn nêu trên, các hiệp hội ngành hàng kiến nghị các địa phương nên trao đổi với các hiệp hội, DN trên địa bàn và thống nhất các quy định giữa các địa phương nhằm tránh tình trạng ách tắc lưu thông hàng hóa, gián đoạn chuỗi sản xuất.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/danh-muc-hang-hoa-thiet-yeu-can-thong-nhat-giua-cac-dia-phuong-a56753.html