Tổng công ty Xây dựng Thanh Hóa: Cú sảy chân 2019 và nỗi lo nợ ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn

Bức tranh tài chính của Tổng công ty Xây dựng Thanh Hóa – CTCP trong hai năm 2018 – 2019 trở nên kém sáng khi nợ ngắn hạn vượt xa tài sản ngắn hạn khiến hệ số khả năng thanh toán ngắn hạn ở mức rất thấp.

Tổng công ty Xây dựng Thanh Hóa: Cú sảy chân 2019 và nỗi lo nợ ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn

“Đại gia” xứ Thanh

Giới đầu tư – kinh doanh ở xứ Thanh có lẽ không mấy ai không biết tới Tổng công ty Xây dựng Thanh Hóa – CTCP, một đại gia xây dựng hạ tầng và kinh doanh bất động sản, có trụ sở tại số 05 Phan Chu Trinh - “tuyến phố ngân hàng” của TP. Thanh Hóa.

Với giới bất động sản Hà Nội, Tổng công ty Xây dựng Thanh Hóa cũng không hẳn là một cái tên xa lạ. Tòa chung cư Sky Park Residence trên đường Tôn Thất Thuyết (quận Cầu Giấy) và tòa khách sạn Grand Mercure Hanoi trên phố Cát Linh (quận Đống Đa) một thời từng khiến dư luận xôn xao chính là của công ty này.

Quá trình xây dựng 2 dự án nói trên có khá nhiều câu chuyện thú vị. Đơn cử như dự án khách sạn Grand Mercure Hanoi từng chậm thi công nhiều năm. Dư luận ngày đó đồn đoán lí do chậm thi công là do thủ tục hoặc năng lực tài chính, nhưng thực tế, việc chậm thi công lại bắt nguồn từ việc hợp tác giữa Tổng công ty Xây dựng Thanh Hóa và đối tác quản lý - Tập đoàn Accor.

Tuy nhiên, đó là một câu chuyện dài. Điều đáng nói là kể từ sau 2 dự án trên, Tổng công ty Xây dựng Thanh Hóa dường như im hơi lặng tiếng trên thị trường Hà Nội, dù cho công ty này vẫn có các thương vụ ngầm.

Lịch sử của Tổng công ty Xây dựng Thanh Hóa khá dài, song thị trường hầu hết chỉ biết đến mốc 15/9/2006 – thời điểm thành lập được công bố chính thức. Dữ liệu của VietnamFinance cho thấy trong vòng 5 năm qua, công ty có ít nhất 2 lần tăng vốn. Lần thứ nhất là năm 2015, tăng từ 165 tỷ đồng lên 245 tỷ đồng. Lần thứ hai là năm 2017, tăng lên 545 tỷ đồng. Điều thú vị còn ở chỗ, công ty chú thích ở mỗi lần tăng vốn dòng chữ “vốn pháp định 6 tỷ đồng”.

Tính đến hết năm 2020, cơ cấu cổ đông của Tổng công ty Xây dựng Thanh Hóa ghi nhận ưu thế gần như tuyệt đối của ông Trương Lâm – chủ tịch HĐQT, với tỷ lệ sở hữu 94.98%.

Các cổ đông cũ của công ty này gồm có: Nguyễn Thị Thanh Bình, Trương Thị Kim, Trương Văn San và Nguyễn Đình Dự (người đại diện Tổng công ty Cổ phần Xây dựng Thanh Hóa).

Ông Trương Lâm sinh năm 1953, có địa chỉ thường trú tại phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội là một đại gia khá kín tiếng, dù cho giới kinh doanh xứ Thanh đều ít nhiều nghe danh.

Bởi ngoài Tổng công ty Xây dựng Thanh Hóa, ông Trương Lâm một thời còn là chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Xây dựng và Sản xuất gạch ngói Mai Chữ, trước khi nhường ghế này cho ông Đặng Ngọc Thanh vào tháng 6/2016) và chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Bê tông thương phẩm Thanh Hóa (trước khi rút khỏi vào năm 2016).

Nỗi lo khả năng thanh toán ngắn hạn

Là một “đại gia” xây dựng hạ tầng và kinh doanh bất động sản có vai vế tại xứ Thanh, quy mô tài sản của Tổng công ty Xây dựng Thanh Hóa tất nhiên phải tính bằng nghìn tỷ. Dữ liệu của VietnamFinance cho thấy trong giai đoạn 2017 – 2019, tổng tài sản của công ty đã tăng đáng kể từ 1.615 tỷ đồng lên 2.287 tỷ đồng, tương đương tăng 41%.

Cơ cấu tài sản có điểm nổi bật là khoản đầu tư tài chính dài hạn (đầu tư vào công ty con), tăng rất nhanh trong 3 năm, từ 426 tỷ đồng lên 1.161 tỷ đồng, tức tăng 2,7 lần. Đến năm 2019, khoản đầu tư vào công ty con đã chiếm tới một nửa tổng tài sản.

Chất lượng tài sản nhìn chung không có vấn đề khi các khoản phải thu ngắn hạn và hàng tồn kho không lớn. Khoản dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi cũng chỉ khoảng 7 tỷ đồng.

Về nguồn vốn, nợ phải trả của công ty tăng khá nhanh trong cùng giai đoạn, từ 1.008 tỷ đồng lên 1.520 tỷ đồng, tương đương tăng 50,7%.

Điểm đáng chú ý trong cơ cấu nợ phải trả là nợ ngắn hạn gia tăng rất mạnh, từ 373 tỷ đồng lên 984 tỷ đồng, tức tăng gấp 2,6 lần. Điều này đưa đến một dấu vết đáng quan ngại trong bức tranh tài chính của Tổng công ty Xây dựng Thanh Hóa là hệ số khả năng thanh toán ngắn hạn quá thấp.

Hệ số khả năng thanh toán ngắn hạn biểu thị cho khả năng chuyển đổi tài sản thành tiền để thanh toán nợ ngắn hạn cho doanh nghiệp. Hệ số này phải lớn hơn 1 mới tốt, đồng nghĩa là tài sản ngắn hạn phải lớn hơn nợ ngắn hạn.

Tuy nhiên, trong 2 năm 2018 – 2019, nợ ngắn hạn của Tổng công ty Xây dựng Thanh Hóa lại bỏ xa tài sản ngắn hạn. Cụ thể, năm 2018, nợ ngắn hạn là 740 tỷ đồng, tài sản ngắn hạn là 687 tỷ đồng; năm 2019, nợ ngắn hạn là 984 tỷ đồng, tài sản ngắn hạn chỉ 525 tỷ đồng. Điều này cho thấy khả năng thanh toán ngắn hạn của công ty ngày càng thấp.

Tình hình này càng trở nên đáng ngại hơn khi nhìn sang hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của công ty. Từ năm 2018, hệ số này đã tăng lên 2 lần, tăng khá đáng kể so với con số 1,6 lần của năm 2017.

Đáng nói nhất chính là khoản vay ngắn hạn của công ty, đã tăng cực mạnh trong giai đoạn 2017 – 2019, từ 39 tỷ đồng lên 337 tỷ đồng, tức tăng gấp 8,6 lần. Trong khi đó, nợ vay dài hạn tăng nhẹ từ 331 tỷ đồng lên 357 tỷ đồng, tức tăng 7,8%.

Cú sảy chân lợi nhuận và dòng tiền năm 2019

Xét về doanh thu, tình hình kinh doanh của Tổng công ty Xây dựng Thanh Hóa khá tốt khi có tốc độ tăng trưởng tính bằng lần. Cụ thể, nếu năm 2017, doanh thu chỉ đạt 262 tỷ đồng thì năm 2018 đã lên tới 1.095 tỷ đồng, năm 2019 tăng tiếp lên 1.153 tỷ đồng. Tính chung 3 năm, doanh thu đã tăng gấp 4,4 lần.

Lợi nhuận gộp cũng có sự tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, khác với doanh thu tăng liên tục, lợi nhuận gộp chỉ tăng trong giai đoạn 2017 – 2018 (từ 14 tỷ đồng lên 224 tỷ đồng), năm 2019 lại suy giảm xuống 172 tỷ đồng.

Diễn biến ngược chiều của lợi nhuận gộp trong năm 2019 cộng với việc các loại chi phí tăng rất mạnh, như chi phí tài chính tăng hơn 3 lần, chi phí bán hàng tăng 1,7 lần khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh năm 2019 giảm rất sâu so với năm 2018.

Ở đây, cũng cần nhìn thấy một khía cạnh đáng quan sát khác là doanh thu tài chính. Như phần trên đã nói, trong giai đoạn 2017 – 2019, Tổng công ty Xây dựng Thanh Hóa đã tăng cường đầu tư vào công ty con (trong 3 năm tăng gấp 2,7 lần, chiếm một nửa tổng tài sản vào năm 2019). Thế nhưng doanh thu tài chính trong giai đoạn này lại rất thất thường, lần lượt là 18 tỷ đồng, 3,5 tỷ đồng và 15 tỷ đồng. Nhất là năm 2019, đầu tư cả nghìn tỷ lại chỉ có doanh thu tài chính 15 tỷ đồng.

Việc doanh thu tài chính không cao cũng là một nguyên nhân khiến lợi nhuận trước thuế năm 2019 của Tổng công ty Xây dựng Thanh Hóa giảm sâu so với năm trước đó. Cụ thể, năm 2019, lãi trước thuế chỉ đạt 45 tỷ đồng, chưa bằng 1/3 so với năm 2018.

Bức tranh kinh doanh của Tổng công ty Xây dựng Thanh Hóa còn có điểm đáng quan ngại khác là dòng tiền.

Năm 2019, lưu chuyển tiền thuần của công ty âm tới 162 tỷ đồng, do chi đầu tư quá mạnh, khiến quy mô vốn bằng tiền giảm mạnh như rơi tự do, từ 175 tỷ đồng xuống còn 12,6 tỷ đồng, thấp nhất trong giai đoạn 2017 – 2019.

Tất nhiên, khía cạnh khác, hoạt động kinh doanh của công ty cho thấy khả năng tạo tiền khá tốt, khi dòng tiền kinh doanh dương với giá trị lớn qua các năm.

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/tong-cong-ty-xay-dung-thanh-hoa-cu-say-chan-2019-va-noi-lo-no-ngan-han-vuot-tai-san-ngan-han-a57243.html