Cả ba chỉ số chính của thị trường chứng khoán Mỹ cùng lập kỷ lục mới trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (26/7), nhờ niềm lạc quan của nhà đầu tư trước khi đón nhận loạt báo cáo kết quả kinh doanh từ các hãng công nghệ lớn trong tuần này. Tuy nhiên, tâm lý thận trọng trước cuộc họp chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) khiến mức tăng bị hạn chế.
Giá dầu có phiên tăng thứ năm liên tục nhờ được hỗ trợ bởi triển vọng nguồn cung thắt chặt, nhưng cũng chịu áp lực giảm vì nỗi lo biến chủng Delta của Covid-19 có thể cản trở sự phục hồi kinh tế toàn cầu và nhu cầu tiêu thụ năng lượng.
Giá tiền ảo Bitcoin có lúc vượt mốc 40.000 nhờ một loạt thông tin hỗ trợ trong những ngày gần đây.
Hơn 1/3 số công ty trong chỉ số S&P 500 sẽ công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý 2/2021 trong tuần này, bao gồm những cái tên lớn như Apple, Microsoft, Amazon, và Alphabet – bốn công ty niêm yết có giá trị vốn hoá thị trường lớn nhất của Mỹ.
Tesla đã công bố báo cáo tài chính quý 2 sau khi thị trường đóng cửa phiên giao dịch chính thức. Mức lợi nhuận và doanh thu đều vượt dự báo giúp đưa cổ phiếu của hãng xe điện tăng hơn 1% trong phiên ngoài giờ. Trước đó, trong phiên chính thức, cổ phiếu Tesla tăng 2,2%.
Đến hiện tại, phần lớn các doanh nghiệp đã công bố báo cáo đều đưa ra kết quả vượt xa dự báo của giới phân tích, theo dữ liệu của Refinitiv.
“Chúng ta tiếp tục chứng kiến những ngạc nhiên tích cực. Thị trường vốn dĩ đã rất lạc quan và đặt ra kỳ vọng cao, nhưng rồi kết quả mà các công ty đưa ra vẫn vượt những kỳ vọng đó”, chiến lược gia Tim Ghriskey của Inverness Counsel nhận định.
Ngày thứ Ba, Fed sẽ bắt đầu cuộc họp chính sách tiền tệ kéo dài hai ngày. Thị trường chờ xem liệu Fed có bày tỏ lo ngại gì về mức lạm phát cao. Sau cuộc họp tháng 6, Phố Wall đã có một phen hoảng loạn sau khi Fed phát tín hiệu có thể bắt đầu nâng lãi suất trong năm 2023, sớm hơn 1 năm so với dự kiến trước đó.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 0,24%, đạt 35.144,31 điểm. S&P 500 tăng 0,24%, đạt 4.422,3 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,03%, đạt 14.840,71 điểm.
Lạc quan về lợi nhuận quý 2 đang giúp bù lại nỗi lo của các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Mỹ về ảnh hưởng của biến chủng Delta. Với khả năng lây lan mạnh, biến chủng Delta đang làm gia tăng chóng mặt số ca nhiễm mới Covid tại nhiều quốc gia, bao gồm cả Mỹ.
Một vấn đề nữa đối với các nhà đầu tư ở Phố Wall thời điểm này là sự tăng cường giám sát của Bắc Kinh đối với các công ty Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực, khiến cổ phiếu của các công ty này giảm ồ ạt trong những phiên gần đây. Cuối tuần vừa rồi, Chính phủ Trung Quốc đưa ra lệnh cấm mới đối với hoạt động dạy thêm và dạy học trên mạng. Lệnh cấm đã khiến loạt cổ phiếu doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết tại Mỹ giảm la liệt.
Phiên ngày thứ Hai, cổ phiếu công ty thương mại điện tử Alibaba và cổ phiếu công cụ tìm kiếm Baidu, hai trong số những cổ phiếu Trung Quốc lớn nhất niêm yết tại Mỹ, sụt tương ứng 7,2% và 6%.
Đợt giảm gần đây của cổ phiếu Trung Quốc niêm yết ở Mỹ còn mạnh hơn cả đợt giảm ghi nhận trong giai đoạn đỉnh điểm của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung hồi năm 2018, Reuters cho hay.
Trên thị trường dầu thô, giá dầu Brent giao tháng 9 tại thị trường London chốt phiên với mức tăng 0,18 USD/thùng, đạt 74,28 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại thị trường New York tăng 0,05 USD/thùng, đạt 72,12 USD/thùng.
Đây là phiên tăng thứ 5 liên tiếp của giá dầu, sau cú sụt 7% vào hôm thứ Hai tuần trước.
Giá Bitcoin đêm qua có lúc vượt 40.000 USD lần đầu tiên kể từ tháng 6, nhưng sau đó không duy trì được mốc này. Lúc gần 7h sáng nay theo giờ Việt Nam, giá Bitcoin theo dữ liệu từ trang Coinmarketcap.com là 37.250 USD, tăng hơn 5% so với cách đó 24 tiếng.
Sau một thời gian lình xình, giá Bitcoin bắt đầu “trỗi dậy” từ tuần trước, sau khi tiết lộ tích cực của tỷ phú Elon Musk. Sau đó, giá tiền ảo này còn được hỗ trợ bởi yếu tố kỹ thuật và việc Amazon đăng tuyển một vị trí liên quan đến công nghệ chuỗi khối (blockchain).
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/chung-khoan-my-lap-ky-luc-moi-gia-dau-giu-da-tang-bitcoin-co-luc-vuot-40000-usd-a57659.html