VietinBank, MB, Techcombank có chục nghìn tỷ dư nợ ngoại bảng sau trích lập?

Theo ACBS, sau quá trình trích lập dự phòng và xóa nợ xấu giai đoạn 2015-2020, các ngân hàng đang có chục nghìn tỷ đồng nợ ngoại bảng.

Trong báo cáo cập nhật ngành ngân hàng, Chứng khoán ACBS đề cập thu nhập ngoài lãi vẫn sẽ tiếp tục tăng trưởng đáng kể, đóng góp vào lợi nhuận. Thu nhập ngoài lãi của các nhà băng trong danh sách theo dõi của ACBS tăng trưởng kép 25,6% trong 8 năm qua.

Đơn cử, trong nửa đầu năm 2020, Techcombank đã dành 1.700 tỷ đồng để xử lý rủi ro. Ngân hàng đưa tỷ lệ nợ xấu hạ từ 1,33% về dưới 1%. 

Trong những năm tới, CTCK cho rằng nguồn thu từ quá trình thu hồi nợ ngoại bảng là rất đáng lưu ý. Sau quá trình trích lập dự phòng và xóa nợ xấu giai đoạn 2015-2020, dư nợ ngoại bảng của các ngân hàng đang ở mức rất lớn.  

ACBS ước tính tại cuối năm 2020, dư nợ ngoại bảng của Vietcombank vào khoảng 20.000 tỷ đồng, VietinBank khoảng 19.000 tỷ đồng, MB khoảng 13.000 tỷ đồng và Techcombank khoảng 10.000 tỷ đồng. Đây là các khoản nợ của khách hàng được ngân hàng trích lập hoàn toàn và đưa khỏi bảng cân đối kế toán. Nếu có thể thu hồi, ngân hàng có thể ghi nhận vào khoản thu nhập lãi khác. 

CTCK kỳ vọng lãi từ dịch vụ sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt trong dài hạn nhờ các yếu tố 3 yếu tố. Đầu tiên là sự phát triển của nền kinh tế sẽ đi kèm với sự tăng trưởng hoạt động thương mại nội địa và xuất nhập khẩu, điều này sẽ thúc đẩy thu nhập dịch vụ của các ngân hàng từ các hoạt động tài trợ thương mại và thanh toán quốc tế.

Dù hiện tại nhiều ngân hàng đang miễn phí giao dịch trực tuyến để thay đổi hành vi người tiêu dùng nhưng trong tương lai, đây sẽ là nguồn thu tiềm năng lớn khi xu hướng thanh toán trực tuyến đang phát triển rất mạnh mẽ tại Việt Nam, theo ACBS.

12334-png-1626915406-6083-1626915790.png

Yếu tố thứ hai là thị trường bảo hiểm nhân thọ của Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để tăng trưởng khi tỷ lệ dân số có bảo hiểm nhân thọ mới chỉ đạt 11% tại cuối năm 2020. Do đó, thu nhập từ hoa hồng phân phối bảo hiểm sẽ ngày càng đóng góp lớn vào thu nhập từ dịch vụ.

Một số ngân hàng như ACB, VietinBank và MSB sẽ bắt đầu ghi nhận phí trả trước từ các thỏa thuận bancassurance độc quyền từ năm 2021.

Yếu tố thứ ba là thị trường chứng khoán vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển, giúp thu nhập từ các hoạt động môi giới, tự doanh và bảo lãnh phát hành chứng khoán sẽ tăng trưởng khả quan trong những năm tới.

Đối với các thu nhập ngoài lãi khác, ACBS cho rằng lợi nhuận từ mua bán chứng khoán của một số ngân hàng nhiều khả năng sẽ sụt giảm do lợi suất trái phiếu chính phủ khó có thể tiếp tục giảm sâu như trong giai đoạn 2018-2020. Do đó, các ngân hàng sẽ khó có thể tiếp tục ghi nhận lợi nhuận từ kinh doanh chứng khoán như trong giai đoạn này.

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/vietinbank-mb-techcombank-co-chuc-nghin-ty-du-no-ngoai-bang-sau-trich-lap-a57821.html