Ngàn tỷ đồng tại PVPower vào tầm ngắm
Kiểm toán Nhà nước đã công bố Báo cáo tổng hợp Kết quả kiểm toán năm 2020. Trong đó, hàng ngàn tỷ đồng tại Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVPower) đã vào tầm ngắm của Kiểm toán Nhà nước.
Đáng chú ý, Kiểm toán Nhà nước khẳng định PVPower quản lý nợ chưa chặt chẽ, còn để phát sinh nợ phải thu quá hạn lên tới 1.480,09 tỷ đồng. Liên quan đến nợ, PVPower còn bị chỉ ra trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi thừa 4,41 tỷ đồng.
Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước cũng đã chỉ ra hàng loạt vấn đề tại PVPower. Theo đó, một số đơn vị bị chỉ ra mua sắm vật tư chưa đúng với nhu cầu sử dụng dẫn đến lượng vật tư, hàng hóa ứ đọng, chậm luân chuyển hoặc tồn kho lớn. Tại PVPower, vấn đề nảy xảy ra tại Công ty CP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 là 238,26 tỷ đồng, Công ty Điện lực Dầu Khí Hà Tĩnh 229,59 tỷ đồng, Công ty CP Thủy điện Hủa Na 12,40 tỷ đồng.
PVPower đã thực hiện bán hàng, đặt cọc cho nhà cung cấp không có bảo lãnh hoặc tài sản đảm bảo cho Công ty CP Máy - Thiết bị Dầu khí, từ đó gây nợ tồn đọng kéo dài hoặc vượt giá trị bảo lãnh.
PVPower cũng bị tố” ghi nhận chi phí sản xuất kinh doanh dở dang lâu năm chưa được nghiệm thu khối lượng. Con số này tại Công ty CP Máy - Thiết bị Dầu khí (Công trình Nhà máy xơ sợi Khu công nghiệp Đình Vũ và Công trình Sân bay Tân Sơn Nhất Hồ Chí Minh phát sinh lần lượt từ năm 2010 và năm 2013 với tổng giá trị là 49,14 tỷ đồng.
Công ty mẹ PVPower nằm trong danh sách các đơn vị đầu tư không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp. Điều này được thể hiện qua việc cổ tức, lợi nhuận được chia năm 2019 đạt 0,2% tổng vốn đầu tư
Hoạt động liên kết, đầu tư dài hạn khác tại Công ty mẹ - PVPower bị thua lỗ, mất vốn. 3 khoản đầu tư dài hạn khác (Công ty CP Phát triển đô thị Dầu khí, Công ty CP Thủy điện Sơn Trà Sông Đà, Công ty CP Năng lượng Châu Á Thái Bình Dương) mất vốn phải trích lập dự phòng 20,24 tỷ đồng.
PVPower có dự án tiểu khu 2 tại Nhơn Trạch dừng triển khai từ nhiều năm. Về quản lý sử dụng đất chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với Ngân sách Nhà nước, PVPower bị điểm danh với 6 ha.
PVPower bị chiếm dụng vốn thế nào?
Một trong những điểm đáng lưu ý chính là Kiểm toán Nhà nước khẳng định PVPower quản lý nợ chưa chặt chẽ, còn để phát sinh nợ phải thu quá hạn lên tới 1.480,09 tỷ đồng.
Có thể thấy, tại PVPower tình trạng nợ vay của công ty rất lớn nhưng công ty lại rơi vào tình trạng bị chiếm dụng vốn.
Cụ thể, tại thời điểm cuối quý 1/2021, nợ phải trả tại PVPower lên tới 26.026 tỷ đồng, tăng đáng kể so với con số 22.784 tỷ đồng hồi đầu năm. Trong đó, nợ vay đạt 12.746 tỷ đồng.
Nợ vay lớn gây áp lực không nhỏ lên hoạt động của PVPower. Trong quý 1/2021, PVPower phải dành tới 135 tỷ đồng cho chi phí lãi vay. Đây là con số không hề nhỏ nhưng trên thực tế con số này có lẽ lớn hơn vì đây là khoảng thời gian ngân hàng giãn nợ, giảm lãi để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do Covid-19 gây ra. Cùng kỳ năm ngoái, chi phí lãi vay tại PVPower cao hơn rất nhiều, đạt 244 tỷ đồng.
Trong khi đó, PVPower lại bị chiếm dụng vốn rất lớn. Tại thời điểm 31/3/2021, tổng các khoản phải thu ngắn hạn tại PVPower là 10.190 tỷ đồng, tăng mạnh so với 7.196 tỷ đồng của hồi cuối năm 2020.
Có tới 10 công ty gây nợ xấu cho PVPower với tổng giá gốc là 1.058 tỷ đồng. Trong đó, dẫn đầu là Công ty mua bán điện (EPTC/EVN) với khoản nợ gần 826 tỷ đồng. Và giá trị có thể thu hồi chỉ được xác định là hơn 56 tỷ đồng.
Đứng sau là Công ty cổ phần XN khẩu Tân Hồng với 97 tỷ đồng nợ xấu, Công ty CP Tập đoàn Vina Megastar (34 tỷ đồng), Công ty CP Xây lắp dầu khí IMICO (15 tỷ đồng),… Giá trị có thể thu hồi được tại các công ty này là 0 đồng.
Kết quả là PVPower phải chi tới 1.001 tỷ đồng để dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/ngan-ty-dong-tai-pvpower-vao-tam-ngam-kiem-toan-nha-nuoc-a57825.html