Khi Saigon Co.op 'liên minh' để lách luật - Bài 1: 'Núp bóng' xã viên góp vốn nhằm kiếm lợi?

Các cá nhân không làm việc cho HTX, không có nhu cầu sử dụng sản phẩm, dịch vụ của HTX, nhưng vẫn được các HTX kết nạp làm thành viên, chỉ nhằm mục đích góp vốn vào Saigon Co.op.

Hành vi “liên minh” lách luật, đưa người ngoài “núp bóng” xã viên để góp vốn của các hợp tác xã thành viên thuộc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) và Saigon Co.op đã được các cơ quan thanh tra vạch ra, đồng thời chỉ rõ, sai phạm này đã khiến nguồn lợi nhuận của các hợp tác xã rơi vào túi cá nhân bên ngoài, làm thay đổi bản chất mô hình hợp tác xã.

Hệ thống siêu thị Co.opmart thuộc quản lý của Saigon Co.op.

“Biến” người lạ thành người nhà

Sau khi cơ quan thanh tra phát hiện sai phạm ở Saigon Co.op và có kết luận vào tháng 7/2020, cuối năm 2020, Công an TP.HCM đã khởi tố, bắt tạm giam ông Diệp Dũng, nguyên Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op về hành vi “lạm quyền trong khi thi hành công vụ”.

Sau đó, từ tháng 3 tới tháng 4/2021, Chủ tịch UBND các quận, huyện của TP.HCM đồng loạt ban hành quyết định thanh tra việc chấp hành pháp luật của 19/26 HTX thành viên của Saigon Co.op.

Theo kết luận thanh tra được cơ quan thanh tra các quận/huyện công bố mới đây, các HTX này có nhiều sai phạm. Trong đó, dẫn đầu về sai phạm là HTX Bến Nghé với số tiền góp vốn vào Saigon Co.op lên tới hơn 280 tỷ đồng.

Theo công bố kết luận thanh tra của UBND quận 1, năm 2019 và 2020, HTX Bến Nghé có 21 thành viên, tăng 7 thành viên so với năm 2018, gồm: ông Nguyễn Vũ Toàn, ông Nguyễn Văn Mẫn, bà Nguyễn Thị Thu, bà Nguyễn Thị Thu Trang, bà Lại Thị Loan, bà Huỳnh Thị Duy và bà Trần Kim Hồng Đào.

Với trường hợp ông Nguyễn Vũ Toàn, HTX Bến Nghé không cung cấp được hồ sơ họp Hội đồng Quản trị và Đại hội thành viên về việc kết nạp thành viên mới đối với ông này.

Mặt khác, theo xác nhận của ông Nguyễn Trọng Toàn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Giám đốc HTX Bến Nghé, thì ông Nguyễn Vũ Toàn là Phó tổng giám đốc Saigon Co.op, “là người của Saigon Co.op cử tham gia tại HTX Bến Nghé để hỗ trợ về mặt hàng hóa, do ông Toàn phụ trách mảng kinh doanh tại Saigon Co.op; không phải là lao động trực tiếp tại HTX Bến Nghé…”.

Chưa hết, cơ quan thanh tra cho hay, qua xác minh, 3/6 thành viên còn lại tại thời điểm kết nạp đã là người lao động của doanh nghiệp khác; cả 6 thành viên đều chưa từng lao động thực tế tại HTX Bến Nghé.

Với thực tế này, UBND quận 1 kết luận, HTX Bến Nghé không tổ chức họp Hội đồng Quản trị, nhưng đã thực hiện việc kết nạp thành viên là vi phạm quy định về quyền hạn và nhiệm vụ của Hội đồng Quản trị tại khoản 7, Điều 36, Luật HTX (năm 2012) và Điều 7, Điều lệ HTX (năm 2016). Đồng thời, việc kết nạp 6 thành viên mới nêu trên vào HTX Bến Nghé là “có dấu hiệu không bình thường”.

“Chiêu” kết nạp thành viên này cũng được “áp dụng” ở HTX Thương mại phường 8 và HTX Thương mại Đô Thành (quận 3).

Theo Kết luận thanh tra của UBND quận 3, ông Phan Hòa Tý, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc HTX Thương mại phường 8 đã xác nhận: 4 thành viên Hồ Thị Thanh Tuyền, Trần Văn Huy, Lang Thị Thúy, Trần Hồng Thái không được xác minh rõ ràng, mà chỉ thông qua giới thiệu. Số tiền góp vốn vào HTX của các thành viên này do ông Huỳnh Văn Dũng và ông Nguyễn Văn Sang đứng ra nộp. Các thành viên có ký hợp đồng với HTX, nhưng thực tế không làm việc, không nhận lương và không đóng góp cho HTX, mức độ sử dụng sản phẩm dịch vụ của thành viên đối với HTX bằng 0.

Tại HTX Thương mại Đô Thành, việc thực hiện kết nạp 6 thành viên mới cũng không được xác minh rõ ràng, mà chỉ thông qua giới thiệu. Sáu thành viên có ký hợp đồng với HTX, nhưng thực tế không làm việc, không nhận lương và không đóng góp cho HTX. Mức độ sử dụng sản phẩm dịch vụ của 6 thành viên này bằng 0.

Từ đó, UBND quận 3 kết luận, HTX Thương mại phường 8, HTX Thương mại Đô Thành đã lợi dụng danh nghĩa HTX và tư cách là thành viên của Saigon Co.op để kết nạp thành viên mới, bầu bổ sung thành viên Hội đồng Quản trị không đủ tiêu chuẩn, huy động vốn không nhằm phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh, lấy vốn hợp tác đầu tư từ đơn vị không phải là thành viên của HTX để đóng góp tăng vốn điều lệ lên Saigon Co.op là vi phạm pháp luật.

Tương tự, Kết luận thanh tra của UBND quận 8 cũng nêu rõ, tại HTX Tiêu dùng phường 14, ngày 12/12/2019, có 6 cá nhân gồm các ông, bà: Trương Thị Tuyết Loan, Lê Thị Thảo Bạch, Trần Thị Ngọc Dung, Phạm Thị Mỹ Lan, Bùi Hữu Diệu và Lương Thị Thu Hằng đã cùng nộp đơn gia nhập thành viên HTX. Tới ngày 20/1/2020, 6 thành viên này góp vốn vào HTX 3,6 tỷ đồng. HTX này đã chuyển toàn bộ số tiền trên đến tài khoản của Saigon Co.op để góp vốn tăng vốn điều lệ của Saigon Co.op.

Đưa cả “nhà đầu tư” ngoài HTX vào góp vốn với Saigon Co.op

Theo Kết luận thanh tra của UBND quận 3, không chỉ đưa thành viên ngoài HTX vào, cả HTX Thương mại phường 8 và HTX Thương mại Đô Thành cùng ký hợp đồng đầu tư với Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Đô thị mới (Công ty Đô thị mới).

Trong đó, HTX Thương mại phường 8 ký hợp đồng hợp tác đầu tư với số tiền 240 tỷ đồng; HTX Thương mại Đô Thành, ngày 17/1/2020, đã ký hợp đồng với số tiền 240 tỷ đồng nhằm đáp ứng nguồn vốn cho nhu cầu hoạt động sản xuất - kinh doanh - đầu tư của HTX.

Ngày 20/1/2020, ngay sau khi nhận được 240 tỷ đồng từ Công ty Đô thị mới, cùng với số tiền góp vốn của các thành viên mới gia nhập, HTX Thương mại phường 8 lập tức góp vốn vào Saigon Co.op với tổng số tiền là 242,5 tỷ đồng.

Cùng ngày 20/1/2020, HTX Thương mại Đô Thành cũng góp vốn vào Saigon Co.op 240 tỷ đồng, từ nguồn tiền do Công ty Đô thị mới chuyển vào tài khoản của mình.

Kết luận thanh tra khẳng định, việc 2 HTX trên lấy vốn hợp tác đầu tư từ Công ty Đô thị mới (không phải thành viên của HTX) để đóng góp tăng vốn điều lệ vào Saigon Co.op là vi phạm quy định của Luật HTX (năm 2012).

Đáng nói là, Công ty Đô thị mới không chỉ “đầu tư” ở 2 HTX nêu trên, mà còn “đầu tư” ở cả HTX Bến Nghé.

Kết luận thanh tra do Chủ tịch UBND quận 1 ký ban hành thể hiện, ngày 16/1/2020, Công ty Đô thị mới ký hợp tác với HTX Bến Nghé để đầu tư 280 tỷ đồng. Sau 4 ngày, Công ty Đô thị mới đã chuyển 280 tỷ đồng vào tài khoản của HTX Bến Nghé. Cùng ngày, HTX Bến Nghé chuyển toàn bộ số tiền này cùng gần 2 tỷ đồng từ vốn góp của 6 thành viên mới để góp vốn vào Saigon Co.op.

Theo thanh tra, ông Nguyễn Trọng Toàn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Giám đốc HTX Bến Nghé và bà Trần Thị Hồng, thành viên Hội đồng Quản trị, kiêm Phó giám đốc HTX Bến Nghé khi làm việc với Đoàn Thanh tra đã thừa nhận việc góp vốn của 6 thành viên mới và huy động vốn từ Công ty Đô thị mới là nhằm thông qua danh nghĩa của HTX Bến Nghé với tư cách thành viên Saigon Co.op để chuyển toàn bộ số tiền hơn 280 tỷ đồng góp vốn vào Saigon Co.op.

“... Việc góp vốn trên có dấu hiệu lợi dụng danh nghĩa HTX Bến Nghé để hoạt động trái pháp luật, vi phạm các quy định về thẩm quyền, trình tự, phương thức huy động vốn góp, huy động vốn không phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, mà mục đích là để góp vốn vào Saigon Co.op”, Kết luận thanh tra nêu rõ.

“Thủ thuật” góp vốn trên cũng được áp dụng tại HTX Tiêu dùng phường 14 (quận 8) và HTX Thương mại và Dịch vụ quận 11.

Theo Kết luận thanh tra của UBND quận 8, ngoài đưa 6 thành viên vào HTX để lấy tiền góp vốn vào Saigon Co.op, ngày 17/1/2020, HTX Tiêu dùng phường 14 đã ký thỏa thuận hợp tác góp vốn đầu tư với Công ty TNHH MTV Anh Tú Thy (Công ty Anh Tú Thy). Ngày 20/1/2020, Công ty Anh Tú Thy chuyển 280 tỷ đồng vào tài khoản của HTX Tiêu dùng phường 14 (quận 8) và HTX đã chuyển số tiền này đến tài khoản của Saigon Co.op để góp vốn. Tổng số tiền góp của 6 thành viên “lạ” và Công ty Anh Tú Thi là hơn 283 tỷ đồng.

Kết luận thanh tra của UBND quận 11 thể hiện, Hội đồng Quản trị HTX Thương mại và Dịch vụ quận 11 cũng hợp tác đầu tư góp vốn với một cá nhân với số tiền 300 tỷ đồng. Ngày 17/1/2020, cá nhân ngoài HTX này đã chuyển 300 tỷ đồng vào tài khoản của HTX Thương mại và Dịch vụ quận 11; HTX đã chuyển số tiền này vào tài khoản của Saigon Co.op để góp vốn.

Cơ quan thanh tra của các quận nêu trên đều cho rằng, việc huy động vốn của HTX không phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh trực tiếp tại HTX. Nguồn vốn góp của các thành viên tham gia góp vốn không phải của chính cá nhân, mà của tổ chức hoặc cá nhân bên ngoài. Do đó, việc làm này là lợi dung danh nghĩa thành viên HTX để góp vốn nhằm mục đích tăng vốn điều lệ cho Saigon Co.op.

Liên quan đến việc các HTX thành viên góp vốn vào Saigon Co.op, tháng 7/2020, Kết luận của Thanh tra TPHCM khẳng định: Việc tăng vốn điều lệ tại Saigon Co.op lên tới hơn 3.597 tỷ đồng trong thời gian ngắn là “có dấu hiệu bị thâu tóm, chiếm đoạt vốn, xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản chung và tài sản nhà nước, ảnh hưởng đến an ninh kinh tế của TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung. Đặc biệt, việc tăng vốn ngoài quá nhanh sẽ dẫn tới nguy cơ bị chi phối bởi các tổ chức, cá nhân bên ngoài và không giữ được nguyên tắc tổ chức, hoạt động”.

Vụ việc này vẫn đang được cơ quan công an làm rõ, sau khi đã khởi tố vụ án.

Theo nguồn tin của phóng viên Báo Đầu tư, sau ký kết luận thanh tra, Chủ tịch UBND các quận 1, 8 và 11 (TP.HCM) đã chuyển hồ sơ sang cơ quan công an, nhằm điều tra, làm rõ việc 3 HTX chuyển tổng cộng 869 tỷ đồng vào Saigon Co.op, gồm: HTX Bến Nghé (quận 1) chuyển 280 tỷ đồng, HTX Tiêu dùng phường 14 (quận 8) chuyển 283 tỷ đồng và HTX Thương mại và Dịch vụ quận 11 (quận 11) chuyển 306 tỷ đồng.

(Còn tiếp)

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/khi-saigon-coop-lien-minh-de-lach-luat-bai-1-nup-bong-xa-vien-gop-von-nham-kiem-loi-a58677.html