Với bối cảnh dịch bệnh vẫn rất phức tạp, doanh nghiệp và người dân tiếp tục gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, kéo theo nhu cầu tín dụng cũng suy yếu. Bởi vậy, lãi suất huy động của cac ngân hàng thương mại được dự báo đi ngang trong thời gian tới, áp lực có tăng cũng không đáng kể.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 21/6, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 3,13% so với thời điểm đầu năm và thấp hơn khá nhiều mức tăng 4,35% của cùng kỳ năm 2020.
Nhiều ý kiến cho rằng, mặt bằng lãi suất huy động đang ở mức thấp kỷ lục đã làm giảm sức hấp dẫn của dòng tiền vào ngân hàng. Thay vì gửi ngân hàng, dòng tiền đang tìm đến nhiều kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán… Do đó, lãi suất huy động không còn nhiều dư địa để giảm.
Thực tế cũng cho thấy, nhiều ngân hàng đã buộc phải tăng lãi suất huy động cùng các chương trình ưu đãi hấp dẫn. Tuy nhiên, mức điều chỉnh tăng không lớn và cũng chỉ ở một vài kỳ hạn, một vài ngân hàng nhằm mục đích cơ cấu lại nguồn vốn. Đây cũng được xem như một diễn biến bình thường do quy mô các tổ chức tín dụng không đồng đều, nhu cầu huy động vốn của từng ngân hàng là khác nhau.
Tại một diễn biến khác, thanh khoản hệ thống vẫn ở mức tốt. Điều này thể hiện rõ nhất ở mức lãi suất liên ngân hàng thấp, qua đêm chỉ quanh 1%/năm; kênh giao dịch trên thị trường mở thường xuyên không phải dùng đến. Đồng thời, các hợp đồng bán ngoại tệ kỳ hạn sẽ tiếp tục giúp nguồn cung VND ngày càng được cải thiện hơn nữa.
Theo đó, nhóm nghiên cứu tại Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng, lãi suất kỳ hạn ngắn tăng nhẹ 10-50 điểm cơ bản tại một số ngân hàng chỉ mang tính chất cục bộ, không phản ánh sự hình thành làn sóng tăng tăng. “Lãi suất huy động sẽ giữ ổn định, nếu tăng cũng chỉ ở mức nhẹ, từ 0,1 – 0,2 điểm phần trăm”, VCBS nhận định.
Cùng quan điểm, Công ty chứng khoán SSI đánh giá, các ngân hàng dự kiến nới lỏng nhẹ tiêu chuẩn tín dụng đối với nhóm khách hàng cá nhân và doanh nghiệp nhỏ nên nhu cầu tín dụng sẽ dần hồi phục. Kéo theo mặt bằng lãi suất huy động đi ngang thời gian này nhưng có thể tăng nhẹ 0,5 điểm phần trăm trong những tháng cuối năm nay.
Khảo sát nhanh một vài biểu niêm yết lãi suất đầu tháng 8/2021 cũng dễ dàng nhận thấy, các ngân hàng chưa có động thái muốn thay đổi. Trong đó, kỳ hạn 3 tháng hầu hết dao động từ mức 3-3,5%/năm. Kỳ hạn 12 tháng cao nhất là 6,8% tại SCB.
Gửi tiết kiệm các kỳ hạn dài hơn như kỳ 13, 18, 24, 36 tháng, KienlongBank đang có mức lãi suất cao nhất. Mức lãi suất 6,9% kỳ hạn 13 tháng, cùng mức lãi suất 7,1% cho các kỳ hạn 18, 24, 36 tháng.
Về bảng xếp hàng mức lãi suất huy động cao nhất trong tháng 8/2021, ngân hàng ACB bất ngờ đứng đầu với mức lãi suất 7,4%/năm. Đây là mức lãi suất được ngân hàng này áp dụng cho khoản tiết kiệm từ 30 tỷ đồng trở lên tại kỳ hạn 13 tháng.
Ở nhiều tháng trước, mức lãi suất cao nhất thuộc về ngân hàng OCB với 8,2%/năm áp dụng cho kỳ hạn 13 tháng. Tuy nhiên, trong tháng 8, OCB đa dừng triển khai huy động vốn tại kỳ hạn này.
Xếp sau ACB là Techcombank với mức lãi suất triển khai cho kỳ hạn 12 tháng là 7,1%/năm. Khách hàng muốn được áp dụng mức lãi suất này phải gửi tối thiểu 999 tỷ đồng (tháng trước chỉ yêu cầu 200 tỷ đồng).
Một số ngân hàng cũng có mức lãi suất tiết kiệm cao như MSB với 7,0%/năm; LienVietPostBank với 6,99%/năm; HDBank với 6,95%/năm; MBBank và VietABank cùng 6,9%/năm… Tuy nhiên, các ngân hàng này đều có những tiêu chuẩn riêng để đạt được mức lãi suất như trên.
Ở phía cuối của bảng xếp hạng là nhóm 4 ngân hàng thương mại nhà nước. Trong đó BIDV, VietinBank, Agribank cùng có lãi suất cao nhất là 5,6%/năm.
Riêng Vietcombank dù đã có động thái tăng lãi suất tại nhiều kỳ hạn gửi trong tháng trước. Song mức lãi suất cao nhất tại ngân hàng này vẫn ghi nhận được ở mức 5,5%/năm. Đồng thời đây cũng đang là mức lãi suất huy động thấp nhất trong số 30 ngân hàng được khảo sát.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/lai-suat-tiet-kiem-ngan-hang-nao-cao-nhat-thang-82021-a61261.html