Mcredit có dấu hiệu vi phạm quy định về lãi suất khi cho vay tín dụng?

Theo quy định, mức lãi suất cho vay cao nhất hiện nay theo quy định Bộ luật dân sự 2015 là 20%/năm nhưng Mcredit lại ký hợp đồng cho khách hàng vay với lãi suất 45%/năm được cho là có dấu hiệu vi phạm quy định về lãi suất trần của Luật Tài chính.

Theo tìm hiểu của phóng viên, bà T. (trú tỉnh Khánh Hòa) có ký hợp đồng vay tiền mặt với Công ty Tài chính TNHH MTV MB (nay đổi tên thành Công ty Tài chính TNHH MB Shinsei).

Theo nội dung hợp đồng thể hiện thì bên cho vay là Công ty Tài chính TNHH MTV MB (gọi tắt là Mcredit) và người đi vay là bà bà P.T.T.T. sau khi thỏa thuận 2 bên có ký hợp đồng cho vay tiền mặt số 10001170801100xxx với số tiền vay là 21,1triệu đồng; thời hạn vay là 18 tháng; lãi suất cho vay là: 45.0%/năm; phương thức cho vay theo hình thức trả góp; phí bảo hiểm là 1,1 triệu đồng; Số tiền thanh toán cho bên vay (thực nhận) là 20 triệu đồng và khoản tiền phải trả hàng tháng là: 1,646 triệu đồng.

Mcredit có dấu hiệu vi phạm quy định về lãi suất khi cho vay tín dụng?

Mcredit ký hợp đồng cho khách hàng vay với lãi suất 45%/năm.

Căn cứ theo hợp đồng trên, Luật sư Nguyễn Thanh Biên - Đoàn luật sư TP.HCM cho rằng việc Mcredit cho khách hàng vay tiền với lãi suất 45%/năm là hành vi có dấu hiệu vi phạm quy định về lãi suất trần nói riêng và pháp luật dân sự nói chung.

Bởi, theo quy định hiện hành thì mức lãi suất trần là mức lãi suất cao nhất một tổ chức tài chính áp dụng để thu hút tiền gửi vào tổ chức của mình - mức lãi suất trần huy động, hoặc mức cao nhất mà tổ chức áp dụng đối với các khoản vay nợ của người đi vay - lãi suất trần cho vay.

Theo đó, mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam quy định tại Khoản 2 Điều 13 Thông tư 39/2016/TT-NHNN mà tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (trừ Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô) được áp dụng là 4,5%/năm. Riêng đối với Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô thì mức lãi suất tối đa được áp dụng trong trường hợp này là 5,5%/năm.

Bên cạnh đó, theo quy định tại Khoản 1 Điều 468 Bộ Luật dân sự năm 2015 quy định về lãi suất vay do các bên thỏa thuận cụ thể như sau:

“Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.”

Như vậy, căn cứ theo quy định trên thì mức lãi suất cho vay cao nhất sẽ không được vượt quá 20%/năm. Do đó, việc Mcerdit có hợp đồng cho vay với lãi suất lên tới 45%/năm là đã vượt quá mức lãi suất tối đa mà pháp luật cho phép. Đối với trường hợp này khi xảy ra tranh chấp thì pháp luật không thừa nhận và không bảo vệ đối với phần lãi suất vượt trần theo quy định.

Theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 201 Bộ luật hình sự 2017 quy định về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự cụ thể như sau:

“2. Phạm tội thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/mcredit-co-dau-hieu-vi-pham-quy-dinh-ve-lai-suat-khi-cho-vay-tin-dung-a62576.html