TP.HCM lên kế hoạch chống dịch ra sao trong một tháng tới?

Chia 2 giai đoạn chống dịch với các mục tiêu cụ thể, TP.HCM đề ra từng nhiệm vụ sẽ tập trung thực hiện liên quan giãn cách xã hội, xét nghiệm, điều trị, vaccine, an sinh xã hội.

Kế hoạch kiểm soát dịch trong một tháng tới là nội dung chính được Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong trình bày với Thủ tướng Phạm Minh Chính tại buổi họp trực tuyến của Chính phủ để sơ kết thực hiện Chỉ thị 16 sáng 15/8.

Theo Chủ tịch TP.HCM, sau hơn một tháng thực hiện Chỉ thị 16, thành phố không xuất hiện thêm chuỗi lây nhiễm mới và số ca nhiễm đang đi ngang, có xu hướng giảm. Bình quân 13 ngày gần đây (2/8-14/8), TP.HCM ghi nhận 3.830 ca nhiễm/ngày, giảm 18% so với 13 ngày trước đó.

Nỗ lực giảm 20% ca tử vong từ ngày 1/9

"Mặc dù tình hình dịch bệnh đang đi ngang và có xu hướng giảm, tuy nhiên kết quả này chưa bền vững, vẫn còn một số hạn chế trong tổ chức thực hiện", Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nhìn nhận.

Ke hoach kiem soat dich anh 1

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong. Ảnh: HMC.

Nhằm đạt mục tiêu kiểm soát dịch trước 15/9 như tinh thần Nghị quyết 86 của Chính phủ, thành phố đã xây dựng kế hoạch phấn đấu kiểm soát dịch bệnh với 2 giai đoạn.

Giai đoạn thứ nhất (15/8-31/8) với các mục tiêu: Kéo giảm tỷ lệ bệnh nhân tử vong; không để F0 chuyển nặng mà không được tiếp nhận, điều trị; mở rộng “vùng xanh”, phấn đấu kiểm soát được dịch với các quận, huyện: Cần Giờ, Nhà Bè, Củ Chi, Phú Nhuận, quận 5, quận 7, quận 11.

Giai đoạn thứ hai (1/9-15/9) với các mục tiêu: Số trường hợp tử vong giảm 20%, số trường hợp nặng giảm 20%; số lượng nhập viện điều trị mỗi ngày không vượt quá số xuất viện mỗi ngày; số nhập viện không quá 2.000 người/ngày; đảm bảo hơn 70% dân số (trên 18 tuổi) được tiêm mũi 1 và 15% dân số được tiêm mũi 2.

Về kết quả thời gian qua, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho biết bình quân thành phố có 2.500 ca xuất viện/ngày, lũy kế đến nay là 70.727 trường hợp. Các phương tiện tham gia giao thông giảm 75% so với trước khi thực hiện Chỉ thị 16 và tỷ lệ ca nhiễm tại khu phong tỏa chỉ còn 57% (đầu tháng 8 là 80%).

Thành phố xuất hiện nhiều mô hình sáng tạo trong phòng, chống dịch như: ATM oxy, biệt đội taxi cấp cứu F0, mô hình tổ y tế lưu động... Đến nay, thành phố có 10.248 “vùng xanh”.

Gói hỗ trợ thứ nhất hơn 700 tỷ đồng cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh đã hoàn thành. Các địa phương đã tổ chức hỗ trợ từ nguồn vận động với kinh phí hơn 500 tỷ đồng. Thành phố đang triển khai gói hỗ trợ thứ hai hơn 900 tỷ đồng cho người nghèo, cận nghèo, lao động tự do.

Phân 3 tầng điều trị, thuê đơn vị y tế tham gia tiêm chủng

Để thực hiện các mục tiêu nêu trên, thành phố đề ra các nhiệm vụ cụ thể.

Giãn cách xã hội thực hiện nghiêm theo quy tắc "ai ở đâu thì ở đó”, hạn chế số lượng người dân ra khỏi nơi cư trú và kiểm soát chặt chẽ các đối tượng được phép ra khỏi nhà.

Về xét nghiệm, tại khu phong tỏa (các vùng “đỏ”, “cam”), xét nghiệm để thu gọn phạm vi, biến khu phong tỏa thành điểm phong tỏa. Xét nghiệm gộp mẫu test nhanh theo hộ gia đình. Với các vùng “xanh”, “cận xanh”, “vàng”, xét nghiệm ngẫu nhiên, có trọng điểm bằng phương pháp RT-PCR mẫu gộp 5 đại diện hộ gia đình.

Với khu vực ngoài khu phong tỏa, giám sát, phát hiện sớm những người có triệu chứng nghi ngờ hoặc người có yếu tố nguy cơ bằng phương pháp RT-PCR hoặc test nhanh.

Ke hoach kiem soat dich anh 2

TP.HCM có kế hoạch xét nghiệm khác nhau ở các khu vực nguy cơ. Ảnh: Duy Hiệu.

Về điều trị, thành phố tập trung thực hiện hiệu quả 2 trụ cột là chăm sóc F0 tại nhà và điều trị tại bệnh viện.

Chăm sóc F0 tại nhà đảm bảo 3 yêu cầu: Xét nghiệm tại nhà; “túi thuốc điều trị” tại nhà; an sinh tại nhà. Quy trình hóa việc chăm sóc F0 tại nhà; vận hành hiệu quả tổ phản ứng nhanh tại phường, xã, thị trấn theo nhóm hộ gia đình để sẵn sàng tiếp nhận người bệnh có triệu chứng hoặc chuyển cấp cứu; xây dựng mạng lưới tình nguyện chăm sóc, tư vấn F0 tại nhà.

Với điều trị tại bệnh viện, thành phố điều chỉnh phân tầng điều trị còn 3 tầng; huy động tất cả các bệnh viện công lập, tư nhân tham gia điều trị; nâng cấp, trang bị cho các cơ sở cách ly có chức năng chữa trị của các quận huyện, TP Thủ Đức.

Thành phố cũng thành lập trung tâm quản lý, đầu tư cơ sở vật chất, oxy, giường bệnh cho hệ thống cơ sở điều trị, đảm bảo các bệnh viện được trang bị đầy đủ oxy và thuốc men; thành lập tổ chuyên gia về điều trị để chỉ đạo, điều phối công tác điều trị bệnh nhân kịp thời, đồng bộ và hiệu quả.

Về vaccine, TP sẽ tổ chức nhiều điểm tiêm, nhiều hình thức tiêm như tiêm lưu động, tiêm tại nhà, tiêm ban đêm, cấp vaccine và cho doanh nghiệp thuê đơn vị y tế có năng lực để tiêm nhằm mở rộng tỷ lệ bao phủ vaccine.

Thành phố cũng rà soát, sắp xếp lại nguồn nhân lực y tế để đảm bảo thực hiện hiệu quả nhiệm vụ, trong đó tập trung nguồn nhân lực cho lĩnh vực điều trị và tăng cường tập huấn cho đội ngũ bác sĩ về năng lực hồi sức cấp cứu.

Ke hoach kiem soat dich anh 3

TP.HCM lên 4 phương án sản xuất cho doanh nghiệp. Ảnh: Phạm Ngôn.

Về đảm bảo an sinh xã hội, thành phố đã triển khai hoạt động Trung tâm Tiếp nhận và hỗ trợ hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân (Trung tâm An sinh), thí điểm tại quận 5, quận 7 và quận 12. Thành phố chuẩn bị một triệu túi an sinh để sẵn sàng hỗ trợ người dân khó khăn.

Công tác truyền thông phải đổi mới theo hướng an dân, đề cao ý thức phòng dịch, và tổ chức đội ngũ phản bác thông tin xấu.

Về sản xuất, thành phố tạo điều kiện và hướng dẫn doanh nghiệp tổ chức sản xuất an toàn trong điều kiện phòng, chống dịch theo một trong 4 phương án.

+ Phương án 1: Tiếp tục thực hiện phương án “3 tại chỗ” hoặc “3 tại chỗ theo kíp” linh hoạt (sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ luân phiên theo kíp sản xuất).

+ Phương án 2: Tiếp tục thực hiện “1 cung đường - 2 địa điểm” hoặc phương án “1 cung đường - 2 địa điểm” linh hoạt (người lao động chỉ lưu thông trên 1 cung đường nối 2 địa điểm là nơi làm việc và nơi lưu trú tập trung).

+ Phương án 3: cả 2 mô hình “3 tại chỗ” và “1 cung đường - 2 địa điểm”.

+ Phương án 4: Tổ chức hoạt động theo phương châm “4 xanh” gồm: nhân lực xanh, cung đường xanh, vùng sản xuất xanh và nơi ở xanh.

Ngoài ra, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong đã kiến nghị với Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế sớm hướng dẫn tiêu chí kiểm soát dịch bệnh tại TP.HCM.

TP.HCM áp dụng Chỉ thị 16 từ 0h ngày 9/7. Ngày 1/8, UBND TP.HCM quyết định kéo dài Chỉ thị 16 cùng các biện pháp siết chặt thêm 2 tuần từ 0h ngày 2/8.

Từ 27/4 đến sáng 15/8, TP.HCM ghi nhận 144.770 ca nhiễm, hiện là tâm dịch lớn nhất cả nước.

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/tphcm-len-ke-hoach-chong-dich-ra-sao-trong-mot-thang-toi-a64390.html