'Bán lúa non', 'huy động vốn trái phép' bị phạt kịch khung
Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến cho dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng. Dự thảo nghị định này quy định một số điểm mới về mức phạt tiền trong kinh doanh bất động sản (BĐS), vi phạm xây dựng biện pháp khắc phục hậu quả, xử phạt hành vi xây dựng không phép, sai phép…
Tại tờ trình Chính phủ về việc ban hành Nghị định, Bộ Xây dựng đánh giá sau gần 4 năm thực hiện Nghị định số 139/2017/NĐ-CP (Nghị định 139) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng việc quản lý đầu tư xây dựng, trật tự xây dựng tại các địa phương đã dần đi vào nề nếp, vi phạm về trật tự xây dựng được phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời, triệt để góp phần giảm thiểu tình trạng xây dựng không phép, sai phép, sai quy hoạch…
Tuy nhiên, theo Bộ Xây dựng, Nghị định 139 đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, thiếu tính khả thi, cần thiết sửa đổi, bổ sung như chưa có biện pháp chế tài dừng thi công xây dựng đối với công trình vi phạm; một số lĩnh vực còn thiếu chế tài xử lý; chế tài xử lý đối với một số hành vi vi phạm hành chính chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe, mức xử phạt còn thấp…
Dự thảo lần này đã đưa vào các quy định của Thông tư 03/2018/TT-BXD tăng mức tiền phạt gấp 1,5 đến 2 lần so với mức phạt quy định tại Nghị định số 139 trong toàn bộ dự thảo (có hành vi tăng 4 đến 5 lần như hành vi điều chỉnh quy hoạch, quản lý sử dụng nhà chung cư). Riêng vi phạm trong lĩnh vực trật tự xây dựng, kinh doanh BĐS, có hành vi bị xử phạt lên đến 1 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, dự thảo Nghị định tăng mức phạt tiền lên đến 800 triệu đồng đối với một số hành vi kinh doanh BĐS như chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án mà không đảm bảo đầy đủ các yêu cầu hoặc các điều kiện theo quy định, bàn giao nhà, công trình xây dựng cho khách hàng khi chưa hoàn thành đầu tư xây dựng nhà ở, công trình xây dựng và các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo tiến độ ghi trong dự án đã được phê duyệt, chưa đảm bảo kết nối với hệ thống hạ tầng chung của khu vực; huy động hoặc chiếm dụng vốn trái phép; sử dụng vốn huy động của tổ chức, cá nhân hoặc tiền ứng trước của bên mua, bên thuê, bên thuê mua BĐS hình thành trong tương lai không đúng mục đích cam kết….
Theo Nghị định số 139/2017/NĐ-CP hiện hành, mức phạt cao nhất chỉ là 300 triệu đồng.
Tràn lan dự án BĐS huy động vốn trái phép
Huy động vốn trái phép là hành vi trái với quy định pháp luật, tuy nhiên chủ đầu tư của nhiều dự án BĐS vẫn cố tình phớt lờ và vi phạm.
Theo đó, nhiều năm qua, bất chấp các quy định của pháp luật, rất nhiều dự án BĐS dù chưa đủ điều kiện bán hàng nhưng chủ đầu tư vẫn tiến hành các hoạt động huy động vốn trái phép thông qua các hình thức như: Thỏa thuận góp vốn, đặt cọc giữ chỗ, hợp đồng ký quỹ...
Tình trạng các dự án BĐS "bán lúa non", huy động vốn trái phép khi chưa có đủ các các thủ tục hoạt động kinh doanh đã đẩy khách hàng rơi vào cảnh “tiền mất tật mang”.
Đáng chú ý, thực trạng này xảy ra trên hầu khắp các tỉnh thành địa phương. Tháng 7/2021, theo quyết định của UBND tỉnh Bắc Ninh, dự án Vườn Sen của Công ty TNHH Nam Hồng bị xử phạt 250 triệu đồng do đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động kinh doanh BĐS.
Tại Sơn La, Công ty cổ phần Tập đoàn Picenza Việt Nam, chủ đầu tư dự án khu đô thị Picenza Riverside và Công ty CP Bất động sản Hano – Vid, chủ đầu tư dự án khu dân cư lô số 3A, dọc suối Nậm La (TP Sơn La) cũng bị Sở Xây dựng Sơn La "tuýt còi" vì huy động vốn trái phép.
Tại Bình Dương, cơ quan chức năng đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với Công ty Cổ phần Quản lý Đầu tư STC - chủ đầu tư dự án thương mại cao tầng và căn hộ Splus (tên thương mại theo quảng cáo là Splus RiverView) tại Thuận An số tiền 275 triệu đồng vì chưa đủ các điều kiện pháp lý liên quan dự án nhưng vẫn tiến hành huy động vốn trái phép. Một dự án nữa là Khu nhà ở Chánh Phú Hoà (thị xã Bến Cát) do Công ty TNHH Địa ốc Xây dựng Tường Hy Quân làm chủ đầu tư và Công ty CP Đầu tư Xây dựng Địa ốc Đất Việt là đơn vị phát triển cũng bị xử phạt hơn 500 triệu đồng do có dấu hiệu huy động vốn trái phép khi dự án chưa đủ điều kiện giao dịch.
Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng “chấn chỉnh” các dự án chưa đủ điều kiện huy động vốn nhưng rao bán rầm rộ trên các kênh thông tin gồm: Khu nhà ở Dương Tiến Phát (thị xã Tân Uyên); Khu nhà ở Bàu Bàng 2 (huyện Bàu Bàng); Dự án Khu căn hộ thương mại dịch vụ cao tầng (TP.Thuận An); Dự án Khu nhà ở Lê Gia Plaza (thị xã Tân Uyên); Dự án khu nhà ở Toàn Thắng (thị xã Tân Uyên), và nhiều dự án khác…
Tại Hà Nội, các dự án như Eco Smart City Cổ Linh (Long Biên), dự án Lavender Garden (Hoàng Mai)... cũng bị đánh giá là những dự án chưa đủ điều kiện để đưa vào kinh doanh. Theo đó, các dự án này dù hiện đang là những bãi đất trống, hoặc mới chỉ xây dựng tầng hầm, tuy nhiên chủ đầu tư và đơn vị phát triển các dự án vẫn tiến hành các hoạt động môi giới rầm rộ rao bán căn hộ, thu tiền đặt chỗ…
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/bo-xay-dung-siet-huy-dong-von-chan-tinh-trang-ban-lua-non-tai-cac-du-an-bat-dong-san-a64865.html