Nhà lãnh đạo dân sự của Myanmar, bà Daw Aung San Suu Kyi cùng một số lãnh đạo chính phủ khác đã bị bắt giữ trong cuộc đột kích vào sáng sớm hôm nay (1/2) làm dấy lên tin đồn về một cuộc đảo chính quân sự sắp xảy ra.
Hãng thông tấn Reuters dẫn lời ông Myo Nyunt, phát ngôn viên của Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) đã lên tiếng xác nhận các vụ bắt giữ này. Hệ thống Internet dường như đã bị ngắt kết nối tại hai thành phố lớn ở Myanmar.
Myanmar từng là quốc gia được tôn vinh là trường hợp hiếm hoi trên thế giới khi các tướng lĩnh sẵn sàng trao một số quyền lực cho lực lượng dân sự, bày tỏ tôn trọng kết quả bầu cử năm 2015 mở ra cơ hội cho các lãnh đạo Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ, những người từng phải ngồi tù nhiều năm vì quan điểm đối lập chính trị với giới quân đội.
Cố vấn Nhà nước Myanmar, bà Aung San Suu Kyi. Ảnh: AP
Bản thân bà Aung San Suu Kyi đã trải qua 15 năm bị quản thúc tại gia. Bà từng giành giải Nobel Hòa bình năm 1991 vì phản kháng bất bạo động đối với chính quyền đã quản thúc bà.
Tuy nhiên, Quân đội Myanmar dưới sự chỉ huy của tướng Min Aung Hlaing dường như đã tập hợp được sức mạnh quyền lực quan trọng ở trong nước. Vì vậy, diễn biến mới nhất nêu trên có thể là dấu hiệu của một cuộc đảo chính quân sự ở Myanmar.
Đảo chính quân sự đã diễn ra?
Theo tin tức cập nhật mới nhất từ hãng thông tấn AP thì một cuộc đảo chính quân sự đã diễn ra ở Myanmar vào đầu giờ sáng ngày thứ Hai.
Cố vấn Nhà nước Myanmar, bà Aung San Suu Kyi đã bị quản thúc tại gia. Mọi hệ thống thông tin liên lạc với Thủ đô Naypyitaw đều bị cắt.
Điện thoại và truy cập Internet đến Thủ đô Naypyitaw đã bị mất và AP cũng đã không thể liên lạc được với đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Suu Kyi.
Đài Truyền hình Myanmar và Đài Tiếng nói Myanmar đã đăng trên trang Facebook vào lúc khoảng 6:30 sáng nay rằng các chương trình của họ sẽ không phát sóng như thường lệ.
Sáng hôm nay, các nhà lập pháp Myanmar sẽ nhóm họp tại thủ đô Naypyitaw trong phiên họp đầu tiên của Quốc hội mới kể từ cuộc bầu cử năm ngoái giữa những căng thẳng kéo dài và những bình luận gần đây của quân đội được nhiều người coi là mối đe dọa về một cuộc đảo chính.
Căng thẳng leo thang giữa Chính phủ dân sự và Quân đội Myanmar đang làm dấy lên lo ngại về một cuộc đảo chính. Ảnh: Reuters
Bà Suu Kyi, 75 tuổi, cho đến thời điểm hiện tại vẫn là chính trị gia có tầm ảnh hưởng nhất và trở thành nhà lãnh đạo của đất nước Myanmar sau khi phát động một cuộc đấu tranh bất bạo động kéo dài hàng thập kỷ chống lại vai trò cai trị của quân đội.
Đảng của bà Suu Kyi đã chiếm được 396 trong tổng số 476 ghế tại Hạ viện và Thượng viện Myanmar trong các cuộc bỏ phiếu vào tháng 11 nhưng quân đội vẫn nắm giữ 25% tổng số ghế theo Hiến pháp do chính quân đội soạn thảo vào năm 2008 và một số vị trí bộ trưởng chủ chốt cũng được dành cho quân đội.Quân đội Myanmar (hay Tatmadaw) đã cáo buộc có gian lận bỏ phiếu lớn trong cuộc bầu cử mặc dù họ không đưa ra được bằng chứng thuyết phục. Ủy ban Bầu cử Liên bang Nhà nước tuần trước đã bác bỏ cáo buộc của họ.
Giữa những tranh cãi về các cáo buộc, hôm thứ Ba tuần trước, Quân đội Myanmar lại làm gia tăng thêm căng thẳng chính trị khi một phát ngôn viên của họ cho biết sẽ “không loại trừ khả năng xảy ra một cuộc đảo chính”. Thiếu tướng Zaw Min Tun còn giải thích thêm rằng quân đội sẽ “tuân theo luật pháp phù hợp với hiến pháp”.
Cùng sử dụng ngôn ngữ tương tự, trong bài phát biểu hôm thứ Tư, Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Myanmar, Thống tướng Min Aung Hlaing đã nói với các sĩ quan cấp cao rằng Hiến pháp có thể bị hủy bỏ nếu luật pháp không được thực thi đúng cách.00
Mối lo ngại về một cuộc đảo chính càng hiện hữu khi có sự xuất hiện bất thường của các xe bọc thép trên đường phố ở một số thành phố lớn.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/bat-ba-aung-san-suu-kyi-quan-doi-myanmar-tien-hanh-dao-chinh-quan-su-a6490.html