Theo thống kê chính thức, ít nhất 4,4 triệu người đã chết vì Covid-19. Nhưng một nghiên cứu mới đây đã xác định "số ca tử vong bất thường" ở Ấn Độ là 4,9 triệu, cao gấp 10 lần thống kê người chết vì Covid-19 của giới chức trách.
Nghiên cứu này làm dấy lên hoài nghi về sự chính xác của các phương pháp thống kê đang được sử dụng để đánh giá mức độ nghiêm trọng thực sự của đại dịch.
Số người chết thực sự có thể lên đến 10 triệu
Số ca tử vong bất thường là sự khác biệt giữa số người chết trong một giai đoạn nhất định với số ca tử vong trung bình cùng giai đoạn này trong các năm trước đó.
Một nghiên cứu khác do các nhà khoa học Đại học Hebrew của Israel tiến hành trên dữ liệu số ca tử vong bất thường được 105 quốc gia công bố cho thấy có ít nhất một triệu người chết nhiều hơn so với thống kê chính thức của các nước này.
Nếu những số liệu về ca tử vong bất thường này là đáng tin cậy, điều đó có nghĩa Covid-19 đã cướp đi sinh mạng khoảng 10 triệu người.
Giáo sư Leo Yee Sin, giám đốc điều hành Trung tâm Quốc gia về Bệnh truyền nhiễm Singapore, cho biết "số ca tử vong bất thường là một cách để đánh giá tác động thực sự của dịnh bệnh trên khía cạnh tồi tệ nhất là người chết".
"Các kết quả và những con số cần được giải thích và đặt vào bối cảnh phù hợp, bên cạnh những hiểu biết về các đặc tính của dịch bệnh", giáo sư Leo cho biết.
Số người chết vì Covid-19 có thể lên đến 10 triệu người. Ảnh: AFP. |
Ca tử vong bất thường phản ánh số người chết vì Covid-19 đã được chính thức xác nhận, những ca tử vong chưa được xác nhận do virus corona, và những người chết do nguyên nhân khác là hệ quả khi đại dịch bùng phát.
Giáo sư John Middleton, chủ tịch Hiệp hội các trường đại học y tế cộng đồng tại khu vực châu Âu, cho biết việc không thống kê đúng, đủ số người chết vì đại dịch tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.
"Việc hạ thấp mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh sẽ ảnh hưởng tới cách một đất nước xử lý dịch bệnh phù hợp cho chính người dân của họ", ông Middleton nói.
Bên cạnh đó, nó cũng gây khó khăn trong xác định sự an toàn của di chuyển quốc tế, khiến các biện pháp kiểm soát di chuyển xuyên biên giới bị xâm nhập.
Tarik Jasarevic, phát ngôn viên Tổ chức Y tế Thế giới, cho rằng mọi tính mạng đều có giá trị như nhau, và vì vậy việc đếm thiếu số người chết vì Covid-19 là một sự bất công với những người này.
"Xét tới những ưu tiên về sức khỏe cộng đồng ở cấp độ quốc gia và toàn cầu, không thể đánh giá thấp tác động của đại dịch lên sức khỏe của người dân", ông Jasarevic nói.
Đại diện của WHO cho biết việc giám sát chính xác là cực kỳ quan trọng, giúp đánh giá thành công hoặc thất bại của các biện pháp ứng phó dịch bệnh. Đây cũng là một thành tố không thể thiếu trong xây dựng chiến lược giảm thiểu tác động của dịch bệnh tại các khu vực khác trên thế giới hoặc trong tương lai.
"Trong bối cảnh thế giới đang thúc đẩy công bằng tiếp cận vaccine, dữ liệu kịp thời và đủ tin cậy về tác động của dịch bệnh là rất thiết yếu", ông Jasarevic cho biết.
Làm thế nào có bức tranh toàn cảnh dịch bệnh?
Tiến sĩ Henrique Lopes, điều phối viên dự án nghiên cứu Y tế cộng đồng tại Đại học Công giáo Bồ Đào Nha, chỉ ra Nga là một ví dụ, nơi tỷ lệ người dân từ chối tiêm chủng cao do dữ liệu về dịch bệnh không chính xác.
"Ước tính có gần 70% dân Nga không muốn tiêm chủng. Khi người dân hiểu về nguy cơ, hiểu lợi ích của việc được bảo vệ thông qua tiêm chủng, số người đi tiêm sẽ tăng rất nhanh. Nhưng nếu không cho người dân thấy bức tranh toàn cảnh, họ sẽ khó hiểu hết được tình hình", ông Lopes nói.
Bên cạnh đó, những tin giả hạ thấp tầm quan trọng của chương trình tiêm chủng là hậu quả của việc thống kê ca mắc Covid-19 và tử vong không chính xác, ít hơn mức thực tế.
Theo ông Lopes, có nhiều nguyên nhân khiến số liệu thống kê công bố không đúng với thực tế, như năng lực xét nghiệm yếu kém, chi phí đắt đỏ khiến người dân không sẵn sàng xét nghiệm, người bệnh không thể hoặc không muốn đến bệnh viện bởi các cơ sở này quá tải, hoặc yếu tố chính trị.
"Nếu số liệu chính thức khoảng 4 triệu, có lẽ con số thực tế là khoảng 10 triệu người chết vì liên quan trực tiếp đến Covid-19", ông Lopes cho biết.
Người phụ nữ khóc khi thi thể người thân được chôn tại một nghĩa trang ở Jakarta, Indonesia. Ảnh: Jakarta Post. |
Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để đánh giá chính xác số người chết vì Covid-19?
Giáo sư Leo Yee Sin của Trung tâm Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Singapore cho biết hai hình thức giám sát chủ động và thụ động được áp dụng phổ biến để đánh giá tình huống cũng như theo dõi một cách có hệ thống theo thời gian để đánh giá xu hướng của dịch bệnh.
Giám sát thụ động phụ thuộc vào báo cáo từ cấp cơ sở, trong khi giám sát chủ động đòi hỏi chủ động thu thập thông tin. Bà Leo cho biết tình trạng thống kê thiếu chính xác có thể được khắc phục nếu áp dụng cả hai chiến lược giám sát này.
"Ví dụ, Covid-19 có nhiều dạng biểu hiện lâm sàng, từ không có triệu chứng tới bệnh nặng và tử vong. Giám sát thụ động phụ thuộc vào xét nghiệm và báo cáo từ cá cơ sở y tế, chủ yếu chỉ lấy được thông tin từ những người tới xét nghiệm. Vì vậy về thực tiễn, nó chỉ ghi nhận người có triệu chứng", bà Leo cho biết.
"Trong khi đó với giám sát chủ động, có thể áp dụng khảo sát tỷ lệ người mắc theo xét nghiệm huyết thanh theo từng mốc thời gian. Phương pháp này giúp thu được kết quả từ những người có nhiều biểu hiện lâm sàng khác nhau, kể cả người mắc Covid-19 không có triệu chứng. Từ đó, có thể đánh giá tỷ lệ ca mắc không được ghi nhận", chuyên gia người Singapore nói.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/so-ca-tu-vong-thuc-te-vi-covid-19-tren-toan-cau-la-bao-nhieu-a66908.html