Giá cổ phiếu ngân hàng quay về giữa tháng 7

Cổ phiếu ngân hàng giảm 3-7% trong phiên 23/8.

Phiên giao dịch 23/8, trong số 25 mã ngân hàng, thị giá BVB giảm mạnh nhất với 7,4% xuống 18.900 đồng/cp. VIB giảm sàn xuống 36.000 đồng/cp. Một số mã như LPB, OCB, VBB… giảm trên 5%, MSB, ACB giảm 4,9%, STB giảm 4,6%, MBB giảm 4,3%, TCB giảm 3,5%. Thị giá SSB giảm thấp nhất 1,4% xuống 35.300 đồng/cổ phiếu. Mức giá hiện nay, tương đương giai đoạn giữa tháng 7 khi thị trường kết thúc nhịp điều chỉnh. 

NVB là cổ phiếu ngân hàng duy nhất giữ được sắc xanh với mức tăng 0,4% và CTG giữ giá tham chiếu ở 32.700 đồng/cp.

Diễn biến giá cổ phiếu ACB từ đầu năm. Ảnh: TradingView.

Diễn biến giá cổ phiếu ACB từ đầu năm. Ảnh: TradingView.

Cổ phiếu STB dẫn đầu về thanh khoản với 30 triệu đơn vị được khớp lệnh. Mã này cũng tiếp tục được khối ngoại mua ròng gần 900.000 đơn vị. TCB đứng thứ hai với hơn 26 triệu đơn vị được giao dịch, MBB hơn 22 triệu đơn vị. CTG ghi nhận khối lượng 19,7 triệu đơn vị, trong đó khối ngoại mua ròng 1,8 triệu đơn vị

Đà giảm của cổ phiếu ngân hàng đi cùng xu hướng chung của thị trường. VN-Index lao dốc ngày thứ 2 liên tiếp, giảm hơn 30 điểm, xuống 1.298,86 điểm sau khi có thông tin TP HCM thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội chặt chẽ hơn. Bên cạnh đó, việc ngân hàng giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp và khách hàng bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, sẽ làm giảm biên lợi nhuận trong nửa cuối năm và những tiềm ẩn nợ xấu được cho là lý do nhà đầu tư e ngại khi mua vào nhóm cổ phiếu này.

Giá kết phiên của nhóm ngân hàng ngày 23/8. Ảnh: Chụp màn hình.

Giá kết phiên của nhóm ngân hàng ngày 23/8. Ảnh: Chụp màn hình.

Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Thông tư 11/2021/TT-NHNN, thay thế Thông tư 02/2013 về phân loại tài sản có và trích lập dự phòng rủi ro, sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD). Đồng thời, cơ quan này cũng đang lấy ý kiến với đề nghị xây dựng Luật về xử lý nợ xấu của TCTD. Bên cạnh đó, việc sửa đổi bổ sung Thông tư 01 và Thông tư 03 về cơ cấu nợ cũng đang được xem xét. 

Những bước đi này cho thấy NHNN đang tích cực hoàn thiện và cập nhật các văn bản pháp lý tạo điều kiện để các ngân hàng xử lý nợ xấu tiềm ẩn nếu có trong tương lai, giữa bối cảnh dịch bệnh chưa chấm dứt.

Mặt khác, các CTCK gần đây đều nâng dự báo lợi nhuận của một số ngân hàng như ACB, Techcombank, HDBank... nhờ kết quả vượt kỳ vọng trong 6 tháng và triển vọng nửa cuối năm. 

CTCK IVS dự đoán ngành ngân hàng sẽ có quãng bứt tốc cùng mùa cao điểm trong quý IV. Lợi nhuận các ngân hàng sẽ phân hóa. Với kỳ vọng dịch bệnh sẽ sớm được kiểm soát tại thời điểm đầu tháng 9 cùng tiến độ tiêm vaccine được đẩy mạnh, IVS dự đoán ngành ngân hàng sẽ có quãng bứt tốc cùng mùa cao điểm trong quý cuối năm giúp tốc độ tăng trưởng tín dụng toàn nền tinh tế đạt 9-10% cho cả năm. Trong đó, khối ngân hàng TMCP niêm yết tăng trưởng tín dụng trung bình 15%. 

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/gia-co-phieu-ngan-hang-quay-ve-giua-thang-7-a66935.html