Sai lầm khiến người dân nhiễm SARS-CoV-2 dù ở nhà

Theo Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Huy Nga, SARS-CoV-2 có thể xâm nhập cơ thể do những thói quen sai lầm thường ngày của người dân.

Việt Nam đang đối mặt làn sóng dịch Covid-19 thứ 4 (kể từ 27/4) với nhiều diễn biến phức tạp. Gần 2 năm sống chung với đại dịch, đeo khẩu trang, rửa tay, sát khuẩn..., đã trở thành thói quen của người dân để phòng, chống lây nhiễm SARS-CoV-2. Tuy nhiên, số ca mắc trong cộng đồng mỗi ngày vẫn được ghi nhận. Trong số đó, nhiều người không rõ nguồn lây. Họ không hiểu mình lây nCoV từ đâu dù thường xuyên thực hiện các biện pháp được khuyến cáo.

Chia sẻ về vấn đề này, Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho hay nếu người dân đeo khẩu trang đúng, đảm bảo giãn cách hai mét, rửa tay, sát khuẩn thường xuyên, thực hiện chuẩn theo 5K sẽ không bị lây nhiễm. Song thực tế, những biện pháp này không phải ai cũng thực hiện đúng. Nhiều thói quen đang khiến chúng ta vô tình nhiễm SARS-CoV-2.

Sai lầm từ những thói quen hàng ngày

Phó giáo sư Nga cho biết người dân hay mắc một số sai lầm dẫn đến lây nhiễm nCoV như vẫn thường xuyên đi lại, đến nhà hàng xóm, người quen. Dù đeo khẩu trang, họ lại dùng loại không chất lượng hoặc đeo sai cách. Điều này cũng khiến biện pháp đeo khẩu trang trở nên vô tác dụng.

Khi đi lấy hàng, người dân thường tiếp xúc với shipper, dùng tay cầm đồ và tiền mặt. Về nhà, họ không rửa tay, sau đó đưa lên mắt mũi miệng hoặc sờ tay lên mặt ngay khi vừa cởi khẩu trang.

SARS-CoV-2 lây nhiễm từ giọt bắn. Khi chúng ta thở mạnh, virus sẽ bám vào kẽ hở bên má, mũi, miệng. Vì vậy, người dân có thể đeo hai khẩu trang và không kéo xuống hoặc đeo không kín để tránh lây cho người khác và ngược lại.

Phó giáo sư Nga cảnh báo một số người dân hay tụ tập nói chuyện khi đi mua hàng, không cảnh giác với người quen. Do đó, đôi khi họ không đeo khẩu trang.

Khi đi ra ngoài, chúng ta có thể đã nhiễm nCoV dù không có triệu chứng cảnh báo. Do đó, khi về nhà, chúng ta có thể lây cho người thân, đặc biệt những đối tượng cần cẩn trọng như người già và trẻ nhỏ.

Bên cạnh đó, việc không thường xuyên thay khẩu trang, sát khuẩn, chạm vào nhiều đồ bên ngoài sau đó sờ tay lên mắt, mũi, miệng cũng là thói quen có nguy cơ dẫn đến lây nhiễm nCoV.

lay nhiem SARS-CoV-2 anh 1

Người dân chạm vào nhiều đồ khi đi mua sắm, sau đó sờ tay lên mắt, mũi, miệng, từ đó có nguy cơ lây nhiễm nCoV cao. Ảnh: Thư Trần.

Thực tế, trong sinh hoạt hàng ngày, người dân còn nhiều thói quen có thể vô tình lây nhiễm SARS-CoV-2. Dự án “Bệnh viện tại nhà” hỗ trợ người dân có nguy cơ và bị nhiễmCovid-19 cũng chỉ ra một số thói quen dễ nhiễm virus như sau:

- Không rửa trứng, trái cây, rau củ..., khi mua về sử dụng

- Không khử khuẩn tiền

- Dùng bút mượn của người khác nhưng quên lau tay

- Không lau chén, muỗng, đũa trước khi ăn

- Không lau chai nước trước khi để lên miệng uống

- Không rửa tay sau khi mở cửa vào nhà

- Cầm văn bản đọc sau đó quẹt tay lên mắt, mũi, miệng

- Điện thoại để xuống bàn chưa sát khuẩn sau đó đưa lên mặt nghe

- Không đeo khẩu trang, mắt kính khi đi tiêm vaccine

- Tập trung đông người khi test, tiêm vaccine

- Khi xét nghiệm, nhân viên y tế không thay găng tay với từng người

- Người tiêm 1 mũi hay 2 mũi vaccine Covid-19 vẫn có thể lây cho người khác do mang virus trên tóc, cơ thể...

lay nhiem SARS-CoV-2 anh 2

Bọc nylon nút bấm thang máy để phòng lây nhiễm nCoV. Ảnh: Duy Hiệu.

Tránh nhiễm nCoV như thế nào?

Để phòng tránh nhiễm nCoV, Phó giáo sư Nga lưu ý người dân cần tránh các thói quen kể trên. Đồng thời, khi đi siêu thị hoặc chợ búa, nếu thấy đông người, người dân nên tự giác đợi và vào sau. Khi về, chúng ta cần rửa tay ít nhất 30 giây trở lên theo 6 bước khuyến cáo của Bộ Y tế.

Phó Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, cũng cho hay người dân vẫn có nguy cơ trở thành F0 ngay cả khi đeo khẩu trang và sát khuẩn thường xuyên.

Đồng tình với các biện pháp trên, Phó giáo sư Nhung lưu ý thêm khi nhận hàng từ shipper, chúng ta thực hiện các bước như đeo khẩu trang, mắt kính, bao tay, sử dụng bình xịt khuẩn và nhắc người giao hàng để đồ dưới đất. Sau đó, người dân cần sát khuẩn đồ trước khi đưa vào nhà, rửa tay trước khi bỏ khẩu trang và vứt gọn vào thùng rác, vệ sinh như quần áo, giày dép để riêng, tắm rửa và khẩu trang vứt gọn trong thùng rác.

Chuyên gia cũng cảnh báo túi đựng đồ và nút bấm thang máy có nguy cơ bị virus bám vào. Người dân nên vệ sinh thường xuyên những chỗ này cũng như các tay cầm, nắm cánh cửa, bàn ghế, đồ để bát đũa...

 
Người đã tiêm vaccine có thể lây virus ra cộng đồng không? Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, người dân vẫn cần kết hợp tiêm vaccine phòng Covid-19 với nguyên tắc 5K để đảm bảo nhanh chóng kiểm soát tình hình dịch.

 

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/sai-lam-khien-nguoi-dan-nhiem-sars-cov-2-du-o-nha-a66971.html