Mua vàng lúc này, khách nguy cơ lỗ lớn

Chênh lệch giá mua-bán vàng trong nước thời gian gần đây luôn duy trì ở mức cao, điều này khiến người mua sẽ chịu khoản lỗ lớn.

Giá vàng trong nước thời gian gần đây có sự chênh lệch lớn giữa giá mua và giá bán.

Cụ thể, đầu giờ sáng nay 31/8, giá vàng nhẫn được Tập đoàn DOJI mua vào ở mức 56,25 triệu đồng/lượng, nhưng bán ra ở mức 57,85 triệu đồng/lượng, chênh 1,6 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, giá vàng miếng được đơn vị này niêm yết ở mức 56,5 triệu đồng/lượng (mua vào) và 57,5 triệu đồng/lượng (bán ra).

Tương tự, Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) hiện niêm yết giá vàng miếng ở mức 56,6 triệu đồng/lượng (mua vào) và 57,3 triệu đồng/lượng (bán ra), chênh 700.000 đồng/lượng.

Tại Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), giá giao dịch vàng miếng phổ biến ở 56,5 triệu/lượng (mua vào) và 57,4 triệu/lượng (bán ra), không thay đổi so với cuối tuần trước, chênh lệch giá mua - bám là 900.000 đồng/lượng.

Chênh lệch giá mua bán vàng trong nước cao, nhà đầu tư có nên mua?

Như vậy, có thể thấy, người mua vàng miếng đã lỗ từ 700.000 đồng/lượng đến hơn 1 triệu đồng/lượng.

Nhiều ngày nay, giá vàng mua - bán ở thị trường trong nước luôn có mức chênh khá cao.

Điển hình nhất có thể kể đến phiên giao dịch ngày 21/8. Giá vàng PNJ được Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) bất ngờ điều chỉnh tăng vọt thêm cả triệu đồng mỗi lượng so với phiên liền trước. Cụ thể, doanh nghiệp này giữ nguyên giá mua vào là 51 triệu đồng/lượng, trong khi nâng giá bán ra lên mức 53,55 triệu đồng/lượng.

Mức giá ở chiều bán tăng cao khiến chênh lệch giá mua - bán vàng PNJ lên tới 2,55 triệu đồng/lượng.

Điều này đồng nghĩa với việc người mua vàng tại PNJ thời điểm đó sẽ chịu ngay khoản lỗ 2,55 triệu trên mỗi lượng mua vào, tương đương gần 5% giá trị đầu tư.

Theo các chuyên gia, sự chênh lệch này là do sức mua trên thị trường vàng trong nước giảm mạnh do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 khiến hàng loạt cửa hàng kinh doanh vàng bạc đóng cửa để thực hiện nghiêm giãn cách xã hội.

Không chỉ chênh lệch giá mua - bán mà hiện mức chênh lệch giữa vàng trong nước với thế giới cũng đang ở mức cao. Giá vàng trong nước lâu nay vẫn cao hơn so với thế giới nhưng mức chênh này thường không quá 10% nếu quy đổi theo tỷ giá ngân hàng.

Như thời điểm cuối tháng 7/2020, khi giá thế giới biến động mạnh, mỗi lượng SJC cũng chỉ cao hơn giá quốc tế 1-2,5 triệu đồng/lượng. Đến tháng 8/2020, mức vênh giữa hai thị trường lên 4-4,5 triệu đồng một lượng.

Tuy nhiên, trong vòng 1 năm trở lại đây, giá vàng trong nước có một số thời điểm cao hơn 15-18% so với thế giới, là mức chưa từng có trong nhiều năm gần đây.

Đỉnh điểm nhất có thể kể đến phiên giao dịch ngày 10/8, giá vàng thế giới rớt hơn 30 USD còn giá trong nước lại tăng nhẹ vài chục nghìn đồng một lượng khiến chênh lệch được nới lên mức kỷ lục gần 9 triệu đồng.

Hiện tại, giá vàng trong nước và thế giới vẫn chênh ở mức khoảng 7 triệu đồng/lượng.

Điều này đồng nghĩa với việc người mua vàng trong nước đang phải trả mức giá đắt hơn khoảng 14% để sở hữu cùng một lượng vàng như thế giới.

Lý giải về hiện tượng này, giới chuyên gia cho rằng, chênh lệch giá trong nước và thế giới duy trì ở mức cao cũng có một phần nguyên nhân từ việc giao dịch bị ảnh hưởng vì các quy định giãn cách xã hội. Trường hợp thị trường vàng trong nước giao dịch trở lại, mức chênh lệch này sẽ được thu hẹp.

Những diễn biến mới trên thị trường kim loại quý khiến các chuyên gia tư vấn, nhà đầu tư không nên mua vàng đầu tư hay tích trữ lúc này.

Bởi lẽ, hiện nguồn cung vàng trong nước khan, doanh nghiệp trong nước không dễ gì giảm mạnh theo đà của thế giới. Do đó, giá vàng thế giới lao dốc là thời điểm càng khiến chênh lệch giá trong và ngoài nước nới rộng.

Nếu nhà đầu tư mua vàng lúc này sẽ gặp rất nhiều rủi ro về giá. Đặc biệt, việc giữ giá cao khi thị trường không có hoạt động mua bán gì cũng là điều khó hiểu.

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/mua-vang-luc-nay-khach-nguy-co-lo-lon-a67109.html