Thủ tướng: 'Không thể dùng biện pháp phong tỏa mãi'

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng không thể sử dụng biện pháp phong tỏa mãi, vì khó khăn cho nhân dân và nền kinh tế là rất lớn.

Sau khi nhấn mạnh quan điểm trên tại buổi làm việc chiều 1/9 với hơn 70 nhà khoa học trong lĩnh vực y tế, Thủ tướng nói phải đẩy lùi và chiến thắng dịch bệnh bằng tổng hòa các giải pháp. Mục tiêu của cả nước là không để dịch lây lan, có giải pháp thích nghi an toàn với dịch bệnh, giảm tỷ lệ tử vong bằng vaccine và thuốc.

Nhiều nước đã chuyển đổi chiến lược, xác định quan điểm "sống chung", thích ứng với dịch bệnh. Vaccine và thuốc điều trị là chiến lược lâu dài, công cụ quyết định. "Ứng dụng khoa học trong phòng chống dịch là chìa khóa cốt lõi của thành công, để chiến thắng dịch bệnh", Thủ tướng nói.

Đây là lần thứ hai người đứng đầu Chính phủ nhắc lại quan điểm phải sống chung lâu dài với dịch bệnh. Ngày 29/8, tại cuộc họp với đại diện hơn 1.000 xã, phường thuộc 20 tỉnh, thành đang giãn cách xã hội, Thủ tướng nhấn mạnh phải xác định nhận thức về tính chất khốc liệt, khó lường, khó dự báo của đại dịch.

"Chúng ta đặt mục tiêu kiềm chế, kiểm soát, song cũng xác định cuộc chiến này còn lâu dài, phải sống chung lâu dài với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối, phải thích ứng và có cách làm phù hợp", Thủ tướng nói.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi gặp mặt các nhà khoa học trong lĩnh vực y tế, chiều 1/9. Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi gặp mặt các nhà khoa học trong lĩnh vực y tế, chiều 1/9. Ảnh: Nhật Bắc

Việc chống dịch chưa có tiền lệ nên các giải pháp về y tế chủ yếu dựa vào trí tuệ các nhà khoa học. Việt Nam đẩy lùi các đợt dịch bệnh trước đây dựa trên ba yếu tố: Sự chỉ đạo của các cấp; nhân dân đồng lòng; ứng dụng khoa học chống dịch.

"Công cuộc chống dịch của chúng ta giống như xây ngôi nhà. Để nhà vững chắc, chúng ta không thể thiếu những cây cột vững chãi, đó là ứng dụng khoa học trong chống dịch", Thủ tướng phân tích và chỉ rõ đó là những đóng góp về biện pháp chống dịch; nghiên cứu, sản xuất vaccine, thuốc chữa bệnh; xây dựng phác đồ điều trị bệnh nhân Covid-19...

Trong cuộc chiến chống dịch gần hai năm nay, các nhà khoa học Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả. Việt Nam là một trong bốn nước đầu tiên nuôi cấy, phân lập thành công nCoV; phát triển các bộ kit xét nghiệm Covid-19; thử nghiệm lâm sàng, thí điểm thuốc kháng virus; thử nghiệm vaccine có tiến triển tích cực.

Cùng với lực lượng tuyến đầu chống dịch, các nhà khoa học là lực lượng "tiền phương" thầm lặng nghiên cứu, sớm tìm ra thuốc, vaccine, phương pháp điều trị... và "cũng phải đối mặt với hiểm nguy không kém".

Thủ tướng trao đổi với các nhà khoa học, chiều 1/9. Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng trao đổi với các nhà khoa học, chiều 1/9. Ảnh: Nhật Bắc

Tuy nhiên, Thủ tướng nêu rõ để chiến thắng Covid-19, cần sự cố gắng nhiều hơn của các nhà khoa học. "Tất cả ý kiến liên quan đến Covid-19 gửi đến Thủ tướng sẽ được xử lý, gửi tới cơ quan có trách nhiệm ngay trong ngày", người đứng đầu Chính phủ cho biết.

Thời gian tới, các nhà khoa học cần có giải pháp nâng cao hơn nữa chất lượng điều trị bệnh nhân Covid-19, nhằm thực hiện mục tiêu giảm ca tử vong.

Tại buổi làm việc, PGS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, cho rằng việc triển khai các trung tâm hồi sức tích cực là cần thiết nhưng không đủ mà cần nhiều giải pháp kết hợp để giảm ca tử vong do Covid-19.

Ông đánh giá việc tập trung nguồn lực điều trị ca nhiễm ở tầng 1 (triệu chứng nhẹ, không triệu chứng) và tầng 2 (có bệnh nền, người cao tuổi, phụ nữ mang thai), trong có lập trạm y tế ngay tại xã, phường là đúng. "Hệ thống điều trị ba tầng đã phát huy rõ rệt, giảm ca tử vong", ông Nhung nói.

GS Trương Việt Dũng, Chủ tịch Hội đồng Đạo đức quốc gia trong nghiên cứu y sinh học và PGS Lê Văn Truyền, Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc (Bộ Y tế), đều khẳng định sẽ làm việc khẩn trương, họp bất kỳ lúc nào để xem xét, đánh giá vaccine trong nước.

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/thu-tuong-khong-the-dung-bien-phap-phong-toa-mai-a67182.html