Nhiều tổ chức, đơn vị cung cấp rau củ "phi lợi nhuận" tới người dân TPHCM trong thời gian giãn cách
Nông sản giá “nhà vườn”
Những ngày qua, tại Trung tâm văn hóa quận 5, một “siêu thị dã chiến” được hình thành. Tiền sảnh của Trung tâm trở thành tổng kho hàng hóa với hàng chục loại hàng hóa từ trứng, rau, củ, gạo... được chất đầy các kệ hàng. Hàng vừa được chở tới ngay lập tức được nhân viên chuyển lên kệ để những người đi chợ hộ tiện soạn đơn hàng.
Đặc biệt, “nhân viên” siêu thi đều là cán bộ Trung tâm văn hóa, ban quản lý các chợ và các thầy cô của quận 5. Mỗi người phân chia nhau các công đoạn như cân rau, lựa hàng và đi chợ hộ và có lực lượng giao hàng riêng. Thầy Trần Mạnh Kha, trường Ba Đình (quận 5) thổ lộ, thời gian đầu cũng rất bỡ ngỡ vì… tay ngang, nhưng dần dà, khi đã quen được với công việc thì mọi thứ đã ổn hơn rất nhiều.
Từ tháng 7, Phòng kinh tế phối hợp Trung tâm Văn hóa quận 5 triển khai địa chỉ bán hàng trực tuyến dành riêng cho người dân quận 5 tại website shop.ttvhq5.com.vn. Sau đó, khi dịch bệnh có nhiều diễn biến phức tạp, Thành phố siết giãn cách, “siêu thị dã chiến” càng phát huy được những ưu điểm trong thời gian người dân không được ra khỏi nhà.
Bà Khưu Ngọc Bích Thư - Phó giám đốc Trung tâm văn hóa quận 5 cho biết: “Đó là rau từ huyện Củ Chi, Đà Lạt, Gò Công chuyển đến. Chúng tôi chỉ tính thêm tiền bao bì và hàng hư hỏng, còn lại đều bán đến tay người tiêu dùng với giá không lợi nhuận”.
Gần đây, Tổ công tác 970 của Bộ NN&PTNT đã triển khai rộng mô hình túi an sinh nông sản (10 kg/túi) tại TPHCM qua sàn giao dịch htx.cooplink.com.vn.
Combo thực phẩm nông sản có giá "hạt dẻ" hỗ trợ người dân TPHCM trong mùa dịch
Túi an sinh này đảm bảo cho nhu cầu một hộ gia đình trong 3-5 ngày với các mức giá theo đối tượng khác nhau, dao động trong khoảng từ 100.000-200.000 đồng/túi tùy loại. Ngoài ra, nhiều túi an sinh còn kết hợp thủy hải sản, thịt các loại và trứng theo yêu cầu của người đặt, có thể giá cao hơn, hàng hóa đáp ứng nhiều hơn. Các túi an sinh nông sản đều do các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất ở các tỉnh ĐBSCL đóng gói theo yêu cầu khách hàng, đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Thực phẩm tăng trong tháng 8
Theo Cục Thống kê TPHCM, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 tăng 0,33% so với tháng trước và tăng 3,83% so với tháng cùng kỳ năm trước.
Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,38% so với tháng trước, trong đó chỉ số giá nhóm lương thực tăng 1,59%, chủ yếu do gạo tăng 0,50%. Nhóm bột mì và ngũ cốc khác tăng 8,33%, nhóm lương thực chế biến tăng 2,07%. Giá các mặt hàng này tăng cao do nhu cầu mua dự trữ tăng, nguồn cung tăng giá.
Tương tự, chỉ số giá nhóm thực phẩm tăng 2,71% so với tháng trước như thịt gia súc tăng 2,57%, thịt gia cầm, thịt chế biến đều tăng.
Trong tháng 8, chỉ số giá nhóm lương thực tại TPHCM tăng cao tới 1,59%
Trứng các loại tăng 7,38%, thủy sản tươi sống tăng 4,99%. Nước mắm, nước chấm tăng 1,06%. Rau tươi, khô và chế biến tăng 5,39%; quả tươi, chế biến tăng 4,36%.
Một số nguyên nhân làm chỉ số giá tăng là trong tháng 8 theo Cục thống kê TP là Thành phố tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, nhu cầu dự trữ hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu, lương thực, thực phẩm của người dân cũng tăng cao.
Trong khi đó, nguồn cung hàng hóa vẫn còn hạn chế khi nhiều chợ đầu mối, chợ truyền thống vẫn đang tạm ngưng hoạt động để phòng chống dịch. Ngoài ra, chi phí vận chuyển hàng hóa trong thời gian này cũng tăng lên.
Theo kế hoạch của UBND quận 5, "siêu thị dã chiến "sẽ hoạt động cung ứng thực phẩm cho người dân tại 14 phường thuộc quận. Tại đây, siêu thị cũng thanh toán tất cả những đơn hàng từ sỉ đến lẻ và giao trong thời gian 1 - 2 ngày. Mỗi ngày, đơn vị sẽ vận chuyển khoảng 2,5 tấn rau, thịt khoảng 500 kg và vài trăm quả trứng các loại. Hiện siêu thị đang đáp ứng khoảng 400 đơn hàng/ngày.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/nguoi-dan-tphcm-mua-nong-san-phi-loi-nhuan-o-dau-a67275.html