Tuyển Việt Nam đã khác

"Phòng ngự tốt hơn, tấn công tốt hơn" là mệnh đề luôn đúng trong bóng đá. Trước Australia, tuyển Việt Nam chứng minh điều này ngay khi không thể giành chiến thắng.

Phân tích

Viet Nam anh 1

Sự thay đổi tức thời của huấn luyện viên (HLV) Park Hang-seo ở hàng phòng ngự không chỉ giúp ĐT Việt Nam thiếp lập thế trận chắc chắn hơn, mà hơn thế còn là màn trình diễn mang đến nhiều kỳ vọng trên hàng tấn công trước đối thủ mạnh Australia.

Chỉ có 2 sự thay đổi được thực hiện trong đội hình xuất phát của đội tuyển (ĐT) Việt Nam so với trận đấu với Saudi Arabia ít ngày trước. Thủ thành Đặng Văn Lâm trở lại với khung gỗ, trong khi trung vệ Bùi Tiến Dũng đá chính thay cho Duy Mạnh.

Hàng thủ được tổ chức tốt hơn

Về cơ bản, ĐT Việt Nam không có nhiều sự thay đổi về con người, nhưng lối chơi phòng ngự có phần bị động trước đó đã được thay đổi hoàn toàn chỉ trong ít ngày. Đội bóng của HLV Park Hang-seo có hệ thống chơi khi không có bóng với cự ly đội hình tốt hơn, với sự điềm tĩnh và tỉnh táo của các cầu thủ, cùng khả năng bọc lót ấn tượng.

Viet Nam anh 2

ĐT Việt Nam tiếp tục duy trì thế trận phòng ngự 5-4-1 ở sân nhà.

Nếu như trước Saudi Arabia, ĐT Việt Nam muốn duy trì áp lực tốt ở khu vực giữa sân, nhưng không thể thực hiện một cách tốt nhất khi thời điểm gây áp lực và sự bọc lót là chưa hợp lý, thì trước Australia, những vấn đề đó đã được giải quyết nhanh chóng.

Viet Nam anh 3

Tuấn Anh ở trận gặp Saudi Arabia chủ động áp sát, nhưng thiếu sự đồng bộ và để lộ khoảng trống sau lưng.

Những thay đổi đặc biệt đến ở vị trí của 4 tiền vệ. Nếu vài ngày trước, họ dâng lên gây áp lực có phần vội vàng, thiếu đánh giá và để đối thủ khai thác một cách tương đối dễ dàng các khoảng trống sau lưng, thì tại Mỹ Đình, Tuấn Anh, Hoàng Đức và các đồng đội cho thấy tín hiệu của sự điềm tĩnh và quan sát tốt hơn nhiều.

Viet Nam anh 4

Hoàng Đức điều chỉnh tư thế thân người, không vội vàng áp sát. Trung vệ Tiến Dũng phía sau cũng chủ động hơn để bọc lót.

Viet Nam anh 5

Tuấn Anh liên tục quan sát sau lưng, đánh giá tình hình trước khi dâng cao áp sát.

Viet Nam anh 6

Áp sát ở góc độ và sự che chắn hợp lý với trọng tâm thân người thấp.

Trước hệ thống 5-4-1 lùi về sân nhà của ĐT Việt Nam, có thể nhận định cách Australia triển khai tấn công có những sự tương đồng lớn với Saudi Arabia. Hai tiền vệ trung tâm lùi lại nhận bóng, 2 hậu vệ biên đẩy cao, trong khi 4 cầu thủ tấn công trong sơ đồ 4-2-3-1 thu vào khu vực trung lộ, tìm kiếm các khoảng trống và chọn các phương án phối hợp ở phạm vi ngắn.

Viet Nam anh 7

Cấu trúc đội hình của Australia khi triển khai bóng.

Định hướng như thế của đối thủ không chỉ yêu cầu sự điềm tĩnh và khả năng đánh giá tình hình khi dâng cao gây áp lực từ tuyến tiền vệ, mà còn đòi hỏi sự tập trung và khả năng phán đoán của các trung vệ trong nhiệm vụ bọc lót các khoảng trống trước mặt.

Viet Nam anh 8

Tiến Dũng phán đoán tình huống và chủ động dâng cao.

Viet Nam anh 9

Trung vệ của ĐT Việt Nam cho thấy thời điểm gây áp lực hợp lý khi đối thủ chuyền xuyên tuyến.

Viet Nam anh 10

Tiến Dũng dâng cao, ĐT Việt Nam vẫn đủ khả năng duy trì hàng ngang 4 hậu vệ.

Lợi thế lớn của hệ thống phòng ngự 3 trung vệ đã được các học trò của HLV Park Hang-seo thể hiện chuẩn chỉnh trước đối thủ có khả năng thực hiện các tình huống tấn công trung lộ tốt.

Đó là ở thời điểm một trung vệ buộc phải dâng cao bọc lót cho hàng tiền vệ, chúng ta có đủ khả năng để duy trì hàng ngang phòng ngự 4 người và hạn chế được các khoảng trống giữa các hậu vệ.

So với trận đấu trước Saudi Arabia, sự chủ động và tính hợp lý ở thời điểm dâng cao của các trung vệ đã giúp ĐT Việt Nam hạn chế hoàn toàn các đường tấn công ra sau lưng hàng thủ của đối phương.

Viet Nam anh 11

Thành Chung sẵn sàng dâng cao khi các đồng đội bọc lót phía sau để tạo sự đồng bộ trong tình huống gây áp lực.

Viet Nam anh 12

Ngọc Hải chọn thời điểm hợp lý để hạn chế tình huống xử lý bóng của đối thủ.

Sự cải thiện lớn nữa không chỉ từ sự điềm tĩnh của tuyến giữa, sự chủ động hơn của hàng tiền vệ, mà còn trong cách hai tuyến phòng ngự của ĐT Việt Nam liên kết và tạo sự bọc lót cho nhau. Cự ly đội hình hợp lý hơn được tạo nên, giúp sơ đồ 5-4-1 khi phòng ngự thể hiện đúng sự khó chịu vốn có.

Viet Nam anh 13

Trung vệ dâng cao áp sát đối thủ

Viet Nam anh 14

Các hậu vệ còn lại thu hẹp cự ly, tạo hàng ngang 4 người.

Viet Nam anh 15

Đối thủ hướng bóng ra biên, Ngọc Hải sẵn sàng tạo sự bọc lót.

Viet Nam anh 16

Di chuyển đồng bộ và bọc lót lẫn nhau.

Đây là màn trình diễn ấn tượng ở khả năng phòng ngự của tuyển Việt Nam. Tất nhiên vẫn còn đó những chi tiết các cầu thủ Việt Nam có thể cải thiện, có thể làm tốt hơn nữa, nhưng sự chủ động là điều đã được tạo ra.

Chúng ta không còn hoàn toàn bị động như trước Saudi Arabia, các cầu thủ cho thấy sự tự tin khi chơi không bóng, lựa chọn các thời điểm hợp lý để gây áp lực, và thậm chí dám gây áp lực ngay từ phạm vi giữa sân để khiến đối thủ không có sự thoải mái trong các tình huống triển khai bóng. Văn Đức thậm chí đã có pha dứt điểm ở tình huống đối thủ bối rối khi ĐT Việt Nam tràn lên gây áp lực một cách hợp lý trong hiệp 2.

Việc chỉ phải nhận duy nhất một bàn thua và 6 pha dứt điểm so với 3 bàn thua và 21 pha dứt điểm là thành công lớn của đội chủ sân Mỹ Đình. Song, bàn thắng thực sự đẳng cấp của Australia cũng sẽ là ví dụ giúp các học trò HLV Park Hang-seo tiếp tục cải thiện.

Viet Nam anh 17

Đối thủ có thể triển khai bóng xuống biên, Trọng Hoàng có phần vội vàng khi áp sát đối thủ.

Viet Nam anh 18

Australia có cơ hội tạt bóng.

Viet Nam anh 19

Ngay sau quả tạt, hàng thủ ĐT Việt Nam chưa phản ứng tốt nhất với việc lập tức dâng cao đội hình.

Phòng ngự tốt hơn, tấn công tốt hơn

Trước Saudi Arabia, ĐT Việt Nam không thể phòng ngự chủ động, bị đẩy lùi về phần sân nhà và kéo theo đó cũng không thể tổ chức những pha bóng tấn công đủ nguy hiểm. Nhưng tại Mỹ Đình, một khi phòng ngự hợp lý hơn, đội bóng của HLV Park Hang-seo có nền tảng tốt hơn để khiến đối thủ phải lo lắng với những tình huống tấn công nhanh sở trước. Phòng ngự tốt hơn, tấn công tốt hơn là mệnh đề luôn đúng trong bóng đá.

Viet Nam anh 20

Tiến Dũng cho thấy sự chủ động bọc lót trong đường chuyền xuyên tuyến của đối thủ.

Viet Nam anh 21

ĐT Việt Nam đoạt lại bóng, với sự chủ động của Tiến Linh khi chọn vị trí

Viet Nam anh 22

Hoàng Đức kiểm soát bóng và hướng lên phía trước.

Viet Nam anh 23

ĐT Việt Nam tạo ra cơ hội rõ ràng trong pha bóng phản công.

So với chỉ 2 pha dứt điểm được thực hiện trước Saudi Arabia, thì 11 tình huống uy hiếp khung thành đối phương tại Mỹ Đình là thống kê giá trị với ĐT Việt Nam.

Trong bối cảnh phòng ngự phản công, việc tìm ra những thời cơ ở các tình huống chuyển trạng thái tấn công, tận dụng sự tự tin cùng nền tảng kỹ thuật của các cầu thủ và tự tin hướng bóng lên phía trước là yếu tố quan trọng với ĐT Việt Nam, trong cả hành trình tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022.

Viet Nam anh 24

Tuấn Anh can thiệp ở khu vực giữa sân, Tiến Linh cho thấy sự chủ động ở khả năng chọn vị trí hỗ trợ.

Viet Nam anh 25

Quang Hải tiếp ứng trong tình huống chuyển trạng thái

Viet Nam anh 26

ĐT Việt Nam cho thấy sự tự tin ở những thời điểm có thể tấn công nhanh

Viet Nam anh 27

Tình huống mở ra cơ hội cho Hồng Duy ở hiệp 1.

Khi khoảng cách về đẳng cấp chơi bóng, thể chất vẫn chưa thể san lấp trong thời gian ngắn, thì việc lựa chọn lối chơi tận dụng những thời cơ tấn công ở những thời điểm đối thủ không sẵn sàng phòng ngự nhất là hợp lý với HLV Park Hang-seo.

Với khả năng kiểm soát bóng, kỹ thuật cũng như tốc độ của những cá nhân như Quang Hải, Hoàng Đức, Trọng Hoàng và Hồng Duy, hay tốc độ không bóng tốt của Văn Toàn, ĐT Việt Nam hoàn toàn có đủ khả năng để gây khó dễ cho đối thủ.

Viet Nam anh 28

ĐT Việt Nam đoạt bóng trong hiệp 2, Văn Toàn tăng tốc.

Viet Nam anh 29

Tốc độ không bóng tốt giúp Văn Toàn trội hơn đối thủ và kiểm soát được bóng.

Sự có mặt của Văn Toàn trong hiệp 2 cũng cho thấy những phương án chiến thuật khác nhau mà HLV Park Hang-seo có sự chuẩn bị. ĐT Việt Nam sẵn sàng tấn công với những cách thức khác nhau, không chỉ đến từ những cá nhân, mà còn là sự thay đổi ở đội hình.

Sơ đồ 3-5-2

 

Sau khoảng 15 phút đầu tiên của hiệp 2 duy trì hệ thống 5-4-1 với cặp tiền vệ trung tâm Hoàng Đức và Quang Hải, HLV Park Hang-seo lựa chọn Đức Huy và hướng đến sự thay đổi trong hệ thống chiến thuật, sơ đồ gồm 3 tiền vệ trung tâm.

Có thêm tiền vệ phòng ngự, Quang Hải cùng Hoàng Đức được đẩy lên chơi cao hơn, thời điểm ĐT Việt Nam cho thấy những tín hiệu tương đối tích cực trong những phương án mới ở khả năng tấn công.

Viet Nam anh 30

Hai tiền đạo hoạt động với vai trò khác nhau, trong khi Quang Hải và Hoàng Đức sẵn sàng dâng cao hỗ trợ.

Đức Huy vào sân không chỉ giúp giải phóng Quang Hải và Hoàng Đức khỏi nhiệm vụ phòng ngự, nó còn giúp Tiến Linh không thực sự đơn độc ở những tình huống phản công. Với sự khó chịu từ những pha di chuyển của Văn Toàn, tiền đạo của ĐT Việt Nam chủ động hơn trong các tình huống lùi sâu hỗ trợ đồng đội.

Viet Nam anh 31

Đức Huy đoạt bóng ở khu vực trung lộ trong vai trò tiền vệ đánh chặn.

Viet Nam anh 32

Quang Hải và Hoàng Đức ngay lập tức hướng lên phía trước ở vị trí xuất phát cao hơn.

Viet Nam anh 33

Quang Hải hoàn toàn có thể tạo ra một lựa chọn xử lý bóng tốt hơn.

Những điểm tích cực từ sơ đồ 3-5-2 là điểm kết trọn vẹn cho trận đấu mang đến nhiều hy vọng của ĐT Việt Nam. HLV Park Hang-seo hoàn toàn có đủ những phương án từ nhân sự tới chiến thuật để đối đầu với các đội bóng được đánh giá cao hơn tại bảng đấu này.

Trận đấu không chỉ cho thấy sự điều chỉnh hợp lý của ban huấn luyện ĐT Việt Nam trong quãng thời gian ngắn, mà còn chứng minh được khả năng và sự tự tin mà các cầu thủ áo đỏ có thể đạt được.

Với lợi thế từ quãng thời gian tập luyện so với các đối thủ và những tín hiệu tích cực tại Mỹ Đình trước Australia, hoàn toàn có quyền để tin tưởng vào những kết quả tốt hơn từ ĐT Việt Nam, ở những trận đấu khó khăn trước mắt.

Highlights vòng loại World Cup: Việt Nam 0-1 Australia Bàn thắng duy nhất của Rhyan Grant giúp đội khách Australia giành 3 điểm trước Việt Nam ở vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á tối 7/9.

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/tuyen-viet-nam-da-khac-a67401.html