Bộ Tài chính liên tiếp cảnh báo rủi ro mua trái phiếu doanh nghiệp “lởm”

Sau hơn một tuần “rung chuông” tình trạng phát hành trái phiếu tràn lan gây rủi ro cho nhà đầu tư, mới đây, bộ này tiếp tục phát đi cảnh báo về vấn đề này...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Bộ Tài chính vừa có cảnh báo về tình hình phát hành trái phiếu doanh nghiệp, trong đó nhấn mạnh đến vấn đề chất lượng trái phiếu thấp nhưng vẫn tìm cách để phát hành; đồng thời, cảnh báo các nhà đầu tư về khả năng rủi ro lớn.  

TRÁI PHIẾU "LỞM" TÌM ĐỦ CÁCH ĐỂ PHÁT HÀNH

Theo đánh giá của bộ này, thời gian qua, thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn tăng trưởng với tốc độ vượt bậc. Vào hồi đầu năm 2021, Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế được ban hành. Nghị định này được cho là "ghìm cương ngựa" đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong bối cảnh phát triển tương đối nóng. 

Bộ Tài chính đánh giá, bên cạnh những tác động tích cực giúp các doanh nghiệp huy động vốn cho sản xuất, kinh doanh, thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát hành hình thức riêng lẻ cũng tiềm ẩn không ít rủi ro. 

"Chất lượng tài sản đảm bảo của trái phiếu hạn chế, chủ yếu là các dự án đầu tư, tài sản hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu của doanh nghiệp bất động sản", Bộ Tài chính lưu ý.

Đơn cử, một số doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp bất động sản, phát hành trái phiếu với lãi suất cao và cùng đó là sự tham gia của nhà đầu tư cá nhân nhỏ, lẻ, kể cả những nhà đầu tư không đạt chuẩn. 

Theo quy định hiện hành tại Luật chứng khoán và Nghị định số 153/2020, doanh nghiệp huy động vốn trái phiếu riêng lẻ theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm, cơ quan quản lý nhà nước không cấp phép phát hành.

“Trong số doanh nghiệp phát hành trái phiếu vẫn có doanh nghiệp có quy mô nhỏ nhưng huy động vốn với khối lượng lớn, lãi suất cao, doanh nghiệp phát hành trái phiếu không có tài sản đảm bảo hoặc chất lượng tài sản đảm bảo kém”, Bộ Tài chính lưu ý.

Đáng chú ý, theo ông Nguyễn Hoàng Dương, ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) , trong 8 tháng năm 2021, có 05/177 doanh nghiệp phát hành có kết quả kinh doanh năm liền kề trước năm phát hành lỗ. Khối lượng trái phiếu không có tài sản đảm bảo chiếm 51% tổng khối lượng phát hành. 

Đối với những trường hợp doanh nghiệp có tình hình tài chính yếu kém, khi huy động vốn trái phiếu với khối lượng lớn, lãi suất cao, chính các doanh nghiệp phát hành sẽ gặp rủi ro nếu hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn và sẽ không trả được nợ gốc, lãi trái phiếu cho nhà đầu tư.

NHÀ ĐẦU TƯ CẨN TRỌNG, ĐÁNH GIÁ KỸ RỦI RO

Nhằm hạn chế rủi ro trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bảo vệ nhà đầu tư, Bộ Tài chính khuyến nghị: nhà đầu tư cần hết sức lưu ý là lãi suất cao sẽ đi kèm với rủi ro cao, do đó phải hết sức thận trọng đánh giá kỹ về các rủi ro trước khi quyết định mua trái phiếu.

Bộ này cho rằng: không nên mua trái phiếu thông qua chào mời của các tổ chức cung cấp dịch vụ như công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại khi chưa tìm hiểu kỹ về tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành và các điều kiện, điều khoản của trái phiếu. 

"Trái phiếu cần được đánh giá, phân tích trên các khía cạnh về lĩnh vực hoạt động, doanh nghiệp phát hành, tình hình tài chính, mục đích sử dụng vốn, chất lượng tài sản đảm bảo cũng như các điều kiện, điều khoản của trái phiếu". Bộ Tài chính.

Cùng đó, nhà đầu tư cũng cần lưu ý việc các tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán chỉ là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, hưởng phí dịch vụ từ doanh nghiệp phát hành mà không chịu trách nhiệm về việc doanh nghiệp có hoàn trả gốc và lãi trái phiếu khi đến hạn hay không. Rủi ro của trái phiếu vẫn là rủi ro của doanh nghiệp phát hành.

Trong trường hợp "lách" quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp bằng hình thức mua trái phiếu thông qua các hợp đồng đầu tư với công ty chứng khoán, nhà đầu tư sẽ không phải là chủ sở hữu trái phiếu và không được bảo đảm các quyền lợi đối với trái phiếu theo các cam kết của doanh nghiệp phát hành.

Vì vậy, tuân thủ pháp luật và nắm rõ thông tin về trái phiếu trước khi đầu tư là cách duy nhất để hạn chế rủi ro cho các nhà đầu tư cá nhân khi tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Ngày 1/9/2021, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã ký công văn số 10059 yêu cầu Ủy ban Chứng khoán nhà nước, Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính và Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Việc này xuất phát từ thực tế bên cạnh những tác động tích cực đối với doanh nghiệp, việc phát hành trái phiếu riêng lẻ cũng bộc lộ nhiều rủi ro cho nhà đầu tư và có nguy cơ gây mất an ninh, an toàn nền tài chính quốc gia.

Theo những thông tin mới nhất phóng viên VnEconomy cập nhật, ngay sau thời điểm chấm dứt giãn cách, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các đơn vị chức năng sẽ đồng bộ kiểm tra việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp chất lượng thấp nhưng vẫn phát hành bằng mồi nhử lãi suất và phân phối một cách thiếu minh bạch. 

Theo dữ liệu công bố của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC), 7 tháng đầu năm 2021, có 376 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong nước với tổng giá trị phát hành đạt 235.094 tỷ đồng, tăng gần 31% so với cùng kỳ năm 2020.

Nhóm bất động sản xếp vị trí thứ hai với tổng khối lượng phát hành 75,8 nghìn tỷ đồng, chiếm đến 32% tổng giá trị trái phiếu phát hành. Trong đó, có khoảng 15% trái phiếu phát hành không có tài sản bảo đảm hoặc bảo đảm bằng cổ phiếu. Lãi suất phát hành nhóm này cao gấp đôi nhóm các ngân hàng thương mại, trong khoảng 8-13%/năm.

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/bo-tai-chinh-lien-tiep-canh-bao-rui-ro-mua-trai-phieu-doanh-nghiep-lom-a67412.html