Trong báo cáo tài chính hợp nhất quý II và 6 tháng đầu năm 2021, tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL - UpCOM: OIL) ghi nhận doanh thu và lợi nhuận đều tăng.
Tính riêng quý II/2021, PVOIL ghi nhận doanh thu đạt 13.424 tỷ đồng, tăng hơn 15% so với cùng kỳ. Các chi phí tài chính, chi phí quản lý doanh nghiệp trong quý II/2021 đều giảm so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên, chi phí bán hàng lại tăng gần 20% lên 443 tỷ đồng. Kết quả, lãi sau thuế quý II của PVOIL đạt 272 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ năm ngoái.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2021, PVOIL đạt 25.188 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 14% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 463 tỷ đồng, trong khi nửa đầu năm ngoái lỗ 350 tỷ đồng.
Dòng tiền hoạt động kinh doanh chính của PVOIL âm 1.040 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ dương 769 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do các khoản phải thu và tồn kho tăng mạnh.
Dù ghi nhận hoạt động kinh doanh khởi sắc nhờ giá xăng dầu thế giới tăng mạnh, tuy nhiên, PVOIL vẫn còn tồn những khoản nợ khó đòi lâu năm, dù đã giảm so với các năm trước đó.
Cụ thể về tình hình nợ, tổng nợ phải trả của PVOIL tại thời điểm 30/6/2021 là 14.071 tỷ đồng, gấp 1,28 lần vốn chủ sở hữu (10.985 tỷ đồng). Tổng nợ vay tài chính ngắn hạn và dài hạn trong kỳ hơn 4.973 tỷ đồng, tăng 21% so với đầu năm, chủ yếu là nợ vay ngắn hạn.
Tại ngày 30/6/2021, PVOIL có 852 tỷ đồng nợ phải thu khó đòi tại hơn 33 công ty, trong đó giá trị có thể thu hồi chỉ khoảng 34 tỷ đồng.
Theo đó, những cái tên nằm trong danh sách nợ khó đòi của PVOIL có khoản nợ lớn như công ty Cổ phần Dầu khí và Chất đốt miền Bắc (124,1 tỷ đồng); công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển xăng dầu Tiên Phong (118,5 tỷ đồng); công ty Cổ phần Thương mại và Vận tải Quảng Đông (87,9 tỷ đồng); công ty Cổ phần Đầu tư Phú Lâm (77,8 tỷ đồng); công ty Xăng dầu quốc tế Việt Nam (69,5 tỷ đồng), công ty Cổ phần Thương mại Dầu khí Vũ Anh (43,2 tỷ đồng), công ty Cổ phần Song Phát (26,3 tỷ đồng), công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Cẩm Giàng (20 tỷ đồng),…
Đây là những khoản nợ mà đã tồn tại nhiều năm mà PVOIL khó có thể thu hồi. Trong báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2020 gửi tới Quốc hội hồi tháng 7 mới đây, PVOIL bị Kiểm toán Nhà nước chỉ ra nhiều yếu kém trong năm tài chính 2019 khi quản lý dòng tiền chưa hiệu quả, quản lý nợ chưa chặt chẽ, còn để phát sinh nợ phải thu quá hạn, khó đòi lớn…
Kết thúc nửa đầu năm, tổng tài sản của PVOIL đạt 25.057 tỷ đồng, tăng 13,5% so với hồi đầu năm. Đáng chú ý, các khoản phải thu ngắn hạn tăng hơn 51% so với đầu năm, ở mức 7.419 tỷ đồng, chiếm 29,6% tổng tài sản.
Hàng tồn kho tăng 30,4% so với đầu năm, ở mức 2.383 tỷ đồng. Tổng các khoản phải thu ngắn hạn và hàng tồn kho trong kỳ chiếm gần 40% tổng tài sản.
Tiền, tương đương tiền, tiền gửi ngân hàng dưới một năm và chứng khoán kinh doanh hơn 9.345 tỷ đồng, giảm 100 tỷ so với đầu năm và chiếm 37% tổng tài sản.
Mới đây, PVOIL đã hoàn tất việc thoái toàn bộ vốn tại công ty Cổ phần Dầu khí Dương Đông Kiên Giang. HĐQT cũng xúc tiến thoái hết vốn tại tổng công ty Thương mại Kỹ thuật và Đầu tư (Petec, PEG).
Tổng công ty Dầu Việt Nam là đơn vị thành viên hạch toán độc lập thuộc tập đoàn Dầu khí Việt Nam; được thành lập trên cơ sở hợp nhất tổng công ty Thương mại dầu khí (Petechim), công ty Chế biến và Kinh doanh phân phối sản phẩm dầu mỏ (PDC).
PVOIL chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ ngày 1/8/2018, với vốn điều lệ hơn 10.342 tỷ đồng.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/nhung-khoan-no-kho-doi-cua-pvoil-dang-nam-o-dau-a67424.html