Theo báo cáo tài chính kiểm toán của Công ty CP Vĩnh Hoàn (VHC), đến cuối tháng 6 năm nay, công ty này đang ghi nhận danh mục đầu tư chứng khoán trị giá hơn 57 tỷ đồng, tăng gấp 6 lần so với giá trị hồi đầu năm.
Trong đó, khoản đầu tư chứng khoán lớn nhất của Vĩnh Hoàn hiện nằm ở cổ phiếu DXS (Đất Xanh Services) với giá gốc 25,6 tỷ đồng. Theo sau là 2 khoản đầu tư tại KBC (Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc) và CTG (VietinBank) với giá gốc lần lượt là 16,7 tỷ và 12,2 tỷ đồng.
Đáng chú ý, toàn bộ lượng cổ phiếu kể trên chỉ được Vĩnh Hoàn mua vào từ đầu năm nay, tại ngày lập báo cáo, công ty đang phải trích lập dự phòng 96 triệu đồng cho khoản đầu tư vào cổ phiếu CTG.
Dù chỉ chiếm chưa tới 5% giá trị các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn và chưa tới 1% tổng tài sản, khoản đầu tư chứng khoán kể trên lại là mục ghi nhận biến động lớn nhất trên bảng cân đối kế toán của công ty chế biến thủy sản này trong nửa đầu năm qua.
Giá trị danh mục đầu tư chứng khoán của Vĩnh Hoàn (tỷ đồng):
Giai đoạn | Cổ phiếu đầu tư | Giá trị đầu tư | Lãi đầu tư chứng khoán |
6T2020 | 190 | 5,4 | |
MWG (Thế giới Di động) | 87,3 | ||
FPT (Công ty FPT) | 28,6 | ||
HPG (Tập đoàn Hòa Phát) | 23,6 | ||
Khác | 50,5 | ||
6T2021 | 57 | 10,6 | |
DXS (Đất Xanh Services) | 25,6 | ||
KBC (Tổng công ty Kinh Bắc) | 16,7 | ||
CTG (VietinBank) | 12,2 | ||
Khác | 2,5 |
Với khoản đầu tư hơn 57 tỷ vào thị trường chứng khoán, Vĩnh Hoàn cũng ghi nhận hơn 10,6 tỷ đồng tiền lãi, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2020 và tương đương hiệu suất 18,6% giá trị đầu tư.
Thực tế, Vĩnh Hoàn chỉ mới bắt đầu tham gia thị trường chứng khoán từ năm 2020, nhưng đã rót hàng trăm tỷ đồng vào hoạt động này.
Nửa đầu năm 2020, công ty ghi nhận danh mục đầu tư chứng khoán lên tới gần 190 tỷ đồng, trong đó bộ 3 cổ phiếu đầu tư nhiều nhất là MWG (Công ty CP Đầu tư Thế giới Di động); FPT (Công ty CP FPT) và HPG (Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát) với giá trị lần lượt 87,3 tỷ; 28,6 tỷ và 23,6 tỷ đồng.
Cũng trong nửa đầu năm này, Vĩnh Hoàn thu về 5,5 tỷ tiền lãi từ đầu tư chứng khoán, đóng góp 9% vào doanh thu hoạt động tài chính hợp nhất.
Đến cuối năm 2020, công ty tất toàn toàn bộ lượng cổ phiếu nói trên và ghi nhận khoản lãi hơn 64 tỷ, chiếm 28% doanh thu tài chính trong năm và tương đương lợi suất đầu tư 34% giá vốn sau một năm.
Thị trường chứng khoán sôi động không chỉ thu hút nhà đầu tư cá nhân mà cả những doanh nghiệp lớn cũng mang hàng trăm tỷ đồng tiền nhàn dỗi đi đầu tư. Ảnh: Việt Linh. |
Đến đầu năm nay, Vĩnh Hoàn tiếp tục chi ra hơn 57 tỷ đồng để mua vào bộ 3 cổ phiếu DXS, KBC, CTG kể trên và đã ghi nhận khoản tiền lãi từ hoạt động này lên tới 10,6 tỷ đồng.
Đáng chú ý, việc Vĩnh Hoàn đầu tư chứng khoán không hề liên quan tới hoạt động kinh doanh của công ty này là chế biến và xuất khẩu thủy sản. Việc Vĩnh Hoàn tay ngang đi đầu tư chứng khoán cũng chỉ bắt đầu từ khi dịch Covid-19 bùng phát trên thế giới và Việt Nam từ đầu năm 2020 khiến hoạt động sản xuất của công ty bị ảnh hưởng.
Trong bối cảnh phải thu hẹp sản xuất bởi các quy định giãn cách và các đơn hàng bị ảnh hưởng, Vĩnh Hoàn cùng nhiều công ty thủy sản khác đã bắt đầu sử dụng lượng tiền nhàn dỗi để tìm kiếm lợi nhuận trên thị trường chứng khoán.
Hiện tại, ngoài Vĩnh Hoàn, nhiều doanh nghiệp khác trong ngành thủy sản như Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC); Công ty CP Thủy sản Mekong (AAM) hay Công ty CP Xuất nhập khẩu Thủy sản Bến Tre (ABT) đều có các khoản đầu tư vào thị trường chứng khoán với giá trị từ vài tỷ cho tới vài chục tỷ đồng.
Trong đó, đây chủ yếu là các khoản đầu tư mới được giải ngân từ đầu năm 2020 đến nay.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/khi-doanh-nghiep-thuy-san-di-dau-tu-chung-khoan-a67566.html