Những khúc gấp ở Sacombank - Kỳ 2: Sacombank - ngân hàng của nhà đầu tư F0?

Khi nào thì bóng dáng nhóm nhà đầu tư ông Trầm Bê mới có thể khuất hẳn ở Sacombank và câu chuyện thâu tóm 'cá bé nuốt cá lớn' ly kỳ sẽ khép lại.

Sacombank có mạng lưới rộng, đặc biệt là khu vực miền Nam. Ảnh: Lê Toàn

Kỳ 2: Sacombank - ngân hàng của nhà đầu tư F0?

Hiện tại, các nhà đầu tư F0 dành cho cổ phiếu STB sự quan tâm đặc biệt. Họ chính là một trong những vị chủ nhân hiện tại và tương lai của thị trường tài chính Việt. Khi đó, bóng dáng nhóm nhà đầu tư ông Trầm Bê mới có thể khuất hẳn ở Sacombank và câu chuyện thâu tóm “cá bé nuốt cá lớn” ly kỳ sẽ khép lại.

Bước ngoặt đầu tiên

Tháng 8/2015, cơ quan quản lý ngành có những buổi làm việc quyết liệt với Sacombank về tái cơ cấu, xử lý khối nợ của nhóm nhà đầu tư liên quan đến ông Trầm Bê ở cả Sacombank, Southern Bank và một số tổ chức tín dụng khác. Trước các cuộc họp, Southern Bank đã xin được sáp nhập vào Sacombank.

Khi làm đề án tái cơ cấu sau sáp nhập Southern Bank vào Sacombank, dường như không ai nhìn thấy con đường để giải quyết tổng nợ gộp lại trong đó. Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lúc bấy giờ, ông Nguyễn Phước Thanh sau này nói lại trong một buổi trò chuyện: “Nếu thu được 20% lãi dự thu là mừng”.

Ngày cuối cuộc họp cuối diễn ra căng thẳng. Đại diện thanh tra NHNN vò đầu bứt tai. Vụ Pháp chế (NHNN) đã soạn thảo trước một văn bản, theo đó điểm mấu chốt là nhóm nhà đầu tư liên quan ông Trầm Bê phải ủy quyền 52,35% cổ phần STB cho NHNN hoặc tổ chức do NHNN chỉ định. Cổ phần thì ủy quyền hết, nhưng nghĩa vụ trả nợ thì nhóm nhà đầu tư vẫn phải gánh. Ông Trầm Bê cắc cớ: “Tài sản là cổ phiếu NHNN lấy, nợ chúng tôi chịu, vậy chúng tôi làm gì trả nợ?”

Những người trong Hội đồng Quản trị Sacombank đã khuyên ông Trầm Bê hợp tác với Nhà nước để giải quyết nợ, đừng đi theo “vết xe đổ” của những ngân hàng trước đấy, dẫn đến việc NHNN mua lại bắt buộc. Một trong số họ có mặt hôm ấy bày tỏ với NHNN ý muốn hợp tác của ông Trầm Bê. Người đứng đầu cơ quan quản lý đáp: “Chúng tôi cũng mong như vậy”.

Cuối cùng, các bên thống nhất ủy quyền là quyền biểu quyết, quyết định các vấn đề quan trọng về quản trị, không ủy quyền sở hữu. Quyền sở hữu 52,35% cổ phần STB vẫn của nhóm nhà đầu tư liên quan ông Trầm Bê.

Ngày 13/8/2015, NHNN phát đi thông cáo báo chí về việc “ông Trầm Bê hiện là Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị Sacombank tự nguyện cam kết ủy quyền không hủy ngang, vô thời hạn cho NHNN hoặc tổ chức, cá nhân do NHNN chỉ định thực hiện đầy đủ các quyền của cổ đông theo quy định của pháp luật đối với toàn bộ số cổ phần tại Sacombank, Southern Bank và ngân hàng sau sáp nhập thuộc quyền sở hữu của ông Trầm Bê và các bên có liên quan. Như vậy, ông Trầm Bê sẽ không tham gia quản trị, điều hành ngân hàng sau sáp nhập”.

Động thái này đã mở ra một chương mới mang tính bước ngoặt cho việc tái cơ cấu Sacombank. Ở đây, cần phải ghi nhận sự đóng góp công sức không nhỏ của ông Dương Công Minh, Chủ tịch Sacombank hiện nay trong việc vận động các cấp quản lý của Nhà nước thông qua đề án tái cơ cấu ngân hàng.

Trong đề án tái cơ cấu Sacombank, có một điều khoản yêu cầu Ngân hàng định giá cổ phiếu STB của nhóm ông Trầm Bê. Quan điểm của NHNN được thể hiện rõ: Nhà nước đưa ra cơ chế để giải quyết, thì lợi ích cổ phiếu tăng giá là của Nhà nước. Vấn đề là định giá cổ phiếu STB thế nào. Thị giá cổ phiếu STB trên HoSE năm 2015 không phản ánh đầy đủ tiềm năng xử lý nợ của Ngân hàng. Chính vì thế, việc quyết định cho phép xử lý (bán) lượng cổ phiếu ủy quyền nói trên thuộc Thủ tướng Chính phủ.

Vận may còn lại

Trước khi ông Trầm Bê ra khỏi Sacombank, có khá nhiều mối quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài cũng như trong nước về việc tham gia vào ngân hàng với tư cách cổ đông lớn. Một số tập đoàn tài chính ngoại đánh tiếng về việc mua lại cổ phần của nhóm ông Trầm Bê tại Sacombank với giá từ 3 đến 4 chấm, đủ cho ông Trầm Bê trả nợ gốc và một phần lãi số tiền vay để mua cổ phiếu trước đây.

Đại diện cấp cao NHNN, trong một cuộc trả lời phỏng vấn của tôi tại thời điểm đó, đã nói, ông tin Sacombank sẽ tái cơ cấu được vì hai lý do. Thứ nhất, tài sản đảm bảo cho các khoản vay ở Sacombank chủ yếu là bất động sản, rất có giá trị khi nhìn về tương lai 5 năm tới, lúc giá nhà đất phục hồi. Thứ hai, Sacombank có mạng lưới rộng, đặc biệt là khu vực miền Nam. Nếu cổ đông ngoại nào đó nắm quyền chi phối Sacombank, phát triển ngân hàng số kết hợp với mạng lưới truyền thống, có thể tác động đến việc huy động vốn trên thị trường tiền tệ. Đây là điều cơ quan quản lý không thể không để ý đến.

Nhận định trên của NHNN tỏ ra có cơ sở khi từ giữa năm 2017, Sacombank có dàn lãnh đạo mới và tốc độ xử lý nợ xấu được đẩy nhanh. Những khoản vay lớn đầu tiên được bóc gỡ thông qua việc phát mãi tài sản thế chấp là đất đai. Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán phục hồi, cổ phiếu ngân hàng, trong đó có cổ phiếu STB, bước vào “làn sóng thứ hai” - làn sóng tăng trưởng mới.

Lần này, vận may đã thực sự mỉm cười với nhóm nhà đầu tư ông Trầm Bê. Cổ phiếu STB thế chấp ở một số tổ chức tín dụng khác như KienLongBank đã được giải quyết bằng cách giao dịch thỏa thuận với một số tổ chức, cá nhân, sau đó các đối tác mua thỏa thuận mang ra bán lại trên sàn. Các nhà đầu tư F0 đã dành cho cổ phiếu STB sự quan tâm mà không phải cổ phiếu ngân hàng nào cũng có được. Chỉ trong một thời gian ngắn, số lượng cổ đông của Sacombank tăng gấp đôi, hiện tại khoảng 100.000 người. Sacombank trở thành doanh nghiệp niêm yết đại chúng nhất trên sàn xét về số lượng cổ đông.

Trong hơn một năm qua, sức hút cổ phiếu STB ngày càng lớn. Có những phiên STB khớp lệnh 100 triệu đơn vị, mức thanh khoản mà nhiều cổ phiếu khác mơ ngày ước đêm. Tin tức thị trường cũng chuyển động quanh cục cổ phiếu 32,5% mà nhóm ông Trầm Bê còn quyền sở hữu nhưng không có quyền biểu quyết.

Tin nhóm này nhóm kia thâu tóm Sacombank thêm một lần lan rộng trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, đồn thổi vẫn chỉ là đồn thổi. Tôi đã đặt câu hỏi về Sacombank với đại diện một số nhóm nhà đầu tư liên quan đến tin đồn trên thị trường. Câu trả lời nhận được là những cái lắc đầu. Thời nay, kinh doanh ngân hàng đã khác. Họ không cần phải bỏ ra một khoản tiền quá lớn, cả tỷ đô la Mỹ để đặt chân vào vị trí “ông chủ” Sacombank. Hấp lực kinh doanh ngân hàng đang thể hiện trên nhiều góc độ, ở nhiều ngân hàng mà tốc độ phát triển cũng như quy mô cao hơn Sacombank. Hà cớ gì cứ phải “lao vào” một ngân hàng vốn không ít “dớp”, như một vài nhóm nhà đầu tư coi trọng tâm linh nhìn nhận Sacombank?

Làn sóng thứ hai của cổ phiếu ngân hàng mới chỉ đi được một đoạn đường. Chứng khoán có thời điểm chùng xuống, nhưng nhìn về lâu dài sẽ tiếp tục vươn cao cho mốc 2.000 điểm trong những năm tới. Hòa vào dòng chảy tăng trưởng chung của thị trường, cục cổ phiếu 32,5% của STB rồi sẽ được xử lý trên sàn với sự tham gia của đông đảo nhà đầu tư. Sacombank sẽ thành ngân hàng của các nhà đầu tư F0 - một trong những vị chủ nhân hiện tại và tương lai của thị trường tài chính Việt. Khi đó, bóng dáng nhóm nhà đầu tư ông Trầm Bê mới có thể khuất hẳn ở Sacombank và câu chuyện thâu tóm “cá bé nuốt cá lớn” ly kỳ sẽ khép lại.

Các nhà đầu tư F0 đã dành cho cổ phiếu STB sự quan tâm mà không phải cổ phiếu ngân hàng nào cũng có được. Chỉ trong một thời gian ngắn, số lượng cổ đông của Sacombank tăng gấp đôi, hiện tại khoảng 100.000 người. Sacombank trở thành doanh nghiệp niêm yết đại chúng nhất trên sàn xét về số lượng cổ đông.

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/nhung-khuc-gap-o-sacombank-ky-2-sacombank-ngan-hang-cua-nha-dau-tu-f0-a67578.html