Hà Nội cần làm gì để vùng xanh không chuyển đỏ sau 15/9?

Một trong những nhiệm vụ chính của Hà Nội là bảo vệ chắc vùng xanh, giữ cho ca nhiễm không lan ra cộng đồng khi bắt đầu lộ trình nới lỏng từng bước từ ngày 15/9.

Dich Covid-19 Ha Noi,  gian cach xa hoi Ha Noi anh 1

 

Sau gần 8 tuần chờ đợi, cuối cùng người dân thủ đô cũng có thể hy vọng trở lại trạng thái bình thường mới. Kế hoạch, phương án chi tiết về việc nới lỏng từng bước giãn cách xã hội đang được các sở, ngành và UBND Hà Nội cân nhắc.

Lãnh đạo TP chưa đưa ra thông tin cụ thể nào, song, người dân có thể hiểu được việc nới lỏng là bắt buộc, nhất là khi chiến lược "zero Covid" là không khả thi ở thời điểm này.

Chuyên gia cho rằng đây là thời điểm thích hợp để nới lỏng, song, nhiệm vụ chống dịch cũng sẽ nặng nề, khó khăn hơn khi người dân bắt đầu đổ ra đường.

Mở cửa nhưng phải an toàn

Ủng hộ phương án này, TS Nguyễn Thu Anh, Giám đốc Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock tại Việt Nam, cho rằng Hà Nội cần thận trọng, học tập từ thành công của nhiều nước cũng như tránh sai lầm họ từng mắc phải.

Theo thông tin được lãnh đạo Thành ủy và UBND Hà Nội đưa ra trước đó, việc nới lỏng giãn cách xã hội sau ngày 15/9 (hoặc 21/9) cơ bản vẫn theo nguyên tắc phân vùng 3 màu để bảo về thành quả chống dịch, phục hồi sản xuất.

Tuy nhiên, thay vì khoanh vùng đỏ toàn bộ nội đô như hiện nay, Hà Nội sẽ chia khu vực nguy cơ cao và rất cao ở phạm vi nhỏ hơn, có thể ở quy mô xã, phường hoặc tổ dân phố. Bên cạnh đó, một số hoạt động, dịch vụ không thiết yếu sẽ được TP cho vào danh mục được phép hoạt động.

Dich Covid-19 Ha Noi,  gian cach xa hoi Ha Noi anh 2

Một người dân ở quận Ba Đình quét mã QR khi đi chợ. Ảnh: Thạch Thảo.

Theo bác sĩ Thu Anh, việc quan trọng nhất khi nới lỏng là tính toán khu vực, bán kính phong tỏa sao cho phù hợp để giúp người dân ổn định, nhưng vẫn an toàn để không cho dịch bệnh có cơ hội lan ra ngoài. Theo đó, với chuỗi lây nhiễm còn phức tạp tại Thanh Xuân, Hoàng Mai, Đống Đa, Hai Bà Trưng, cần tiếp tục phong tỏa chặt, hạn chế đi lại, tiếp xúc.

"Thay vì khoanh theo địa giới hành chính, ta cần khoanh theo đường đi của chuỗi lây nhiễm. Từ đó, quận, huyện đưa ra phán đoán xem dịch bệnh có thể xuất hiện tiếp theo ở nơi nào để chuẩn bị trước", bà đề xuất.

Tại vùng đỏ, người dân phải thường xuyên được xét nghiệm, 3-5 ngày/lần, đến khi nào chính quyền cơ sở tự tin rằng vùng đó đã sạch thì có thể thu hẹp hoặc thậm chí chuyển sang trạng thái nguy cơ thấp hoặc bình thường.

Từ ngày 6/9, biện pháp giãn cách theo 3 vùng giúp TP bảo vệ huyện vùng xanh, vàng. Tuy nhiên, theo số liệu của CDC Hà Nội, số ca nhiễm cộng đồng vẫn chưa về 0.

Nói về việc này, bác sĩ Thu Anh cũng cho rằng F0 phát hiện qua sàng lọc ho sốt có thể là nguy cơ thường trực khi người dân được phép di chuyển. Vì vậy, bà đề nghị TP cấp phát test nhanh Covid-19 miễn phí cho chung cư, tổ dân phố và cửa hàng thuốc để người dân có thể tự xét nghiệm tại nhà, giúp sớm phát hiện ca cộng đồng.

Cần 80-90% dân số trên 18 tuổi tiêm 2 mũi

Sở Y tế Hà Nội cho biết đến 12h ngày 14/9, Hà Nội đã tiêm được 127.093 mũi vaccine phòng Covid-19. Cộng dồn, toàn thành phố đã tiêm được 4,85 triệu mũi tiêm. Song, số người được tiêm 2 mũi vẫn đạt tỷ lệ rất thấp, xấp xỉ 4%.

Khẳng định đây là kết quả tích cực, song, bà Thu Anh cho rằng với biến chủng Delta, phủ rộng vaccine 2 mũi đạt 80-90% mới thực sự phát huy hiệu quả.

Theo đó, khi mở cửa các loại hình dịch vụ, nguy cơ dịch bùng phát trở lại luôn thường trực, TP cần tính giải pháp để hạn chế mức thấp nhất F0 chuyển nặng, tử vong, giảm áp lực lên hệ thống y tế. Và hầu hết quốc gia sống chung an toàn với dịch bệnh đều có độ bao phủ vaccine rất lớn, đặc biệt là độ tuổi trên 65.

"Hà Nội là trung tâm của mọi quan hệ, giao dịch, hành chính. Việc tập trung vaccine cho Hà Nội là nhiệm vụ sống còn để duy trì cho trái tim của cả nước khỏe mạnh, cũng như giúp các địa phương khác cùng phục hồi", bà Thu Anh nói.

Dich Covid-19 Ha Noi,  gian cach xa hoi Ha Noi anh 3

Điểm tiêm vaccine ở quận Nam Từ Liêm tổ chức cả buổi tối để đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng. Ảnh: Nhật Sinh.

Và lá chắn cuối cùng là hệ thống y tế. Trước những bài học quá lớn từ Indonesia, Ấn Độ, Phillippines khi đương đầu với chủng Delta, bà Thu Anh cho rằng Hà Nội cần tự chuẩn bị cho mình một tâm thế sẵn sàng. Hệ thống giường điều trị, thiết bị y tế, vật tư, thuốc men phải thực sự đầy đủ cho những kịch bản xấu, rất xấu, tuyệt đối không để bị động như TP.HCM trước đó.

"Số giường bệnh, số cơ sở thu dung đã đạt những con số ấn tượng. Nhưng liệu khi kịch bản xấu xảy ra, năng lực thực tế đáp ứng được bao nhiêu phần trăm. Máy thở, bình oxy, nhân lực hồi sức, cấp cứu phải được tính hết sức chi tiết", bà Thu Anh nói. Bà cũng nhấn mạnh TP cần xây dựng ngay phương án cách ly F1 và điều trị F0 tại nhà. Khi dịch bệnh vượt ngoài tầm kiểm soát mới bắt đầu triển khai thì chắc chắn sẽ bị động, lúng túng.

Trao đổi với báo chí trước đó, Bí thư Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh công tác phòng, chống dịch Covid-19 vẫn đang đặt ra những khó khăn, thách thức lớn. Ông yêu cầu xem xét, đánh giá để nới lỏng, nhưng tinh thần là tuyệt đối không chủ quan, lơ là.

"Coi phòng chống dịch là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu; bảo vệ sức khỏe và an toàn tính mạng của người dân là trên hết, trước hết", ông Dũng quán triệt.

Ông Dũng yêu cầu các cấp, ngành tận dụng từng phút, từng giờ để đạt mục tiêu tiêm chủng bảo đảm chất lượng, hiệu quả cao. Sở Y tế điều phối công tác tiêm vaccine nhịp nhàng, hiệu quả; vaccine về đến đâu tiêm ngay cho người dân đến đó để hoàn thành mục tiêu tiêm mũi 1 cho toàn bộ người dân từ 18 tuổi.

 

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/ha-noi-can-lam-gi-de-vung-xanh-khong-chuyen-do-sau-159-a67614.html