Báo cáo tài chính bán niên của Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai (DLG) công bố ngày 14/9 thể hiện ý kiến của đơn vị kiểm toán về khả năng hoạt động liên tục của doanh nghiệp này. Cụ thể, Đức Long Gia Lai lỗ lũy kế hơn 842 tỷ đồng tính đến cuối tháng 6 trong khi các khoản nợ ngắn hạn đã vượt tổng tài sản ngắn hạn gần 240 tỷ đồng.
Tổng nợ của công ty hiện trên 5.600 tỷ đồng, trong đó có nhiều khoản quá hạn thanh toán với tổng giá trị ước tính hơn 1.800 tỷ đồng. Các chủ nợ lớn là BIDV, Vietinbank, Sacombank. Một số khoản nợ được đảm bảo bằng tài sản cá nhân của vợ chồng ông Bùi Pháp – Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty.
Đức Long Gia Lai nợ quá hạn hơn 1.800 tỷ đồng, bị nghi ngờ khả năng hoạt động. (Ảnh minh họa)
Nợ lớn nhưng Đức Long Gia Lai vẫn dành khoảng 26% tổng tài sản, tương đương 2.410 tỷ đồng để cho các tổ chức và cá nhân vay. Khoảng 1.190 tỷ đồng trong số này là các khoản vay ngắn hạn, phần còn lại cho vay dài hạn 36-60 tháng với lãi suất dao động 7-11,8% một năm.
Phía kiểm toán cũng lưu ý việc công ty cho vay khoản tiền lớn nhưng tất cả đều không có tài sản đảm bảo hoặc bảo lãnh của bên thứ ba.
Giải trình về vấn đề cần nhấn mạnh của đơn vị kiểm toán là Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn Chuẩn Việt về các khoản cho vay nêu trên không có tài sản đảm bảo hoặc bảo lãnh của bên thứ ba, Ban lãnh đạo Đức Long Gia Lai cho rằng, công ty thực hiện theo đúng Điều 26 của Nghị định 71.
Đầu tháng 2/2021 HĐQT Công ty đã có quyết định thông qua chủ trương thực hiện các hợp đồng, giao dịch với các doanh nghiệp và người có liên quan. Tất cả các khoản vay đều có giá trị nhỏ hơn 35% tổng giá trị tài sản tại Báo cáo tài chính soát xét bán niên năm nay.
Kết quả kinh doanh nửa đầu năm nay so với cùng kỳ năm ngoái của Đức Long Gia Lai.
Còn sự nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục, Ban lãnh đạo Đức Long Gia Lai cho biết, công ty đang xây dựng phương án cấu trúc toàn diện tình hình tài chính và lên kế hoạch thoái vốn các khoản đầu tư kém hiệu quả, kiểm soát chặt chi phí để đảm bảo nguồn thu theo kế hoạch.
Công ty cũng muốn đẩy nhanh tiến độ pháp lý các dự án thủy điện, điện mặt trời và điện gió để tìm kiếm đối tác huy động vốn hoặc chuyển nhượng một phần dự án chậm nhất vào cuối năm 2023 để có tiền tất toán nợ quá hạn. Ngoài ra, công ty cũng sẽ thu hồi công nợ và đàm phán với ngân hàng để cơ cấu nợ gốc, miễn giảm lãi.
Nửa đầu năm nay, Đức Long Gia Lai ghi nhận doanh thu thuần hơn 900 tỷ đồng và tăng khoảng 11% so với cùng kỳ. Mảng linh kiện điện tử chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu doanh thu, tiếp đến là thu phí BOT, bán đá, sản phẩm nông nghiệp và điện thương phẩm.
Công ty thu hơn 110 tỷ đồng tiền lãi cho vay, nhưng cũng phải trả trên 180 tỷ đồng chi phí lãi vay các bên. Đây là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận bị ăn mòn, chỉ còn lãi sau thuế 23 tỷ đồng.
Công ty đặt mục tiêu năm nay có doanh thu 2.000 tỷ đồng và lãi sau thuế 50 tỷ đồng, cắt đứt mạch lỗ hai năm trước. Năm ngoái công ty có doanh thu 2.030 tỷ đồng nhưng lỗ sau thuế trên 930 tỷ đồng, thổi bay toàn bộ lợi nhuận tích lũy các năm trước.
Chia sẻ tại đại hội đồng cổ đông thường niên cuối tháng 6, ban lãnh đạo cho biết công ty đang tập trung vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng, năng lượng, sản xuất thiết bị điện tử, đầu tư bất động sản và nông nghiệp. Định hướng này được ban lãnh đạo cho rằng "đúng đắn và phù hợp", nhưng vì dịch bệnh và thiên tai kéo dài nên hoạt động những năm gần đây bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Cổ phiếu DLG vẫn trong diện cảnh báo từ tháng 5/2020 đến nay.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/cong-ty-duc-long-gia-lai-no-qua-han-hon-1800-ty-dong-a67617.html