Cầu 8.900 tỷ theo hình thức BOT
UBND TP. Hà Nội vừa chấp thuận giao Công ty cổ phần Him Lam lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cầu Trần Hưng Đạo theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy định.
Theo đó, dự án có tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 5,5 km, mặt cắt cầu 6 làn xe cơ giới. Đoạn cầu dẫn phía Hoàn Kiếm có quy mô 1 làn xe đi thẳng vào đường Trần Hưng Đạo và 4 làn xe rẽ tiếp cận vào đường đê Trần Khánh Dư. Đoạn cầu dẫn phía Long Biên có quy mô 4 làn xe. Điểm đầu phía quận Hoàn Kiếm tại ngã năm Trần Hưng Đạo - Trần Thánh Tông, điểm cuối giao cắt với đường Nguyễn Văn Linh thuộc địa bàn phường Gia Thụy, quận Long Biên.
Tổng vốn đầu tư dự án dự kiến hơn 8.900 tỷ đồng. Trong đó, vốn nhà nước chiếm 50%, vốn nhà đầu tư BOT chiếm 50%. Thời gian thu phí hoàn vốn dự kiến khoảng 20 năm, tiến độ thực hiện dự án từ năm 2022-2025.
Chiều 13/9, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông cũng đã trình UBND TP. Hà Nội phê duyệt phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo.
Theo đó, Hội đồng tuyển chọn phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo đã đánh giá, xếp hạng từng phương án do Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) đề xuất.
Cụ thể, phương án 1 là cầu Extrados bê tông cốt thép hiện đại (cầu dầm cáp hỗn hợp) mang phong cách hiện đại, đường nét khỏe khoắn, tạo hình mạnh mẽ, lấy cảm hứng từ võ khí và quân phục Việt cổ. Kết cấu chính sử dụng 5 trụ tháp kết hợp với dây văng, trong đó trụ chính giữa thiết kế tạo điểm nhấn, 4 trụ hai bên đối xứng hai bên trụ chính.
Phương án 2 là cầu vòm thép kết hợp dây văng tạo hình cách hạc bay. Cầu gồm 3 vòm chính mềm mại tương phản với 4 tháp nghiêng hai bên tạo thành sự thống nhất giữa các mặt đối lập, như tinh thần hài hòa âm dương.
Phương án 3 cầu dầm hộp bê tông cốt thép dự ứng lực kết hợp trụ tháp kiểu cổ điển. Kiến trúc cầu mang phong cách cổ điển xứ Đông Dương kết nối trục cảnh quan đường Trần Hưng Đạo với các công trình kiến trúc kiểu Pháp, bờ bắc khu vực phát triển mới bắc sông Hồng. Phương án mang dáng vẻ cổ điển, là sự gợi nhớ về vẻ đẹp cổ kính.
Phương án 1 và 2 chỉ có 1/15 thành viên Hội đồng lựa chọn. Trong khi đó, phương án 3 có tới 13/15 thành viên Hội đồng chọn. Như vậy phương án 3 được Hội đồng lựa chọn để triển khai các bước tiếp theo.
Ai là người quyền lực nhất Him Lam?
Theo tìm hiểu của Phóng viên, ông Dương Công Minh là nhà sáng lập, Chủ tịch tập đoàn Him Lam giai đoạn 1997 – 2018.
Ông Dương Công Minh sinh ngày 10/05/1960 tại Quế Võ, Bắc Ninh trong gia đình có truyền thống cách mạng. Sau khi tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân năm 1984, ông Dương Công Minh đi nghĩa vụ quân sự. Trong một buổi tọa đàm, ông Minh từng đính chính rằng: “Báo chí đều nói tôi là đại tá, trung tá nhưng tôi là trung úy quân đội, tức là đi nghĩa vụ quân sự là thiếu úy ra quân là trung úy”.
Sau khi xuất quân, trong một lần lên Lạng Sơn chơi với người bạn, ông thấy thương lái Trung Quốc đi mua chuối. Sau đó, ông Minh và người bạn này liền bàn về xuất khẩu chuối sang Trung Quốc.
Ông từng nói rằng, có những cơ hội nhưng không đến tự nhiên, mà phải có ý chí, ý tưởng mới ra cơ hội. Sau xuất khẩu chuối, ông Minh với bạn lại tiếp tục xuất khẩu xoài, thanh long.
Ngày đó, xoài thứ hoa quả rất hiếm chứ không phải sản xuất hàng hóa như bây giờ, chủ yếu tự cung tự tiêu là chính. Xuất khẩu đi Pháp một năm chỉ 5 đến 10 tấn, trong khi thương lái Trung Quốc lại mua rất nhiều xoài. Tuy nhiên, sau đó, ông “phá sản” vì kinh doanh xoài và cái biệt danh Minh “xoài” cũng gắn với ông từ đó.
Năm 1994, ông thành lập Công ty Him Lam. Thời đó, Him Lam là một trong những doanh nghiệp tư nhân đầu tiên kinh doạnh bất động sản tại TP. HCM. Ông Minh cũng chia sẻ rằng cái tên Him Lam là địa danh gắn với chiến dịch Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu.
Nói về Him Lam, Chủ tịch Dương Công Minh cho biết mong muốn của doanh nghiệp là tạo ra những khu đô thị, tiểu thành phố như Vingroup. “Sau Vingroup, chắc chắn Him Lam sẽ là doanh nghiệp thứ 2 tại Việt Nam làm theo mô hình đô thị hoàn chỉnh vài trăm ha”, ông nhấn mạnh.
Hiện nay, Him Lam của ông Minh là một “ông lớn” trong lĩnh vực địa ốc, với hơn 30 đơn vị thành viên và công ty liên kết hoạt động trên nhiều lĩnh vực tập trung ở Hà Nội, TP.HCM và một số địa phương khác.
Theo Vietimes, ông Dương Công Minh hiện không nắm giữ trực tiếp cổ phần tại CTCP Him Lam hay Him Lam Land – hai pháp nhân lõi trong “hệ sinh thái” của tập đoàn Him Lam - kể từ khi tham gia vào Sacombank.
Tại đại hội thường niên Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín sáng 30/6/2017, ông Dương Công Minh, Thành viên HĐQT đã trở thành tân Chủ tịch Sacombank với tỷ lệ phiếu bầu cao nhất, tới hơn 198% (tính trên quyền biểu quyết), thay ông Kiều Hữu Dũng đạt tỷ lệ 66,4%. Bà Lê Thị Hoa giành được hơn 93,5% số phiếu bầu. Ông Phạm Văn Phong, Nguyễn Miên Tuấn, Nguyễn Xuân Vũ đạt lần lượt 65,4%, 72,5%, 65,5%.
Mặc dù ông Minh đã chuyển sang “game” Sacombank, tuy nhiên, thị trường bấy lâu nay vẫn đồn đoán về một mối liên hệ kín đáo và kín kẽ còn tồn tại giữa ông Minh và tập đoàn này, mặc dù chưa ai có thể đưa ra một bằng chứng xác đáng.
Những lời “đồn đoán” đó cũng có lý khi người em gái của ông Minh đang là Thành viên HĐQT của CTCP Him Lam, còn người anh họ Trần Văn Tĩnh (SN 1954) tính đến cuối năm 2018 vẫn giữ ghế Chủ tịch HĐQT của Him Lam và Him Lam Land. Hay hình bóng của Him Lam ở một dự án hàng nghìn tỷ đồng mà Sacombank đã rao bán trong một ví dụ xử lý nợ xấu dưới thời ông Dương Công Minh.
Trước khi sang Sacombank, tại ĐHĐCĐ bất thường của ngân hàng vào chiều 5/6/2017, ông Dương Công Minh đã từ nhiệm với lý do cá nhân, để tập trung cho các dự án, khoản đầu tư mới của Công ty Him Lam.
Nhiều tai tiếng?
Cách đây không lâu, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội đã ban hành văn bản về việc dừng triển khai thực hiện 82 dự án theo hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT).
Lý do dừng triển khai các Dự án nêu trên do theo quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (có hiệu lực thi hành từ 1/1/2021), đối với dự án áp dụng loại hợp đồng BT dừng triển khai dự án mới, dừng thực hiện dự án chưa phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu.
Một trong những cái tên đáng chú ý có tên trong danh sách trên đó là Công ty CP Him Lam với hai dự án BT bị dừng triển khai.
Công ty CP Him Lam là nhà đầu tư của Dự án Vành đai 3,5: Xây dựng nút giao khác mức giữa đường vành đai 3,5 với Đại lộ Thăng Long theo hình thức BT (Quy mô: Cầu vượt và đảo xoay 3 tầng). Đây là dự án đã phê duyệt chủ trương đầu tư, đang hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi.
Một dự án khác của Công ty CP Him Lam cũng bị dừng triển khai thực hiện và chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư, đó là Dự án Cầu Trần Hưng Đạo qua Sông Hồng theo hình thức BT (Quy mô: 3km x 20m).
Trước đó, hàng loạt sai phạm như phê duyệt sai quy trình, trái thẩm quyền, chưa thu tiền sử dụng đất… xảy ra tại dự án Khu đô thị Sài Gòn Bình An (Him Lam City - phường An Phú, TP Thủ Đức).
Được biết, tháng 6/2019, SDI tiến hành tăng mạnh vốn điều lệ từ mức 845 tỷ đồng lên thành 3.845 tỷ đồng, với hầu hết cổ phần thuộc sở hữu của Công ty CP kinh doanh Địa ốc Him Lam (thuộc Tập đoàn Him Lam của địa gia Dương Công Minh).
Theo Kết luận Thanh tra (KLTT) của Thanh tra Chính phủ, dự án Khu đô thị Sài Gòn Bình An (KĐT Sài Gòn Bình An - còn được gọi là Him Lam Bình An, Him Lam City) do Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Sài Gòn (Công ty SDI) làm chủ đầu tư và thực hiện giải phóng mặt bằng.
Năm 2001, dự án này được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch là Khu liên hợp sân golf - thể thao và nhà ở. Sau đó, ngày 15/2/2017, Thủ tướng có văn bản chấp thuận cho điều chỉnh thành dự án khu đô thị với tổng diện tích 1.174.221,9m².
Tuy nhiên, qua thanh tra cho thấy, ngày 30/11/2015, UBND TP.HCM phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 Khu đô thị Sài Gòn Bình An, phường An Phú, Quận 2 (nay là TP Thủ Đức). Trong đó, phê duyệt tầng cao xây dựng tối đa 30 tầng trước khi có Văn bản số 305/TC-QC ngày 01/9/2016 của Cục Tác chiến, Bộ Tổng tham mưu về việc chấp thuận độ cao tĩnh không xây dựng công trình là không đúng trình tự, quy định tại khoản 5 Điều 4 Nghị định 20/2009/NĐ-CP của Chính phủ.
Chưa dừng lại ở đó, UBND TP.HCM không phê duyệt diện tích sàn dành cho đậu xe đối với khối nhà ở, nhà chung cư kết hợp thương mại, dịch vụ là chưa phù hợp quy định và đảm bảo diện tích đỗ xe được quy định tại điểm 3, khoản 2.8.6, Mục 2.8, Chương II của Quy chuẩn Xây dựng Việt Nam.
Ngoài ra, theo Thanh tra Chính phủ, do thay đổi hướng tuyến đường dẫn cao tốc Sài Gòn - Long Thành - Dầu Giây, dẫn đến việc chồng lấn ranh quy hoạch của dự án Khu đô thị Sài Gòn Bình An đã được Thủ tướng giao đất năm 2001. Trong đó, có 7.228,3m² thuộc dự án được UBND Quận 2 đền bù trước đó nhưng không sử dụng do thay đổi hướng tuyến đường.
Vào giữa năm 2019, Thanh tra Bộ Xây dựng cũng đã chỉ ra hàng loạt sai phạm tại dự án sân Golf và dịch vụ Long Biên. Chủ sở hữu của sân Golf này là CTCP đầu tư Long Biên (LOBICO).
Được biết, LOBICO được thành lập vào tháng 6/2006, trụ sở đặt tại phường Phúc Đồng, quận Long Biên, Hà Nội. Số vốn điều lệ ban đầu ở mức 200 tỷ đồng và các cổ đông sáng lập gồm Công ty TNHH một thành viên đầu tư và phát triển Trường An (Bộ Quốc phòng), Công ty TNHH Him Lam (nay là CTCP Him Lam), Tổng CTCP Thương mại Xây dựng, Công ty TNHH xây dựng và thương mại Thành Nam và Công ty TNHH đầu tư xây dựng Bảo Lộc.
Vào tháng 3/2014, cơ cấu vốn cổ phần của LOBICO đã có sự thay đổi quan trọng khi chỉ còn ba cổ đông lớn gồm hai cổ đông cá nhân và một doanh nghiệp. Trong đó Công ty Trường An vẫn nắm giữ 15%, ông Trần Văn Tĩnh - Tổng Giám đốc CTCP Him Lam nắm 48,5% và bà Dương Thị Liêm - thành viên HĐQT CTCP Him Lam nắm 36,5%. Lưu ý rằng, ông Tĩnh và bà Liên lần lượt là anh họ và em ruột của ông Dương Công Minh (chủ tịch HĐQT CTCP Him Lam).
Đến tháng 11/2014, LOBICO đã tăng vốn điều lệ lên 950 tỷ đồng và Công ty Trường An không còn là cổ đông. Một cổ đông mới xuất hiện là bà Lê Thị Bích Ngọc (Giám đốc khối kinh doanh tại CTCP Him Lam) nắm 26,5%. Như vậy, chủ sở hữu lúc này của 2 sân golf tại Long Biên và Tân Sơn Nhất chính là nhóm Him Lam.
Trở lại những vi phạm của sân Golf Long Biên, Thanh tra Bộ Xây dựng khẳng định, về trật tự xây dựng, chủ đầu tư xây dựng công trình trên diện tích đất không nằm trong giấy chứng nhận đầu tư, không có giấy phép xây dựng.
Ngoài ra Bộ Xây dựng còn chỉ ra hàng loạt vi phạm khác như: Chủ đầu tư không có hồ sơ cắm mốc giới theo quy hoạch được duyệt; Không có hồ sơ lấy ý kiến về thiết kế cơ sở của cơ quan quản lý nhà nước để tổ chức thẩm định dự án. Khởi công xây dựng công trình không đáp ứng các điều kiện khởi công, chưa có bản vẽ thiết kế thi công được phê duyệt. Chủ đầu tư chưa có hợp đồng thuê đất hoặc quyết định cho thuê đất để đầu tư xây dựng dự án sân golf và dịch vụ Long Biên theo quy hoạch chi tiết xây dựng với diện tích 85,77ha.
Năm 2018, Kiểm toán nhà nước đã chỉ ra hàng loạt sai phạm tại dự án BT nút giao Long Biên mà chủ đầu tư là Công ty CP Him Lam. Cụ thể, về việc lập, thẩm định, phê duyệt dự toán, khối lượng dự toán bước thiết kế kỹ thuật chưa chính xác; công tác điều tra, khảo sát giải phóng mặt bằng không chính xác; công tác điều chỉnh giá tại các gói thầu do biến động giá, chưa được nhà đầu tư và các nhà thầu thực hiện theo quy định của các hợp đồng xây lắp…
Kiểm toán kết luận: “Tổng mức đầu tư báo cáo dự án là 2.379,7 tỷ đồng, nhưng qua kiểm tra, giá trị KTNN xác nhận chỉ 1.300,4 tỷ đồng, chênh đến 1.079,3 tỷ đồng”.
Công ty cổ phần Him Lam được thành lập ngày 1 tháng 9 năm 1994 trên cơ sở chuyển đổi từ Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại Him Lam. Tính đến nay, Him Lam đã tiến hành đầu tư và xây dựng trên 70 dự án nhà ở, Khu đô thị mới. Được biết, từ một công ty kinh doanh địa ốc đến nay Him Lam đã trở thành một công ty lớn với 30 đơn vị thành viên và công ty liên kết hoạt động trên nhiều lĩnh vực như kinh doanh bất động sản, tài chính ngân hàng, khu vui chơi giáo trí, sân golf tiêu chuẩn quốc tế…tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và nhiều địa phương khác.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/him-lam-dn-duoc-giao-nghien-cuu-tien-kha-thi-cau-8900-ty-tung-lam-nhung-du-an-nao-a68105.html