DIC Corp đang cần nguồn vốn lớn để khai thác quỹ đất sạch 8.000 ha. Ảnh: Dũng Minh.
Cổ đông lớn giảm tỷ lệ sở hữu
Từ đầu tháng 8/2021 tới nay, hai cổ đông lớn của DIC Corp (mã DIG) là Công ty cổ phần Kinh doanh địa ốc Him Lam và Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Thiên Tân đã liên tục bán ra cổ phiếu để giảm sở hữu.
Cụ thể, từ ngày 17/8 - 27/8/2021, Công ty cổ phần Kinh doanh địa ốc Him Lam đã bán ra 14.937.200 cổ phiếu DIG, giảm sở hữu từ 21,49% về còn 16,7%. Trong khi đó, từ ngày 10/8 - 31/8/2021, Thiên Tân đã bán ra 17.228.800 cổ phiếu DIG để giảm sở hữu từ 20,44% về còn 14,77%.
Cả hai cổ đông lớn này đều mới mua vào và trở thành hai cổ đông lớn nhất của DIG giai đoạn cuối năm 2020, đầu năm 2021 khi nhóm cổ đông Chứng khoán Bản Việt và Quỹ Dragon Capital thoái vốn.
Các giao dịch không được công bố giá mua cụ thể, tuy nhiên, tính theo giá thị trường ngày 2/12/2020, ước tính, Công ty cổ phần Kinh doanh địa ốc Him Lam bỏ ra khoảng 1.265,2 tỷ đồng để mua vào 67,69 triệu cổ phiếu DIG, vùng giá mua ước tính 18.690 đồng/cổ phiếu.
Còn Thiên Tân mua vào cổ phiếu DIG theo hai lần, lần thứ nhất mua 47,2 triệu cổ phiếu vào ngày 2/12/2020, lần thứ hai mua 7,5 triệu cổ phiếu vào ngày 5/1/2021. Tính theo giá thị trường, Thiên Tân bỏ ra 1.065,68 tỷ đồng để sở hữu 54,7 triệu cổ phiếu DIG, giá mua ước tính là 19.484 đồng/cổ phiếu.
Nếu tính theo mức giá đóng cửa của cổ phiếu DIG trong các phiên bán ra, ước tính Địa ốc Him Lam thu về 489,6 tỷ đồng từ việc thoái hơn 14,9 triệu cổ phiếu, tăng 75,4% so với giá mua trung bình và lãi 210,4 tỷ đồng. Còn Thiên Tân thu về khoảng 558,27 tỷ đồng, tăng 66,3% so với giá mua trung bình và lãi 222,6 tỷ đồng.
Từ ngày 17/8 - 27/8/2021, Địa ốc Him Lam đã bán ra 14.937.200 cổ phiếu DIG, giảm sở hữu từ 21,49% về còn 16,7%.
Có thể thấy, chỉ sau gần 9 tháng mua vào cổ phiếu DIG, cả Địa ốc Him Lam và Thiên Tân đều đạt tỷ suất sinh lời khá cao cho khoản đầu tư.
Tuy vậy, việc cổ đông lớn Địa ốc Him Lam và Thiên Tân liên tiếp giảm tỷ lệ sở hữu khiến giới đầu tư hoài nghi về khả năng gắn bó giữa nhóm cổ đông lớn mới với DIG Corp trong thời gian tới.
Đặc biệt là khi cổ phiếu DIG đã tăng 60 - 70% so với thời điểm hai cổ đông này đầu tư vào (chốt phiên giao dịch ngày 15/9/2021 ở mức giá 32.100 đồng/cổ phiếu), có nhà đầu tư đặt nghi vấn, rất có thể hai cổ đông lớn sẽ tiếp tục chốt lời toàn bộ cổ phiếu để cụ thể hóa lợi nhuận, thay vì nắm giữ và chờ đợi trong tương lai không chắc chắn.
Khoảng cách giữa kỳ vọng và thực tế
Nhìn lại mối quan hệ hợp tác giữa Him Lam và DIC Corp, thời điểm tháng 9/2020, DIC Corp từng trình cổ đông kế hoạch hợp tác với Him Lam để đầu tư dự án Khu đô thị mới Bắc Vũng Tàu quy mô 90,5 ha, tổng vốn đầu tư 10.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, cổ đông của DIC Corp khi đó không đồng ý và kế hoạch hợp tác không được thực hiện.
Sau đó không lâu, Him Lam đã mua vào để sở hữu 21,49% vốn điều lệ tại DIC Corp và trở thành cổ đông lớn nhất của Công ty.
Ông Hoàng Văn Tăng, Tổng giám đốc DIC Corp từng chia sẻ về việc hợp tác với Him Lam: “Có nhiều doanh nghiệp bất động sản ngỏ ý muốn trở thành đối tác chiến lược trong phát triển dự án của Công ty. DIC Corp cũng đã tìm hiểu và nhận thấy Him Lam là một trong những doanh nghiệp bất động sản lớn và có uy tín hiện nay. Việc hợp tác với Him Lam sẽ tạo điều kiện cho hai bên sử dụng tối ưu lợi thế, cùng phát triển, mạnh hơn các dự án chiến lược của DIC Corp”.
DIC Corp sở hữu quỹ đất sạch rất lớn, lên tới 8.000 ha, ở các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Vĩnh Phúc, Kiên Giang, Hậu Giang, Hà Nam…, nhưng do tiềm lực tài chính giới hạn nên chưa thể triển khai đồng bộ nhiều dự án.
Trong khi đó, Him Lam với sức mạnh tài chính, cũng như có mối liên hệ tốt với LienVietPostBank và Sacombank. Vì vậy, việc Him Lam trở thành cổ đông lớn tại DIC Corp từng được giới đầu tư kỳ vọng có thể giúp DIC Corp huy động được nguồn vốn để sớm đẩy mạnh triển khai đồng bộ các dự án.
Năm 2021, DIC Corp lên kế hoạch thu xếp vốn 3.865 tỷ đồng để phát triển Khu đô thị mới Bắc Vũng Tàu, Khu phức hợp CSJ – giai đoạn 2, Khu nhà ở Lam Hạ Central Point…; phát hành 2.000 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ; chào bán 75 triệu cổ phiếu riêng lẻ để huy động 1.500 tỷ đồng…
Tuy vậy, báo cáo tài chính công bố gần nhất (báo cáo bán niên 2021) của DIC Corp cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, Công ty chỉ tăng thêm 263,8 tỷ đồng vay nợ ngắn hạn và dài hạn lên 1.778,5 tỷ đồng; vốn điều lệ tăng thêm 914 tỷ đồng lên 4.098,9 tỷ đồng. Công ty thuyết minh, trong 6 tháng đầu năm đã phát hành 31,8 triệu cổ phiếu trả cổ tức năm 2019 và 59,55 triệu cổ phiếu trả cổ tức năm 2020.
Như vậy, trái với kỳ vọng nhóm cổ đông mới có thể đẩy nhanh quá trình huy động vốn của DIC Corp, 6 tháng đầu năm cho thấy quá trình huy động vốn vẫn chưa diễn ra như kế hoạch.
Báo cáo tài chính của DIC Corp cũng cho thấy, tính tới ngày 30/6/2021, Công ty chỉ sở hữu 444,6 tỷ đồng tiền và đầu tư tài chính, chiếm 3,7% tổng tài sản. Với nguồn lực này, Công ty chưa thực hiện đền bù đất tại nhiều dự án. Với mặt bằng giá đất ngày một tăng cao, việc chậm trễ trong đền bù đất có thể dẫn tới tăng giá vốn các dự án phát triển sau này.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, các dự án của Công ty đang triển khai cũng không có chuyển biến đáng kể. Cụ thể, giá trị bất động sản dở dang gần như đi ngang 4.175,5 tỷ đồng so với đầu năm.
Trong đó, các dự án lớn như Khu đô thị mới Nam Vĩnh Yên tăng 9,58 tỷ đồng so với đầu năm lên 2.119,98 tỷ đồng; dự án Khu phức hợp Cap Saint Jacques tăng 91,4 tỷ đồng, lên 439,1 tỷ đồng; dự án Khu dân cư Phường 4, Hậu Giang tăng 57 tỷ đồng lên 366,1 tỷ đồng…
Hy vọng sự chuyển biến mạnh mẽ về nguồn vốn của DIC Corp trong nửa cuối năm trở nên mong manh hơn khi hai cổ đông lớn liên tục giảm tỷ lệ sở hữu. Khoảng cách giữa kỳ vọng của lãnh đạo DIC Corp cũng như giới đầu tư vào mối hợp tác với Him Lam và thực tế là rất xa.
Thực tế nêu trên cho thấy, những tin đồn về việc Him Lam và Thiên Tân mua cổ phần DIG bản chất chỉ là ông chủ nhóm công ty này đứng tên cổ phần giùm cho ông chủ của DIC Corp không hẳn là không có lý.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/dic-corp-him-lam-hop-tac-chien-luoc-hay-dung-ten-gium-chu-lon-a68694.html