Ở phiên giao dịch sáng, thị trường chứng khoán Việt Nam giao dịch khá tích cực với sự dẫn dắt của nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn, đặc biệt là nhóm cổ phiếu ngân hàng. Mở đầu phiên giao dịch, đã có lúc VN-Index bứt phá hơn 8 điểm, chỉ số VN30-Index cũng tăng hơn 10 điểm. Thị trường tăng trong bối cảnh nhà đầu tư lạc quan hơn khi nhiều tỉnh thành đã có những quyết định nới lỏng giãn cách, cùng việc đẩy nhanh độ phủ của vaccine.
Tuy nhiên, phiên giao dịch chiều nhiều cổ phiếu bắt đầu hạ nhiệt, và sau đó là đảo chiều giảm điểm đã khiến VN-Index từ sắc xanh đóng cửa giảm hơn 2 điểm, lùi về mốc 1.350 điểm. Trong khi đó, chỉ số VN30-Index lại đóng cửa tăng hơn 3 điểm, đóng cửa tại mốc 1.458 điểm. Độ rộng trên sàn HOSE hiện đang nghiêng về bên bán với 234 mã giảm điểm, tuy nhiên cũng không quá cách biệt đối với 197 mã tăng điểm. Nhóm VN30 cũng có sự phân hóa rõ, khi nhóm này có 15 mã giảm và chỉ 13 mã tăng điểm.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn giữ được sắc xanh khiến cho VN-Index chỉ đóng cửa giảm nhẹ. Ảnh: SSI.
Ở chiều tăng điểm, nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn đang đóng vai trò dẫn dắt khi VCB; VIB; TCB và MBB là những mã tác động tích cực nhất đối với thị trường, Tổng kết chung, nhóm ngân hàng đã tăng hơn 1,4% ở phiên giao dịch này, và là một trong số những nhóm ngành hiếm hoi giữ được sắc xanh. Ở chiều giảm điểm, cổ phiếu GAS; GVR; VHM; MSN và HPG là những mã tác động tiêu cực nhất đối với VN-Index.
Và nếu quan sát chi tiết hơn về diễn biến của thị trường, nhà đầu tư dễ dàng nhận thấy những cổ phiếu vốn hóa lớn có xu hướng “bị đạp” ở phiên chiều.
Tiêu biểu như GVR, nếu như phiên sáng cổ phiếu này được giao dịch quanh mốc từ 38-39.000 đồng/cổ phiếu, thì đến phiên chiều, bất ngờ giảm mạnh và đóng cửa giảm hơn 3%. Hay như cổ phiếu MSN, đã có lúc ở phiên sáng chạm mốc 148.500 đồng/cổ phiếu thì đến phiên chiều, lại đóng cửa giảm hơn 2,1% lùi về mốc 143.000 đồng/cổ phiếu. Hay như TPB; FPT; PLX; VJC;… đều là những mã bất ngờ giảm mạnh ở cuối phiên và tác động tiêu cực lên chỉ số chung VN-Index.
Nhìn về bức tranh dài của thị trường chứng khoán, Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư SSI Research đánh giá nhịp chỉnh từ ngày 19/8 có thể đã phản ánh một phần số liệu vĩ mô kém khả quan của tháng 8 và tâm lý nhà đầu tư cho thấy đã cân bằng hơn bằng nhịp hồi phục ngắn sau đó.
Theo SSI Research, định hướng và kế hoạch mở cửa lại nền kinh tế có thể là chỉ báo của thị trường. Mặc dù vậy, khi số ca nhiễm vẫn đang duy trì ở mức cao, đồng thời thị trường chứng khoán cần thêm các phiên xác nhận xu hướng, SSI Research cho rằng chỉ số VN-Index có thể vận động theo 2 kịch bản.
Ở kịch bản khả quan, định hướng và lộ trình mở cửa lại nền kinh tế được Chính phủ cụ thể hóa, tâm lý nhà đầu tư lạc quan. Nhịp điều chỉnh được xác nhận kết thúc khi chỉ số VN-Index phá vỡ thành công kháng cự 1.350 điểm đi cùng với khối lượng lớn, khi đó mục tiêu gần của chỉ số là khu vực 1.380 điểm. Tín hiệu để kịch bản này diễn ra là chỉ số VN30 hoặc phần lớn các cổ phiếu vốn hóa trụ cột thu hút dòng tiền trở lại.
Ở kịch bản thận trọng, tiến trình mở cửa lại nền kinh tế không như dự kiến sẽ tác động tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư do rủi ro triển vọng tăng trưởng lợi nhuận kém kéo dài. Chỉ số VN-Index có thể quay lại với trạng thái điều chỉnh, trước khi tìm kiếm điểm cân bằng tại vùng hỗ trợ 1.300 - 1.285 điểm và hồi phục trở lại.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/nhieu-co-phieu-lat-mat-khien-vn-index-dao-chieu-a68756.html