Tập đoàn Hòa Phát (Hòa Phát Group, mã HPG) là một trong những tên tuổi lớn của ngành thép Việt Nam. Theo kết quả kinh doanh hợp nhất 6 tháng đầu năm 2021, Hòa Phát Group đạt doanh thu gần 66.900 tỷ đồng, tăng 67% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế đạt 16.750 tỷ đồng, tăng 230%.
Hòa Phát Group gánh khoản nợ khủng tới hơn 85.824 tỷ đồng. (Ảnh: TTXVN).
Nhưng đi cùng kết quả kinh doanh ấn tượng, nợ vay của "ông lớn" này cũng tăng phi mã. Tính đến hết quý II, nợ phải trả của Hòa Phát Group là hơn 85.824 tỷ đồng, tăng 18,7%. Trong đó nợ vay ngắn hạn hơn 40.271 tỷ đồng, nợ vay dài hạn hơn 15.722 tỷ đồng, tăng hơn 1.850 tỷ đồng so với đầu năm. Nợ vay lớn khiến HPG phải trả tới 1.221 tỷ đồng lãi suất trong nửa đầu năm, tăng 22% so cùng kỳ 2020.
"Đế chế" hàng tiêu dùng trong nước là Masan Group (mã MSN) cũng đang gánh khoản nợ phải trả lên đến hơn 89.260 tỷ đồng, gồm 38.124 tỷ đồng nợ ngắn hạn và 51.235 tỷ đồng nợ dài hạn. Riêng nợ vay, trái phiếu phát hành, nợ thuê tài chính ngắn hạn là hơn 20.172 tỷ đồng, và dài hạn là hơn 40.407 tỷ đồng.
Với khoản nợ này, 6 tháng đầu năm, Masan Group phải trả lãi vay hơn 2.374 tỷ đồng, trong đó trả lãi vay cho các trái chủ và bên khác hơn 1.743 tỷ đồng, tăng 76%, còn lại gần 631 tỷ đồng là trả lãi vay ngân hàng. Báo cáo kết quả kinh doanh cho thấy nửa đầu năm, Masan Group đạt doanh thu thuần 41.196 tỷ đồng, tăng 16%; lãi ròng 1.396 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ gần 162 tỷ đồng.
Danh sách doanh nghiệp có nợ vay lớn còn xuất hiện Vinamilk với khoản nợ phải trả hơn 18.671 tỷ đồng. Trong đó, nợ vay ngắn hạn ở mức hơn 9.481 tỷ đồng, nợ vay dài hạn hơn 157.817 tỷ đồng. Chi phí lãi vay của Vinamilk trong nửa đầu năm là 40,8 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất, 6 tháng đầu 2021, doanh thu thuần Vinamilk đạt 28.906 tỷ đồng, giảm 2,5%; lợi nhuận sau thuế đạt 5.459 tỷ đồng, giảm 6,9% so với nửa đầu 2020.
Trên thị trường, cổ phiếu VNM giao dịch mức 86.400 đồng. Tính từ đầu năm, mã này giảm sâu 20%, tương ứng mỗi cổ phiếu “bay” 22.400 đồng. Với hơn 2 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, vốn hóa thị trường Vinamilk bốc hơi trên 46.000 tỷ đồng.
Là một doanh nghiệp có tổng tài sản gần 171.523 tỷ đồng nhưng Tập đoàn Novaland hiện gánh khoản nợ phải trả lên đến hơn 131.607 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ nợ trên tổng tài sản khá cao.
Trong các khoản nợ của Novaland, nợ vay ngắn hạn ở mức 18.185 tỷ đồng, nợ vay dài hạn 33.117 tỷ đồng, khiến NVL phải trả 148,5 tỷ đồng lãi suất từ đầu năm.
Ngoài ra, ông lớn địa ốc này có chi phí tài chính lên tới 2.283 tỷ đồng, trong đó chi phí sắp xếp khoản vay và tất toán trái phiếu trong kỳ 1.259 tỷ đồng, trả lãi hợp tác đầu tư 716 tỷ đồng, chi phí hoán đổi lãi suất hai đồng tiền và lỗ chênh lệch tỷ giá 138 tỷ đồng…
Theo giới chuyên gia, việc vay nợ lớn để đầu tư trong bối cảnh dịch COVID-19 hoành hành gây áp lực lớn lên sức khỏe tài chính doanh nghiệp. Để tránh rủi ro, doanh nghiệp cần nâng cao năng lực quản trị điều hành và sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/soi-khoi-no-cua-nhieu-doanh-nghiep-lon-tren-san-chung-khoan-a68937.html