Khách sạn "đóng băng" vì đại dịch
Sau năm 2020, thị trường bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng “ảm đạm”, cả năm mới tiêu thụ chỉ được khoảng 120 sản phẩm. Sang nửa cuối quý II/2021, dịch bệnh bùng phát trở lại, các doanh nghiệp kinh doanh khách sạn lại tiếp tục gặp khó khăn khi nhu cầu thuê và công suất thuê phòng sụt giảm mạnh.
‘Hộ chiếu vắc-xin’ được kỳ vọng sẽ phá băng đưa thị trường bất động sản khách sạn, nghỉ dưỡng trở lại. Ảnh: TL
Theo Bộ Xây dựng, quý II/2021, nguồn cung mới khách sạn 4 - 5 sao và khu du lịch nghỉ dưỡng trên cả nước là rất hạn chế. Một số dự án khách sạn, khu du lịch nghỉ dưỡng đã phải lùi lịch khai trương do ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4. Giá cho thuê bình quân phòng khách sạn và BĐS nghỉ dưỡng giảm khoảng 20 - 25% so với quý trước, có nơi giảm 50 - 70% để tìm nguồn thu duy trì hoạt động nhưng vẫn không có khách.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh, trong cả năm 2020 và 2 quý đầu năm 2021, cả nước gần như “trắng” khách quốc tế. Khách nội địa là nguồn thu để khách sạn duy trì, cầm cự với dịch bệnh nhưng cũng không có, công suất phòng giảm mức dưới 30%, có những thời điểm không có khách.
Điển hình tại Hà Nội, ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 đã khiến các khách sạn tại phố cổ Hà Nội doanh thu giảm. Vắng bóng khách du lịch kéo dài, kinh doanh thua lỗ khiến nhiều khách sạn đã phải đóng cửa; khá nhiều khách sạn trên khu phố cổ đã treo biển rao bán nhưng vẫn không tìm được người mua.
Tại Đà Nẵng phần lớn các khách sạn cũng đều phải đóng cửa để phòng, chống dịch bệnh. Trên các web bất động sản, lượng tin đăng rao bán khách sạn tăng liên tục, vì không chịu nổi áp lực của dịch Covid-19.
Để phục hồi ngành du lịch, từ đó vực dậy BĐS nghỉ dưỡng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhiều quốc gia đã triển khai rộng rãi “hộ chiếu vắc-xin” và Việt Nam cũng đang nhanh chóng chuẩn bị áp dụng giải pháp này.
Ở châu Âu, từ đầu tháng 6/2021, các nước Đức, Hy Lạp, Đan Mạch, Bulgaria, Séc, Croatia và Ba Lan đã đồng loạt triển khai “hộ chiếu vắc-xin”, sớm hơn 1 tháng so với kế hoạch chung của Liên minh Châu Âu (EU). Đây là hành động để chuẩn bị cho mùa du lịch hè trở lại sau thời gian người dân bị hạn chế đi lại quá lâu để phòng, chống dịch.
Tại khu vực Đông Nam Á, ngày 1/7/2021, 25 du khách quốc tế đầu tiên đã đến đảo Phuket của Thái Lan trên chuyến bay của Etihad trong bối cảnh nước này đang nỗ lực khôi phục ngành du lịch bị dịch Covid-19 tàn phá. Phuket trở thành địa điểm đầu tiên ở Đông Nam Á mở cửa cho du khách nước ngoài đã tiêm chủng đầy đủ và được chứng nhận không mắc Covid-19 theo một chương trình thí điểm có tên gọi “Phuket Sandbox”.
Vắc-xin tạo “cú hích” cho nhiều ngành nghề quay trở lại nhịp hoạt động
Ở nước ta, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với việc thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc (Kiên Giang).
Để du lịch hoạt động trở lại, tỉnh Khánh Hòa đã tiến hành tiêm vắc-xin cho hơn 18.000 lao động trong ngành này. Cùng với việc lên kế hoạch để triển khai đón khách du lịch nội địa, Khánh Hòa cũng đang chuẩn bị cho việc đón khách du lịch quốc tế trở lại. Hiện nay, Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa đã trình UBND tỉnh này phương án thí điểm đón khách du lịch quốc tế có “hộ chiếu vắc-xin” bằng các chuyến bay thuê bao đến Khánh Hòa.
Ông David Ling - Giám đốc Điều hành bộ phận khách sạn & BĐS nghỉ dưỡng CBRE, cho rằng đại dịch đã gây ra sự gián đoạn dòng tiền chưa từng có trong ngành nhưng cũng mở ra cơ hội cho các nhà đầu tư biết chọn lọc, những người có khả năng nhận thấy tiềm năng từ các tài sản chất lượng.
Theo chuyên gia này, tốc độ và mức độ phục hồi trong phân khúc khách sạn và BĐS nghỉ dưỡng sẽ rất khác nhau giữa các thị trường. Do đó, để tận dụng quá trình phục hồi của thị trường, các chủ sở hữu, các nhà điều hành và các nhà đầu tư trong lĩnh vực này cần tối ưu hóa tài sản cũng như đưa ra điều chỉnh cần thiết cho các dịch vụ họ cung cấp, phù hợp với những dự đoán về nhu cầu, thị hiếu của khách hàng. Sau đại dịch, ngành khách sạn có thể sẽ phải tập trung hơn vào một số khía cạnh như phong cách sống và những trải nghiệm đáng nhớ, sự liên kết với môi trường, xã hội, quản trị, số hóa và đảm bảo an toàn sức khỏe.
Tại Việt Nam, ngoài các nỗ lực để chống lại dịch Covid-19 như việc tăng cường thúc đẩy tiêm chủng vắc-xin cho người dân, thì chính sách “hộ chiếu vắc-xin” cũng đang bắt đầu được thí điểm nhằm tạo điều kiện cho ngành du lịch được phục hồi. Cùng với các chính sách được ban hành nhằm phục hồi thị trường, các chủ đầu tư cũng đang hướng đến phát triển các dự án BĐS nghỉ dưỡng có “lối sống lành mạnh” nhằm đảm bảo an toàn về sức khỏe và tinh thần cho các khách hàng. Việc chữa lành “tinh thần” sau đại dịch sẽ là yếu tố chính thúc đẩy ngành du lịch giải trí phát triển hơn nữa ở Việt Nam.
Chuyên gia CBRE kỳ vọng, những yếu tố cơ bản của thị trường khách sạn và BĐS nghỉ dưỡng toàn cầu sẽ dần phục hồi trong ba năm tới.
Ông Phạm Sỹ Hoàng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư BĐS Thủ Thiêm cho rằng, “hộ chiếu vắc-xin” sẽ tạo cú hích cho nhiều ngành nghề như hàng không, giao thông, du lịch, các dịch vụ lưu trú (khách sạn, khu nghỉ dưỡng, mô hình homestay), nhà hàng..., quay trở lại nhịp hoạt động “bình thường mới”. Đây cũng là mắt xích quan trọng trong vòng tuần hoàn khép kín của nền kinh tế, để hồi sinh lại ngành du lịch và từ đó tác động dây chuyền đến tất cả các ngành nghề khác. Đặc biệt, khi chính sách “hộ chiếu vắc-xin” được triển khai sẽ tạo điều kiện cho kết nối giao thương du lịch quốc tế lẫn nội địa./.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/ho-chieu-vac-xin-pha-bang-dua-bat-dong-san-khach-san-nghi-duong-tro-lai-a68998.html