'Thoát' gánh nặng tâm lý, thị trường bật tăng gần 11 điểm

Các thị trường chứng khoán dường như đã bớt lo ngại về rủi ro vỡ nợ của Evergrande trong ngày hôm nay. Các thị trường tương lai chứng khoán Mỹ và châu Âu trong giờ Việt Nam giao dịch đều tăng. Thị trường trong nước cũng được cải thiện.

VNM trở lại

Phiên hôm qua nhà đầu tư trong nước phản ứng khá mạnh với rủi ro điều chỉnh từ các thị trường toàn cầu. VN-Index để mất 10,64 điểm. Tuy nhiên dường như chính các thị trường quốc tế cũng bớt lo lắng về rủi ro thị trường bất động sản Trung Quốc và quay đầu phục hồi. Thị trường trong nước cũng dần cân bằng ngay từ sáng nay và đến chiều thì bật tăng mạnh mẽ.

Nhóm cổ phiếu trụ xuất hiện gương mặt quen thuộc của VNM. Cổ phiếu này mất hút suốt từ đầu năm và là một trong những gánh nặng của VN-Index khi giảm liên tục và đi ngang kéo dài. Hôm nay VNM tăng rực rỡ 3,04%, mức tăng mạnh nhất trong vòng 4 tháng. VNM cũng tăng giá lên đỉnh cao nhất 5 tháng.

Chưa hết, VNM còn xuất hiện thanh khoản cao kỷ lục kể từ đầu năm 2018 với trên 10 triệu cổ, tương đương giá trị khớp lệnh 911 tỷ đồng. Lần đầu tiên sau nhiều năm VNM mới có vị trí số 1 thị trường về thanh khoản.

Mặc dù tăng cực mạnh với thanh khoản cao, VNM vẫn chưa được xem là thay đổi trạng thái tích lũy kéo dài. Sau 4 tháng đầu năm 2021 lao dốc, VNM bắt đầu đi ngang từ đầu tháng 5 tới nay với biên độ cao nhất là 92.000 đồng trong diễn biến tăng tháng 6. Hôm nay VNM đóng cửa đạt 91.500 đồng, nghĩa là vẫn trong giai đoạn tích lũy. Quá trình này sẽ kết thúc về mặt kỹ thuật nếu VNM tiếp tục tăng vượt ngưỡng nói trên.

Sự trở lại của VNM là một kích thích mới cho thị trường. Nhóm cổ phiếu ngân hàng chỉ đóng góp duy nhất VCB tăng 1,53%, không phải mức tăng tốt nhất rổ blue-chips Vn30 nhưng có tác động vốn hóa tốt. Nhóm bán lẻ đóng góp MSN tăng 2,44%. Các cổ phiếu trụ còn lại tương đối kém, ví dụ: VIC tăng không đáng kể 0,58%, VHM tăng 0,65%, GAS tăng 0,23%, SAB tham chiếu...

VN-Index hưởng lợi khá nhiều về mặt điểm số do VNM, VCB đều là các cổ phiếu vốn hóa lớn. Tuy nhiên vẫn chưa có sự đồng thuận rõ ràng giữa các cổ phiếu dẫn dắt quan trọng nhất. Thậm chí ngay trong nhóm ngân hàng, vẫn còn nhiều mã không tăng nổi, dù VN-Index đi lên khá mạnh. BID vẫn giảm 0,13%, CTG giảm 0,48%, HDB giảm 0,39%, STB giảm 0,37%...

Dù vậy việc lấy lại 10,84 điểm hôm nay tức là VN-Index san bằng được mức giảm hôm qua, coi như thị trường chứng khoán Việt Nam chưa từng phản ứng với sự kiện Evergrande. Điều này đồng nghĩa với khả năng thị trường nối tiếp những gì đã diễn ra tuần trước, với cơ hội tiếp tục xu thế tăng.

Thanh khoản vẫn là dấu hỏi

Nhóm cổ phiếu mạnh nhất hôm nay là các cổ phiếu đầu cơ nhỏ, mà đại diện là rổ smallcap với mức tăng chỉ số tới 1,75%. Blue-chips mạnh lên 1 phần thì các mã đầu cơ mạnh 10 phần. Đó là những gì đã diễn ra suốt nhiều tuần nay.

Điều này dẫn tới một bất lợi khá lớn, là dòng tiền không quan tâm nhiều đến cổ phiếu blue-chips. Thực tế là tiền đang dồn vào các cổ phiếu đầu cơ nhiều hơn, khi giao dịch duy trì ở ngưỡng rất cao so với lịch sử, đồng thời thanh khoản có giảm ở các nhóm cổ phiếu khác nhưng cũng không giảm ở smallcap.

Tổng giá trị khớp lệnh hai sàn hôm nay tụt giảm 19,3% so với hôm qua, đạt 20.621 tỷ đồng. Đây vẫn là con số khá lớn, nhưng giao dịch lại mạnh lên ở các cổ phiếu nhỏ một cách rõ ràng. Ví dụ nhóm VN30 hôm nay giao dịch giảm 23% về giá trị. Mức giao dịch chưa tới 6.400 tỷ đồng của rổ này là con số rất kém, tụt dần từ mức gần đây khoảng 8.000 tỷ đồng trung bình 3 tuần trước. Còn so với mức sôi động hơn 10.000 tỷ đồng/ngày thì thanh khoản hôm nay càng không đáng nói.

Nếu nhà đầu tư chưa đổ tiền mạnh hơn vào blue-chips, nghĩa là họ chưa đánh giá cao cơ hội ở đây. Blue-chips là VN-Index, nghĩa là không nhiều kỳ vọng vào một xu hướng tăng thật sự. Ngược lại, hoạt động đầu cơ dễ đem lại lợi nhuận hơn đang hút phần lớn chú ý của thị trường.

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/thoat-ganh-nang-tam-ly-thi-truong-bat-tang-gan-11-diem-a69421.html