Một trong những tuyên bố đầu tiên của ông Phan Văn Mãi khi trở thành Chủ tịch UBND TP.HCM là lên kế hoạch mở cửa lại nền kinh tế. Tuyên bố đó được đưa ra trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 tại TP.HCM chưa có dấu hiệu giảm và số ca tử vong còn rất cao; Việt Nam vẫn đang theo đuổi "Zero Covid-19" và ít ai nghĩ tới bình thường mới.
Nhận định dịch bệnh còn kéo dài đến 2022, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên và Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi từng nhiều lần nhấn mạnh việc mở cửa lại nền kinh tế là yêu cầu "rất bức thiết" và gấp rút chuẩn bị cho kế hoạch này. Bình thường mới khi đó được Chủ tịch Phan Văn Mãi hình dung cơ bản như sau: "Một người đã tiêm vaccine được xem là cá nhân an toàn. Nếu cá nhân an toàn, hành trình an toàn, điểm đến an toàn thì sẽ tổ chức được các hoạt động an toàn".
Kế hoạch trở lại bình thường mới của TP.HCM đã trì hoãn 2 tuần so với dự định ban đầu. Chỉ còn 7 ngày nữa nữa, TP.HCM sẽ phải hoàn thành cam kết kiểm soát dịch vào cuối tháng 9/2021 và từng bước mở cửa nền kinh tế. Trong 7 ngày còn lại, TP.HCM cần làm gì để "chạy nước rút" nhằm thực hiện hóa mục tiêu này?
Nội dung chính:
- TP.HCM cần kiến nghị Bộ Y tế điều chỉnh cách đánh giá về kiểm soát dịch
- Đánh giá ngưỡng đáp ứng của hệ thống y tế trong điều kiện bình thường mới
- Sớm ban hành các quy định chính thức về "thẻ xanh Covid-19"
Rà soát lại các tiêu chí kiểm soát dịch
Từ ngày 10/9, TP.HCM đã có bản dự thảo về kế hoạch phục hồi kinh tế với lộ trình 3 giai đoạn. Dự thảo này đến nay đã được nâng cấp thành 11 chiến lược cho bình thường mới. Tuy nhiên, để thực hiện hóa, thành phố phải đạt được các tiêu chí kiểm soát dịch mà Bộ Y tế đặt ra.
Trong bản dự thảo "Lộ trình từng bước trở lại trạng thái bình thường mới", TP.HCM đến nay mới chỉ đạt 2 tiêu chí về tỷ lệ giường ICU và tỷ lệ tiêm vaccine. Riêng với tiêu chí số ca mắc giảm liên tục trong 2 tuần (Quyết định 3979) và đánh giá nguy cơ (Quyết định 2686) vẫn khó đạt với TP.HCM.
Nhiều chuyên gia y tế nhận định 2 tiêu chí kể trên không còn phù hợp với bối cảnh "sống chung với Covid-19" và TP.HCM cần kiến nghị Bộ Y tế điều chỉnh cách đánh giá về kiểm soát dịch.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng (Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y dược TP.HCM) cho rằng các biện pháp giãn cách xã hội và y tế công cộng phải căn cứ trên cơ sở hạn chế sự lây truyền của Covid-19 và giảm tử vong. Như vậy, việc điều chỉnh mức giãn cách xã hội phải dựa trên 2 yếu tố: Cường độ lây truyền và khả năng đáp ứng của hệ thống y tế.
Chuyên gia cho rằng thay vì tạo ra các tiêu chí mới, Việt Nam nên căn cứ ngay trên hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Đây là những tiêu chí chuẩn quốc tế mà mỗi quốc gia có thể tham khảo và "địa phương hóa" theo tình trạng của mình.
Để mở cửa, TP.HCM cần kiểm tra khả năng đáp ứng của hệ thống y tế. Ảnh: Chí Hùng.
Theo tài liệu hướng dẫn chính thức mới nhất (14/6/2021), WHO đưa ra bộ tiêu chí sức khỏe cộng đồng dựa trên việc trả lời 2 câu hỏi: Dịch có được kiểm soát không? (tình hình dịch tễ/phân loại mức lây truyền); và Hệ thống y tế có khả năng phát hiện và đối phó với ca mắc Covid-19 trong khi vẫn duy trì các dịch vụ y tế thiết yếu khác không? (năng lực và hiệu suất của hệ thống y tế, dịch vụ y tế công cộng).
Các chỉ số cơ bản để đánh giá mức độ lây truyền trong cộng đồng mà WHO gợi ý gồm 4 phần: Tỷ lệ nhập viện; Tử vong; Ca mắc mới; Xét nghiệm.
Ba chỉ số đầu được tính bằng ca ghi nhận mới trên 100.000 dân trong 1 tuần, riêng xét nghiệm thì xét trên tỷ lệ dương tính trong 1 tuần. Bảng dưới đây thể hiện khuyến nghị của WHO về các cấp độ nguy cơ của dịch dựa trên từng chỉ số.
(*) Các chỉ số dịch tễ học và phạm vi WHO đề xuất để đánh giá mức độ lây truyền Covid-19.
Dựa trên các chỉ số nêu trên, PGS.TS Đỗ Văn Dũng cho rằng mức nguy cơ của TP.HCM vẫn còn cao. Tuy nhiên, với tỷ lệ tiêm chủng mũi 1 gần 100%, TP.HCM có thể tính toán nới lỏng giãn cách có kiểm soát sau 30/9.
Hiện, "Lộ trình từng bước trở lại bình thường mới" mà Bộ Y tế đưa ra để hướng dẫn cho các địa phương vẫn còn là dự thảo. Sau khi Bộ Y tế chính thức ban hành hướng dẫn này, TP.HCM mới đủ căn cứ để triển khai các bước đi cụ thể sau 30/9.
Thế nhưng trước đó, TP.HCM cần trả lời cho câu hỏi thứ 2 trong hướng dẫn của WHO: Năng lực, hiệu suất của hệ thống chăm sóc lâm sàng cũng như khả năng đáp ứng của hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Ngưỡng đáp ứng của hệ thống y tế
Nhiều chuyên gia y tế có quan điểm chung rằng trong bối cảnh mới, số ca nhiễm không còn đáng lo ngại mà điều cần quan tâm là ngưỡng đáp ứng của ngành y tế và làm sao để số bệnh nhân nặng không vượt ngưỡng này (khiến hệ thống y tế quá tải dẫn đến bệnh nhân tử vong).
Phân tích rõ hơn, PGS.TS.BS Vũ Minh Phúc (cựu Phó khoa Y, cựu Chủ nhiệm Bộ môn Nhi, Đại học Y Dược TP.HCM) cho rằng Covid-19 đã trở thành "dịch lưu hành", tức tồn tại trong cộng đồng như nhiều bệnh dịch khác.
Bà nhấn mạnh "dự phòng rủi ro" là tiêu chí rất quan trọng để đánh giá việc mở cửa nền kinh tế. Chuyên gia dự báo khi nới lỏng giãn cách, chắc chắn số ca mắc Covid-19 trong xã hội sẽ tăng lên. Tuy nhiên, yếu tố đánh giá quan trọng là tỷ lệ nhập viện và tỷ lệ tử vong để từ đó chuẩn bị khả năng đáp ứng của ngành y.
TP.HCM sẽ thu hẹp các bệnh viện dã chiến, trả lại công năng cho nhiều cơ sở thu dung. Ảnh: Chí Hùng.
Khi tính toán năng lực đáp ứng của ngành y tế, TS Vũ Minh Phúc lưu ý không nên chỉ tính số giường, mà cần đánh giá cả hệ thống oxy, máy thở, hệ thống ICU...
Riêng với tỷ lệ nhập viện, bác sĩ Phúc lưu ý xem xét lại các trường hợp nhập viện, đặc biệt tại bệnh viện dã chiến. Bà nêu thực tế nhiều trường hợp bệnh nhân Covid-19 nhập viện chỉ để quản lý mà không cần thở oxy hay chăm sóc đặc biệt.
"Dự phòng rủi ro" là tiêu chí rất quan trọng để đánh giá việc mở cửa nền kinh tế
PGS.TS.BS Vũ Minh Phúc
"Nếu không phải bệnh nhân nặng hoặc có bệnh lý nền đặc biệt thì không nên nhập viện để giảm áp lực cho nhân viên y tế. Từ đó, thành phố có thể thu hẹp lại số lượng bệnh viện dã chiến và dùng nguồn lực đó củng cố cho các giường điều trị bệnh nhân nặng", bà kiến nghị.
Chuyên gia này cho biết nhiều nước trên thế giới không sử dụng nhiều bệnh viện dã chiến bởi tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 nặng cần một lực lượng tinh nhuệ. Thay vào đó, họ mở rộng hệ thống ICU để tăng khả năng điều trị bệnh nhân nặng. Song song đó là củng cố y tế cơ sở để theo dõi, chăm sóc F0 nhẹ ngay tại cộng đồng.
"Lo nhất là khi mở cửa ra thì số giường ICU không đảm bảo. Nếu đảm bảo thì không có gì phải lo lắng", chuyên gia nói.
Hiện, thành phố có 90 cơ sở thu dung của 3 tầng điều trị. Tầng 1 có 12 cơ sở cách ly; tầng 2 có 68 bệnh viện thu dung, điều trị dã chiến và bệnh viện hạng 3, hạng 2 và hạng 1 (bệnh viện tách đôi); tầng 3 có 10 cơ sở điều trị - 5 bệnh viện hạng nhất (bệnh viện Trung ương tại TP.HCM) và 5 trung tâm hồi sức cấp cứu Covid-19 do Bộ Y tế hỗ trợ thiết lập.
Theo thống kê, tại tầng 3 đang có trên 3.280 giường hồi sức, đảm bảo các thiết bị hiện đại để cấp cứu, cứu chữa bệnh nhân.
Sở Y tế TP.HCM đang tính toán phương án thu hẹp dần các bệnh viện dã chiến, cơ sở thu dung F0, trả lại công năng cho một số bệnh viện tham gia điều trị Covid-19 để tiếp nhận các bệnh thông thường khác. Tuy nhiên, lộ trình thu hẹp này cần tính toán song song với lộ trình mở cửa để ngưỡng đáp ứng của ngành y tế luôn được duy trì ở mức an toàn.
Thẻ xanh Covid-19 là dấu hỏi
"An toàn mới mở cửa, mở cửa phải an toàn". Thông điệp xuyên suốt này là "kim chỉ nam" trong quá trình xây dựng chiến lược mở cửa của TP.HCM suốt thời gian qua. Thẻ xanh Covid-19 là khái niệm được chính quyền TP.HCM nhắc đến từ nhiều tuần nay như một công cụ để quản lý con người an toàn, điểm đến an toàn, hành trình an toàn. Tuy nhiên, đến nay, TP.HCM vẫn chưa có quy định chính thức rõ ràng.
Cần phân biệt giữa điều kiện cấp thẻ và điều kiện sử dụng thẻ xanh Covid-19
TS Lê Trường Giang
Dù vậy, trong các Bộ tiêu chí đánh giá an toàn dịch bệnh cho nhiều lĩnh vực mà Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM mới ban hành, "thẻ xanh Covid-19" được sử dụng như một căn cứ quyết định việc cá nhân hay tổ chức được và không được làm gì trong bình thường mới.
Qua quy định từ các bộ tiêu chí này, một người được xác định có thẻ xanh Covid-19 khi đáp ứng 3 yếu tố: Kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng test nhanh hoặc RT-PCR âm tính; đã tiêm 2 mũi vaccine đủ 14 ngày hoặc từng mắc Covid-19 và đã khỏi bệnh; không tiếp xúc gần với F0 trong vòng 14 ngày.
"Thẻ xanh Covid-19 giới hạn phạm vi hoạt động" sẽ được cấp cho người đã tiêm một mũi; người đã khỏi bệnh có giấy xuất viện hoặc giấy xác nhận hoàn thành thời gian cách ly của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch phường, xã, thị trấn.
Hai nhóm này có mức độ giới hạn tham gia các hoạt động khác nhau.
Nhiều người băn khoăn chứng nhận đã tiêm 2 mũi vaccine có phải thẻ xanh Covid-19. Ảnh: Duy Hiệu.
Góp ý cho quy định về thẻ xanh, TS Lê Trường Giang (Chủ tịch Hội Y tế công cộng TP.HCM) cho rằng cần phân biệt giữa điều kiện cấp thẻ và điều kiện sử dụng thẻ. Người đủ điều kiện về miễn dịch sẽ được cấp thẻ. Nhưng thành phố cần có điều kiện sử dụng thẻ an toàn mà người có thẻ phải tuân thủ.
Ví dụ, nếu một xí nghiệp đang trong tình trạng không có dịch thì người có thẻ xanh có thể ra/vào được. Nhưng nếu điểm này bùng phát dịch, người có thẻ xanh vẫn phải đáp ứng thêm một số quy định khi ra/vào vùng đó. Ví dụ quy định về xét nghiệm, giãn cách...
Tuy nhiên, điều quan trọng là TP.HCM cần sớm đưa ra quy định chính thức về cách vận hành của thẻ xanh này để người dân và doanh nghiệp có sự chuẩn bị cho lộ trình sau 30/9.
Hơn một tháng kể từ tuyên bố của ông Phan Văn Mãi, TP.HCM đã có hình dung rõ ràng hơn về một tương lai "bình thường mới". Dịch bệnh có nhiều dấu hiệu cho thấy được kiểm soát như số ca tử vong và ca bệnh nặng giảm dần; tỷ lệ dương tính tại các vùng nguy cơ giảm dần qua từng đợt lấy mẫu xét nghiệm; số địa phương kiểm soát được dịch tăng.
Thách thức lớn nhất với TP.HCM trong 7 ngày tới là làm sao đạt được các tiêu chí kiểm soát dịch như yêu cầu của Bộ Y tế để có thể bắt đầu bước vào một lộ trình bình thường mới như kế hoạch - ngày 1/10.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/con-7-ngay-chay-nuoc-rut-cho-binh-thuong-moi-tphcm-can-lam-gi-a69948.html