Thường trực Ban Chỉ đạo công tác lập quy hoạch tỉnh Khánh Hòa đã làm với Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn quốc gia (VIUP), Công ty McKinsey & Company Việt Nam, để sớm hoàn tất việc lập đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Nha Trang đến năm 2040 trình Thủ tướng xem xét.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa, việc lập đồ án quy hoạch sẽ tính toán phương án TP Nha Trang là hạt nhân cho chiến lược phát triển trong tương lai của địa phương.
Dời ga vì áp lực giao thông
Theo vị lãnh đạo này, trong công tác lập quy hoạch, đề xuất di dời ga Nha Trang ra ngoại thành đã được Thường trực Ban Chỉ đạo công tác lập quy hoạch tỉnh Khánh Hòa đồng ý.
“Tỉnh đang tính các phương án phù hợp trong công tác lập quy hoạch để di dời ga Nha Trang. Trong đó 2 yếu tố phải đảm bảo là được sự đồng thuận của người dân và bảo tồn, phát huy hiệu quả tốt nhất di tích lịch sử ga Nha Trang”, lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa nói.
Ga Nha Trang là biểu tượng của người dân Khánh Hòa. Ảnh: An Bình.
Sau nhiều năm phát triển, trung tâm TP Nha Trang trở nên chật chội và mạng lưới giao thông không đồng bộ khiến tình trạng ùn tắc cục bộ liên tiếp diễn ra. Ga Nha Trang (hỗn hợp hành khách, hàng hóa) nằm ở khu vực trung tâm TP đã gây nên tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ, ảnh hưởng đến sự phát triển của thành phố du lịch.
Theo Sở Giao thông Vận tải Khánh Hòa, bình quân mỗi ngày có 34 chuyến tàu ra vào ga Nha Trang, trong đó hơn một nửa là tàu khách. Dịp lễ, Tết có 46 đến 50 chuyến tàu qua ga mỗi ngày.
Lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải Khánh Hòa cho biết lượng tàu ra vào ga với tần suất chạy tàu lớn nên thường xuyên gây ùn tắc, mất an toàn giao thông tại khu vực trước ga, nút giao thông Mả Vòng và đường 23/10.
Ngoài ra, hiện có gần 1.000 hộ dân sinh sống hai bên đường ray với chiều dài khoảng 2 km đã tạo hàng chục điểm giao cắt giữa đường dân sinh và đường sắt. Điều này khiến tình trạng an toàn đường sắt không được đảm bảo trong hàng chục năm qua.
Xây trung tâm thương mại sau khi dời ga?
Sở GTVT Khánh Hòa cho biết tháng 1/2020, đơn vị có báo cáo UBND tỉnh Khánh Hòa về phương án đề xuất cải tạo đường sắt khu vực ga Nha Trang. Phương án này do Công ty TNHH Tập đoàn Thương mại Tuấn Dung (Công ty Tuấn Dung, trụ sở Hà Nội) lập.
Công ty Tuấn Dung là doanh nghiệp đã được Bộ Giao thông Vận tải đồng ý chủ trương, cho phép lập các phương án đề xuất cải tạo, dời ga Nha Trang. Đổi lại, doanh nghiệp này sẽ được đối ứng bằng quỹ đất của ga Nha Trang hiện nay.
Ga Nha Trang nằm ở vị trí trung tâm TP với thiết kế đường ray hình bóng đèn độc đáo. Ảnh: Hải Đình.
Trong phương án cải tạo ga Nha Trang, Công ty Tuấn Dung đề xuất 2 phương án.
Trong đó, phương án 1 sẽ cải tạo ga Nha Trang thành ga khách, bỏ công năng hàng hóa, xây dựng mới cầu quay máy để bỏ đường bóng đèn. Ga hàng hóa sẽ được di dời ra ngoại thành, xây dựng đường vòng trạm tại khu vực nút giao thông Ngọc Hội (giao nhau với đường 23/10) để tránh tàu hàng đi vào trung tâm thành phố.
Sau khi dời ga hàng hóa, doanh nghiệp sẽ được sử dụng đất hơn 3,6 ha khu vực ga Nha Trang xây chung cư cao 30 tầng, công trình hỗn hợp 35 tầng, nhà ở thương mại, cây xanh công viên, đường giao thông...
Còn phương án 2, Công ty Tuấn Dung đề xuất di dời toàn bộ ga Nha Trang ra khỏi ngoại thành, cải tạo nhà ga Nha Trang hiện hữu thành bảo tàng du lịch. Ga mới sẽ nằm ở địa bàn xã Vĩnh Trung (TP Nha Trang) gồm ga kỹ thuật hỗn hợp hành khách, hàng hóa và khu chỉnh bị sửa chữa đầu máy, toa xe.
Sau khi di dời ga, Công ty Tuấn Dung sẽ được sử dụng gần 12 ha để xây dựng bảo tàng ga, chung cư 30 tầng, công trình hỗn hợp 35 tầng, nhà ở xã hội, nhà liền kề, nhà ở kết hợp thương mại, cây xanh công viên, đường giao thông nội bộ...
Tháng 3/2020, UBND tỉnh Khánh Hòa ra thông báo kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tấn Tuân, giao Sở Xây dựng xem xét hồ sơ đề xuất ban đầu của Công ty Tuấn Dung tham mưu về tổ chức không gian kiến trúc, cảnh quan, cơ cấu sử dụng đất, giải pháp hạ tầng kỹ thuật đô thị đối với khu đất ga Nha Trang.
Người đứng đầu UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu phương án được duyệt phải đảm bảo phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng, quy hoạch được duyệt, đồng thời phải được Trung ương đồng ý.
Ga Nha Trang được khánh thành ngày 2/9/1936, tọa lạc tại phường Phước Tân, TP Nha Trang. Nơi đây là chứng tích việc người dân Khánh Hòa đứng lên đấu tranh, nổ súng chống thực dân Pháp vào ngày 23/10/1945.
Ga Nha Trang được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/vi-sao-khanh-hoa-muon-doi-ga-nha-trang-ra-ngoai-thanh-a70389.html