Đại gia BĐS nhảy sang điều hành ngân hàng: Dễ lạm dụng

Chuyên gia cho rằng, hành lang pháp lý đã khá đầy đủ, chặt chẽ nhưng cần tăng cường quản lý, theo dõi, giám sát thực chất để tránh lạm dụng.

Trên thị trường hiện nay có không ít trường hợp doanh nghiệp kinh doanh bất động sản tham gia vào lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, hàng loạt lãnh đạo cấp cao của các tập đoàn bất động sản đã nhảy sang điều hành ngân hàng.

Lý giải điều này, chuyên gia cho rằng bất động sản và ngân hàng luôn có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Với đặc điểm là tính thâm dụng vốn cao, vòng quay vốn dài, bất động sản rất cần trợ lực từ nguồn vốn tín dụng. Vậy nên, xuất hiện các bộ đôi song hành doanh nghiệp bất động sản-ngân hàng không có gì lạ, mục đích cuối cùng vẫn là lợi ích.

Tuy nhiên, việc doanh nghiệp tay phải kinh doanh bất động sản, tay trái tham gia vào tài chính, ngân hàng cũng gây nên nhiều mối lo liên quan đến sở hữu chéo, trong đó có nợ xấu.

Phân tích cụ thể, LS Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho biết, thông thường, bất kể người nào tham gia góp vốn, mua cổ phần, hay thành lập ngân hàng một cách hợp pháp, hợp lệ thì đều được khuyến khích. Do vậy, nếu lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản có tài chính, giỏi, quản lý tốt mà lấn sân sang ngân hàng thì cũng là điều tốt.

Xét về luật lệ, hành lang pháp lý của Việt Nam liên quan đến vấn đề này đã khá đầy đủ, chặt chẽ nhằm minh bạch hóa thị trường, hạn chế tối đa sân sau, sở hữu chéo vào hệ thống ngân hàng.

Logo KSBank bên ngoài tòa nhà 16 Phạm Hùng, Hà Nội. Ảnh: VnE

Chẳng hạn, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Các Tổ chức tín dụng quy định, Chủ tịch HĐQT của một ngân hàng không được đồng thời là Chủ tịch HĐQT, thành viên HĐQT, Chủ tịch HĐTV, thành viên HĐTV, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) hoặc các chức danh tương đương của doanh nghiệp khác.

Ngoài ra, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) và các chức danh tương đương của tổ chức tín dụng không được đồng thời là thành viên HĐQT, thành viên HĐTV, thành viên Ban kiểm soát của tổ chức tín dụng khác, trừ trường hợp tổ chức đó là công ty con của tổ chức tín dụng.

Luật còn quy định Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) và các chức danh tương đương của TCTD không được đồng thời là Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) hoặc các chức danh tương đương của doanh nghiệp khác.

Pháp luật cũng quy định về các điều kiện vay vốn tín dụng, người có liên quan, giới hạn tỷ lệ sở hữu vốn...

Quy định đưa ra là như vậy, song LS Trương Thanh Đức thẳng thắn cho rằng thực tế lại chưa làm được như vậy, vẫn có tình trạng "lách luật, mập mờ ở phía sau". Quan trọng, theo vị luật sư, là phải tăng cường quản lý, theo dõi, giám sát thực chất để tránh tình trạng lạm dụng.

Nhiều chủ doanh nghiệp làm sếp ngân hàng, song LS Trương Thanh Đức đặt câu hỏi: mỗi người trong đó sở hữu mấy ngân hàng, tỷ lệ bao nhiêu?... thì phải xem thực chất, còn nhìn vào con số trên sổ sách thì họ đã chuyển nhượng hết.

"Bất kỳ lĩnh vực nào cũng vậy, hành lang quản lý có chặt chẽ đến mấy mà bị lạm dụng thì đều xảy ra hệ quả xấu, nói gì cái bắt tay giữa ngân hàng-bất động sản như trên rất dễ bị lạm dụng vì kiểu tay trái, tay phải", LS Trương Thanh Đức cho biết, khi tham gia điều hành ngân hàng, các chủ đầu tư, chủ dự án có nơi để cung cấp vốn một cách hợp pháp, cho vay với lãi suất thấp, tận dụng hệ thống mạng lưới khách hàng...

"Nếu chuyên nghiệp thì hẵng làm, còn không hãy chỉ đơn thuần là cổ đông, nhận cổ tức, tham gia biểu quyết... Đằng này anh đã ngồi vào HĐQT của ngân hàng, lại còn đóng vai trò này khác nữa thì nó sẽ ảnh hưởng, bởi chủ thật đã nói thì làm sao nhân viên không dám nghe?

Dĩ nhiên, không ai dại gì làm trực tiếp để "hỏng hết xôi chè", thậm chí tù tội, nó sẽ loằng ngoằng từ cái này qua cái khác. Như vậy càng nguy hiểm, vì thà trực tiếp thì còn thấy rõ ràng, mà khi đã rõ thì người ta không dám làm bất chấp do nhìn thấy nguy cơ, nhìn thấy cái đúng, cái sai. Còn cứ mập mờ thì những tình trạng như cho sân sau vay vốn chắc chắn xảy ra", Giám đốc Công ty Luật ANVI nói, đồng thời nhấn mạnh, với những trường hợp nêu trên thì phải chấp nhận quản chặt hơn để tránh nguy cơ rủi ro cho chính ngân hàng đó và rủi ro cho cả hệ thống ngân hàng do lây lan sang lĩnh vực khác.

Từ đây, LS Trương Thanh Đức nhắc lại đề xuất đã được ông đề cập nhiều lần, đó là luật không cần phải cấm hạn chế sở hữu, cho 100% cũng được nhưng phải quản theo kiểu 100%.

"Còn bây giờ có thể trên sổ sách, con số chỉ là 5-7% nhưng thực chất có khi lại lên tới 50-70%. Điều nguy hiểm là người ta chỉ quản theo kiểu 5-7%, nguy cơ thật giả lẫn lộn", Giám đốc Công ty Luật ANVI nêu rõ.

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/dai-gia-bds-nhay-sang-dieu-hanh-ngan-hang-de-lam-dung-a70981.html