Người dân Bình Dương lưu thông như thế nào sau ngày 30/9?

Theo kế hoạch sau ngày 30/9, Bình Dương sẽ cho thông hành liên huyện và thực hiện quét mã QR cho cả người dân và doanh nghiệp.

Củng cố lại hệ thống điều trị COVID-19

Bình Dương thực hiện kế hoạch phòng, chống dịch trong tình hình mới để phù hợp thực tế. Trong đó, địa phương này đang sắp xếp lại hệ thống 3 tầng điều trị COVID-19. Hiện các khu cách ly tập trung tuyến huyện, thị, thành phố đã chuyển đổi thành khu điều trị bệnh nhân COVID-19 tầng 1 với tổng số 112 cơ sở.

Tính đến nay, toàn tỉnh Bình Dương đang cách ly cho hơn 20.000 người, trong đó có hơn 11.000 F0, hơn 9.000 người test nhanh dương tính và hơn 500 F1. Bình Dương đang điều trị cho hơn 39.000 người, có hơn 34.900 người ở 3 tầng điều trị và hơn 4.100 F0 điều trị tại nhà. Những ngày qua, số bệnh nhân nhập viện luôn thấp hơn số bệnh nhân xuất viện.

Bình Dương thiết lập trạm y tế lưu động bao phủ để giúp người dân dễ tiếp cận

Không chỉ củng cố hệ thống 3 tầng điều trị, thời gian qua Bình Dương cũng đẩy mạnh thành lập các trạm y tế lưu động tại các xã, phường, thị trấn và trong các doanh nghiệp với khoảng 142 trạm. Những trạm y tế lưu động này đã phát huy được hiệu quả cùng với hệ thống điều trị ở tầng 2, 3 trong tháp điều trị, góp phần giảm tỷ lệ tử vong.

Dự báo trong giai đoạn bình thường mới, Bình Dương vẫn tiếp tục ghi nhận ca mắc mới. Vì vậy, các bệnh viện dã chiến, khu điều trị COVID-19 tiếp tục được giữ lại sau ngày 30/9 để tiếp nhận, điều trị bệnh nhân có triệu chứng. Tuy nhiên, các bệnh viện dã chiến, khu điều trị sẽ được sắp xếp tinh gọn theo nguyên tắc: Đủ, tinh, hiệu quả nhằm đáp ứng tốt điều trị, giảm chi phí đầu tư.

TS.BS Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế Bình Dương cho biết, địa phương phấn đấu khoảng 95% bệnh nhân tầng 1, 2 được cứu sống, quan tâm đầu tư vào các bệnh viện dã chiến, khu điều trị tầng 3 điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch. Đặc biệt, để người dân tiếp cận y tế nhanh nhất, sớm nhất ngay từ tuyến cơ sở, ngành cũng tiếp tục mở rộng mạng lưới trạm y tế lưu động kết hợp trạm y tế truyền thống tại các địa phương.

Trong khi đó, PGS-TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, kiêm Giám đốc Y khoa Bệnh viện dã chiến hồi sức cấp cứu tỉnh Bình Dương cho biết, tới đây ngành y tế thay đổi chiến thuật triển khai cách ly tập trung trong bệnh viện. Khu cách ly sẽ giải tán, nơi nào đủ điều kiện sẽ trở thành bệnh viện tầng 1, tập trung lực lượng y, bác sĩ, thuốc men, oxy, trang thiết bị y tế. Người bệnh có triệu chứng, có yếu tố nguy cơ sẽ được điều trị sớm, điều trị tích cực. Các trường hợp người bệnh không có yếu tố nguy cơ, F0 không triệu chứng, đã tiêm vắc xin, thì được cách ly, điều trị tại nhà.

Thông hành liên huyện sau 30/9

Tại cuộc họp giao ban về công tác phòng, chống dịch COVID-19 ngày 27/9, Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương thống nhất việc mở cửa đưa địa phương về trạng thái bình thường mới.

Theo đó, sau ngày 30/9, tùy tình hình dịch bệnh trên địa bàn để mở cửa với phương châm “an toàn tới đâu mở cửa tới đó”, “mở cửa phải an toàn”. UBND tỉnh Bình Dương sẽ làm việc với các tỉnh, thành phố khác để thống nhất phương án lưu thông liên tỉnh, đồng thời công bố mở cửa trong phạm vi liên huyện, thị, thành phố.

Theo kế hoạch, Bình Dương sẽ thông hành liên huyện sau 30/9

Các huyện, thị, thành phố công bố mở cửa trong phạm vi địa bàn quản lý sau 30/9. Đặc biệt, về phương án người dân ra đường sau ngày 30/9, UBND tỉnh Bình Dương quy định tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh phải sử dụng mã QR-code để kiểm soát dịch bệnh.

UBND tỉnh Bình Dương giao Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp các ngành có liên quan tổ chức lực lượng hướng dẫn doanh nghiệp, người dân, công nhân lao động thiết lập và sử dụng mã QR-code để thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch, hướng dẫn các địa phương trang bị máy quét mã QR-code để chuẩn bị cho các hoạt động sau ngày 30/9.

Tính từ đợt dịch thứ 4 đến nay, tỉnh Bình Dương ghi nhận 203.989 ca mắc COVID-19; 1.923 ca tử vong và 174.160 bệnh nhân xuất viện về nhà. Hiện tại, Bình Dương có 1.276 khu vực phong tỏa, gồm: Thuận An: 247; Phú Giáo: 12, Bàu Bàng: 20; Dĩ An: 585; Dầu Tiếng: 07; Bến Cát: 211; Tân Uyên: 102, Bắc Tân Uyên 0; Thủ Dầu Một: 92, với 117.141 người trong khu vực phong tỏa.

Bình Dương đã tiêm 2.035.071 liều/2.595.850 liều vắc xin phòng COVID-19 được phân bổ (1.958.016 mũi 1 và 77.055 mũi 2).

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/nguoi-dan-binh-duong-luu-thong-nhu-the-nao-sau-ngay-309-a71404.html