Có gì đáng ngại khi khối ngoại "miệt mài" bán ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam?

Dự báo thời gian sắp tới, ông Sơn kỳ vọng dòng vốn từ khối ngoại sẽ sớm trở lại trên thị trường chứng khoán Việt Nam vào khoảng giữa năm 2022 nhờ việc nền kinh tế Việt Nam dần mở cửa trở lại sau đợt sóng dịch bệnh lần thứ 4 cùng với triển vọng có thể nâng hạng thị trường.

Có gì đáng ngại khi khối ngoại "miệt mài" bán ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam?

 

Trong buổi tọa đàm trực tuyến chiều 30/9, ông Hoàng Công Tuấn – Kinh tế trưởng Chứng khoán MB (MBS) cho rằng sẽ có hai ý chính cần phải đề cập tới khi bàn về tình hình kinh tế toàn cầu chung. 

Đầu tiền chính là sự phục hồi của nền kinh tế thế giới đã vô cùng rõ ràng bởi chiến lược tiêm chủng vaccine, do đó tăng trưởng kinh tế trong năm 2022 hứa hẹn sẽ đột phá. Điều thứ hai chính là các NHTW bắt đầu có những động thái kinh tế giảm bớt quy mô của gói kích thích.

Có gì đáng ngại khi khối ngoại miệt mài bán ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam? - Ảnh 1.

Ông Hoàng Công Tuấn tại buổi tọa đàm chiều 30/9 (ảnh chụp màn hình)

Hiện, những yếu tố này chưa có tác động quá lớn tới nền kinh tế toàn cầu, song ông Tuấn cho rằng sang đến năm 2022 sẽ ghi nhận 2 xu hướng đối nghịch nhau, đó là việc lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết  gia tăng theo sự phụ hồi của kinh tế vĩ mô, đồng thời mặt bằng lãi suất có có xu hướng dần tăng lên với tốc độ chậm.

Đối với Việt Nam, ông Tuấn tỏ ra lạc quan với tình hình kinh tế vĩ mô nhờ tiền đề là chiến dịch tiêm chủng đang được đẩy mạnh, tạo điều kiện hoàn toàn cho tăng trưởng kinh tế trong năm 2022. Yếu tố lạm phát – điều nhà đầu tư quan ngại – được chuyên gia đến từ MBS đánh giá là khó có thể tăng cao được. Bởi lẽ cung tiền từ các gói kích thích của Việt Nam đang ở mức tương đối thấp so với quy mô nền kinh tế; đồng thời tăng trưởng tín dụng cũng không quá cao.

Do vậy, ông Tuấn kỳ vọng tích cực với việc thị trường nhìn chung sẽ vẫn có những cơ hội để đầu tư, mặc dù xung lực tăng trưởng sẽ không thể bằng năm 2020 hay đầu năm 2021.

Khối ngoại liên tục bán ròng có đáng quan ngại?

Chia sẻ về diễn biến khối ngoại, ông Trần Hoàng Sơn - Giám đốc nghiên cứu KHCN MBS cho rằng áp lực rút vốn từ nhà đầu tư nước ngoài được duy trì khá mạnh trong các tháng đầu năm 2021 vừa qua, hiện là năm có lượng rút ròng mạnh nhất trong lịch sử. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, khối ngoại đã bán ròng trên toàn thị trường với giá trị lên tới 45 nghìn tỷ đồng thông qua kênh khớp lệnh.

Nguyên nhân được ông Sơn chỉ ra, giai đoạn 2016-2019 thị trường ghi nhận hàng loạt giao dịch mua ròng bởi các tổ chức ngoại trên thị trường với kỳ vọng lớn nhất là việc thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ được nâng hạng trong năm 2020 hoặc 2021. Tới nay, vấn đề nâng hạng vẫn đang bị bỏ lỡ, điều này đã khiến các nhà đầu tư nước ngoài có các động thái giảm tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam, dẫn tới giá trị ghi nhận bán ròng liên tiếp trong cả năm 2020 và 2021.

Ngược lại, giữa làn sóng bán ròng mạnh, điểm tích cực đến từ các ETFs khi từ đầu năm đến tháng 7 ghi nhận tổng giá trị mua ròng đạt hơn 300 triệu USD, tập trung tại một số quỹ như Fubon FTSE Vietnam ETF hay VFMVN DIAMOND.

Có gì đáng ngại khi khối ngoại miệt mài bán ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam? - Ảnh 2.

Giao dịch khối ngoại trên TTCK Việt Nam (ảnh chụp màn hình)

Ông Sơn đánh giá, áp lực bán ròng từ dòng vốn ngoại không có tác động nhiều đến xu hướng chung, khi mà tỷ trọng giao dịch chỉ còn chiếm khoảng 6-7% tổng thanh khoản toàn thị trường.

Trong khi đó, nhà đầu tư cá nhân đóng vai trò là lực đẩy chính giúp thị trường tăng trưởng lên với tỷ trọng chiếm tới 84%; khối lượng giao dịch từ dòng vốn này "cân" cả lượng bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài. "Điều này đồng nghĩa với việc xu hướng thị trường đang được quyết định chủ yếu bởi các động thái từ nhà đầu tư cá nhân", ông Sơn chia sẻ

Dự báo thời gian sắp tới, ông Sơn kỳ vọng dòng vốn từ khối ngoại sẽ sớm trở lại trên thị trường chứng khoán Việt Nam vào khoảng giữa năm 2022 nhờ việc nền kinh tế Việt Nam dần mở cửa trở lại sau đợt sóng dịch bệnh lần thứ 4 cùng với triển vọng có thể nâng hạng thị trường. Do vậy, ác tín hiệu vẫn khá tích cực cho thị trường chứng khoán Việt Nam trong các tháng tiếp theo.

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/co-gi-dang-ngai-khi-khoi-ngoai-miet-mai-ban-rong-tren-thi-truong-chung-khoan-viet-nam-a72313.html