TP.HCM trải qua hơn 120 ngày giãn cách xã hội để ứng phó đợt bùng phát dịch Covid-19 lớn và nghiêm trọng nhất từ trước đến nay. Từ ngày 1/10, sau nhiều kết quả khả quan, thành phố từng bước nới lỏng giãn cách xã hội, khôi phục kinh tế và thích ứng an toàn với Covid-19.
Dù vậy, hiện tại, số ca nhiễm trung bình trong 7 ngày gần đây của TP.HCM vẫn ở mức 4.000. Việc nới lỏng giãn cách xã hội làm dấy lên nhiều lo lắng về nguy cơ bùng phát dịch.
Trao đổi với Zing, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế Công cộng, Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết việc bùng phát dịch có thể là điều tất yếu khi TP.HCM nối lại các hoạt động.
Kịch bản nào tốt nhất?
- TP.HCM đang gỡ bỏ rào chắn, chốt kiểm soát để chuẩn bị bước sang giai đoạn “bình thường mới”. Ông đánh giá thế nào về tình hình dịch hiện tại ở thành phố?
- Đợt bùng phát của dịch Covid-19 ở TP.HCM này đã qua giai đoạn đỉnh điểm của sự căng thẳng. Chúng ta có thể tạm yên tâm rằng dịch cơ bản được kiểm soát.
Nhìn vào số lượng ca mắc, hệ số lây truyền thực tế (Rt) tại thành phố vào ngày 20/8 ở mức khá cao (Rt bằng khoảng 1,35-1,15). Sau đó, đến ngày 4 và 5/9, hệ số Rt bắt đầu có xu hướng giảm xuống 1.
Và cho đến nay, các nhà dịch tễ học ước tính chỉ số Rt ở TP.HCM chỉ còn 0,88. Như vậy, số ca mắc tại thành phố đã có xu hướng giảm dần. Cùng với đó, số ca tử vong tại thành phố cũng có chiều hướng giảm đáng kể.
Lượng xe cộ trên đường Phan Văn Trị (quận Gò Vấp) bắt đầu tăng đầu giờ chiều 30/9, sau khi thành phố công bố chỉ thị mới. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Số ca tử vong cao nhất vào 22/8 ở thành phố ở mức 340 người/ngày. Số lượng này đang giảm dần về mức 2 con số. Bên cạnh đó, hệ thống y tế không còn quá tải, số giường bệnh ICU cũng trống trải dần. Điều này cho thấy chúng ta đang dần kiểm soát được tình hình và đỉnh điểm của dịch đã qua.
- Sau khi mở cửa, theo ông, dịch ở thành phố sẽ diễn biến như thế nào?
- Thực tế chúng ta thấy rằng hệ số Rt không cố định và nó sẽ thay đổi tùy theo tình hình và mức độ kiểm soát dịch của thành phố. Tôi xin khái quát những diễn biến dịch tại thành phố trong tương lai qua 4 kịch bản có khả năng xảy ra.
Đầu tiên là kịch bản xấu nhất và không mong muốn nhất: Sự xuất hiện của một biến chủng mới. Biến chủng này gây nguy cơ tử vong và chuyển nặng rất cao.
Hệ số lây truyền (Rt) không cố định và nó sẽ thay đổi tùy theo tình hình và mức độ kiểm soát dịch của thành phố
PGS.TS Đỗ Văn Dũng
Chúng cũng kháng các loại vaccine đã sử dụng. Đây là tình huống đáng sợ nhất. Tần suất xảy ra kịch bản này rất hiếm nhưng cũng phải cảnh báo điều này. Đó là lý do mà các nhà dịch tễ học luôn phải cảnh báo sự xuất hiện của một loại biến chủng mới.
Kịch bản thứ 2 cũng là tình huống xấu. Đó là khi mở cửa, người dân không tuân thủ quy định phòng, chống dịch, hệ thống y tế lơ là, mất kiểm soát dẫn đến số ca mắc tăng, hệ số lây nhiễm gia tăng. Một lần nữa, có thể hệ thống y tế thành phố rơi vào tình trạng quá tải, số ca tử vong tiếp tục tăng cao.
Đây là bối cảnh khá xấu. Lúc này, dù muốn hay không, chúng ta phải đóng cửa trở lại, thực hiện biện pháp cách ly xã hội ở thành phố. Đây là biện pháp không ai mong muốn.
Kịch bản thứ ba là khi thành phố mở cửa, nỗ lực của ngành y tế cộng hưởng sự tự giác của người dân, số ca mắc được duy trì trong ngưỡng chịu đựng của hệ thống y tế, vẫn có trường hợp tử vong nhưng tỷ lệ tương đối thấp.
Lực lượng chức năng tháo dỡ các rào chắn trả lại sự thông thoáng cho đường phố TP.HCM. Ảnh: Y Kiện. |
Trong bối cảnh thành phố vẫn có nguy cơ bùng phát dịch trở lại, các hoạt động bình thường hóa nhưng vẫn trong giới hạn kiểm soát, dần dần chứ không ồ ạt. Đây có thể là kịch bản có nhiều khả năng nhất trong thời gian sắp tới.
Kịch bản thứ 4 tốt đẹp hơn. Đó là trong thời gian tới, mặc dù mở cửa và trở lại hoạt động sinh hoạt, sản xuất kinh doanh bình thường, người dân tuân thủ phòng, chống dịch tốt. Thành phố đạt tỷ lệ tiêm chủng 2 mũi cao, toàn bộ người dân đều được tiếp cận vaccine.
Số ca tử vong tại TP.HCM từ ngày 22/8 đến 24/9 | ||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Theo Sở Y tế TP.HCM. | ||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Nhãn | 22/8 | 23/8 | 24/8 | 25/8 | 26/8 | 27/8 | 28/8 | 29/9 | 30/8 | 31/8 | 1/9 | 2/9 | 3/9 | 4/9 | 5/9 | 6/9 | 7/9 | 8/9 | 9/9 | 10/9 | 11/9 | 12/9 | 13/9 | 14/9 | 15/9 | 16/9 | 17/9 | 18/9 | 19/9 | 20/9 | 21/9 | 22/9 | 23/9 | 24/9 | 25/9 | 26/9 | 27/9 | 28/9 | 29/9 | |
Số lượng F0 tử vong | người | 340 | 292 | 266 | 242 | 287 | 271 | 256 | 245 | 335 | 303 | 217 | 250 | 256 | 222 | 233 | 253 | 263 | 203 | 195 | 188 | 200 | 228 | 199 | 189 | 160 | 166 | 165 | 182 | 163 | 184 | 181 | 175 | 140 | 123 | 131 | 122 | 131 | 113 | 106 |
Xu hướng ca tử vong | 340 | 292 | 266 | 242 | 287 | 271 | 256 | 245 | 335 | 303 | 217 | 250 | 256 | 222 | 233 | 253 | 263 | 203 | 195 | 188 | 200 | 228 | 199 | 189 | 160 | 166 | 165 | 182 | 163 | 184 | 181 | 175 | 140 | 123 | 131 | 122 | 131 | 113 | 106 |
Bối cảnh này có thể tương tự Pháp hiện nay. Lúc này, thành phố sẽ đạt đến mục tiêu giảm mạnh số ca mắc và tỷ lệ tử vong, sau đó trở lại cuộc sống bình thường mới.
- Nếu trong thời gian tới, TP.HCM xuất hiện một ổ dịch Covid-19 mới, bối cảnh này sẽ phù hợp với kịch bản nào?
- Dịch Covid-19 ở TP.HCM đã lây nhiễm sâu trong cộng đồng. Do đó, sống chung với Covid-19 hay cụ thể hơn là thích ứng an toàn, linh hoạt, đối phó có hiệu quả, đồng nghĩa khi có vụ dịch xảy ra, số ca mắc sẽ gia tăng.
Hệ thống y tế thành phố có thể ứng phó được tình huống trên 20.000 ca mắc/ngày và số giường ICU tối thiểu là 600
PGS.TS Đỗ Văn Dũng
Nhưng tôi cho rằng điều này sẽ không ảnh hưởng nhiều. Bởi đa số người dân thành phố đã được tiêm chủng, đặc biệt 100% người trên 50 tuổi. Do vậy, khả năng lây lan của dịch sẽ không mạnh, nguy cơ gây số ca nặng và tử vong không cao.
Lúc này, chúng ta chỉ cần thực hiện biện pháp kiểm soát khu vực theo từng địa phương, có thể tập trung tăng cường giãn cách xã hội ở quy mô nhỏ chứ không phải quay trở lại kịch bản trước đây là đóng cửa toàn bộ.
Tuy nhiên, tôi cũng không loại trừ một kịch bản xấu nhất mà các nhà dịch tễ rất e ngại, mặc dù khả năng rất hiếm, đó là sự xuất hiện biến chủng mới. Lúc đó, chúng ta sẽ phải đối mặt tình huống rất khó khăn.
Y tế TP.HCM đủ năng lực ứng phó 20.000 ca/ngày
- Ngưỡng chịu đựng của hệ thống y tế thành phố hiện tại có thể đáp ứng được mức độ nào?
- Khi dịch diễn biến phức tạp dẫn đến xảy ra các kịch bản xấu nhất, tình hình ở thành phố sẽ rất đáng lo ngại. Còn khi tình hình phù hợp với kịch bản còn lại, tôi tin rằng TP.HCM có đủ năng lực để ứng phó.
TP.HCM đã chuẩn bị được tối thiểu 600 giường ICU chất lượng tốt và số giường bệnh phục vụ cho bệnh nhân có nhu cầu oxy (bao gồm oxy mask, gọng mũi, HFNChay máy trợ thở CPAP…) là 6.000.
Lúc này, hệ thống y tế thành phố có thể ứng phó được tình huống trên 20.000 ca mắc/ngày nếu hiệu lực của vaccine vẫn còn ổn định. Đây là số lượng dự đoán cho ngưỡng số ca tăng lên tối đa.
Hiện tại, nếu số ca mắc mỗi ngày lên đến 10.000 ca/ngày, thành phố sẽ nâng mức cảnh báo, có thể phải thực hiện các biện pháp tăng cường giãn cách xã hội trở lại. Tuy nhiên, kịch bản này ít có khả năng xảy ra bởi hệ thống giám sát dịch tễ của thành phố đang thực hiện tốt. Người dân ít nhiều có sự tự giác trong phòng, chống dịch bệnh.
- Ngành y tế cần có thêm sự chuẩn bị gì để đáp ứng với số lượng ca bệnh tăng và diễn biến dịch phức tạp trong thời gian tới?
- Định mức về số giường ICU và năng lực cung cấp giường có bổ sung oxy tại thành phố hiện nay cơ bản đầy đủ và chủ động. Tuy nhiên, thành phố cần đảm bảo việc chăm sóc y tế chất lượng tốt.
Bên trong khu điều trị Covid-19 nặng và nguy kịch tại Trung tâm Hồi sức người bệnh Covid-19 do Bệnh viện Bạch Mai quản lý. Ảnh: Chí Hùng. |
Cụ thể là nganh y tế cần liên tục chuẩn bị nhân lực để vận hành tốt số giường ICU đã chuẩn bị, đồng thời củng cố năng lực của cán bộ y tế tại tuyến địa phương. TP.HCM có dân số rất đông, thậm chí một xã, phường, thị trấn cũng có mật độ rất cao. Chỉ cần số lượng F0 đạt 150 ca/1000.000 dân/tuần theo ngưỡng của Bộ Y tế, lực lượng cán bộ tại địa phương khó đáp ứng được.
Bên cạnh đó, thành phố cần tăng cường hệ thống giám sát dịch tễ lên mức cao hơn, theo dõi diễn biến dịch thường xuyên để đáp ứng chủ động với sự thay đổi của tình hình. Song song đó, thành phố vẫn tiếp tục tích cực đẩy mạnh tiêm đủ 2 mũi vaccine cho người dân trong thời gian tới.
- Người dân có vai trò thế nào đối với tương lai của dịch bệnh tại TP.HCM?
- Tôi nhấn mạnh là người dân có vai trò quan trọng nhất trong việc kiểm soát và khống chế dịch Covid-19. Họ là chủ thể của tất cả hành động, can thiệp y tế. Trong thời gian từ 2020 đến tháng 4/2021, Việt Nam kiểm soát dịch tương đối tốt và trở thành hình mẫu về chiến lược Zero Covid. Trong đó có một phần là ý thức phòng, chống dịch rất tốt từ phía người dân.
Hy vọng tinh thần này sẽ tiếp tục phát huy trong giai đoạn sống chung với Covid-19. Chúng ta sống chung với dịch nhưng chủ quan, lơ là. Nếu thực hiện tốt trong giai đoạn này, chúng ta có thể trở thành một trong những quốc gia đi đầu về giải pháp sống chung với Covid-19 thành công.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/bon-kich-ban-cua-dich-covid-19-o-tphcm-sau-khi-mo-cua-tro-lai-a72314.html