Cổ phiếu blue-chips phân hóa khiến các chỉ số thiếu động lực tăng dứt khoát.
Nhóm cổ phiếu tài chính sáng nay “xìu” rất nhanh sau một nhịp tăng ngay khi mở cửa. Không chỉ vậy, dầu khí cũng kém sung sức, kéo theo các chỉ số có một thời gian khá dài trượt dốc, VN30-Index còn chớm giảm...
Hai nhóm cổ phiếu được kỳ vọng nhiều nhất sẽ tiếp tục dẫn dắt thị trường đi lên là dầu khí và tài chính. Dầu khí đang thăng hoa với giá dầu thế giới tăng mạnh, trong khi cổ phiếu ngân hàng hôm qua đồng loạt khởi sắc sau chuỗi ngày lao dốc đáng kể. Tuy nhiên hôm nay các nhóm này đều bắt đầu phân hóa.
GAS tăng 1,93% vẫn đang là cổ phiếu kéo VN-Index tốt nhất, tuy nhiên cũng tiếp tục bị xả giống như hai phiên trước. Mức tăng tốt nhất của cổ phiếu này là trong 15 phút sau khi mở cửa, giá lên cao nhất 112.800 đồng, trên tham chiếu 3,49%. Từ đỉnh này GAS có một nhịp trượt giảm kéo dài tới tận 11h15, gần trùng khớp hoàn toàn với nhịp trượt giảm của VN-Index.
Nhiều cổ phiếu nhóm dầu khí khác như PVD, PVS cũng đều có đỉnh cao của phiên sáng ở khoảng 30 phút đầu tiên sau khi mở cửa, giống như GAS. Sau đó giá các mã này đều trượt dần. PVD đã rơi trở lại tham chiếu, PVS từ tăng 2,79% co lại còn 0,35%. Số còn tăng chỉ lác đác vài mã thanh khoản không đáng kể như POB, POS, POV. Các mã này có khối lượng giao dịch không đảm bảo về giá và cung cầu không đáng tin cậy.
PLX hiện đã giảm 0,37%, trượt đáng kể từ mức tăng 2,79% đầu phiên. PSN giảm giảm 0,85%, PTV giảm 1,3%, OIL giảm 1,31%, PCG giảm 1,54%, PSH giảm 2,54%...
Đối với cổ phiếu ngân hàng, sáng nay là một phiên khá thất vọng khi hầu hết tăng thêm không đáng kể, trước khi lao dốc trở lại. Nhóm ngân hàng bue-chips hiện chỉ còn TCB tăng 0,51%, BID tăng 0,38%. BID đã có một nhịp trượt khá mạnh từ mức tăng 1,78% từ khoảng 9h48 trở đi. Nhóm giảm bao gồm HDB giảm 0,61%, ACB giảm 0,48%, CTG giảm 0,85%, MBB giảm 0,55%, STB giảm 1,17%, TPB giảm 0,12%, VCB giảm 0,52%, VPB giảm 0,96%.
Vẫn có 12 cổ phiếu trong nhóm ngân hàng tăng giá, tất cả đều là các mã nhỏ. Duy nhất BVB tăng được trên 1% và LPB là mã mạnh nhất kế tiếp cũng chỉ tăng 0,71%.
Trong TOP 5 cổ phiếu kéo lùi chỉ số VN-Index, ngân hàng lại đóng góp 3 mã là VCB, CTG và VPB. Đối với VN30-Index, ngân hàng có ảnh hưởng hơn khi chiếm 4/5 mã, là VPB, STB, ACB và MBB. Điều này lý giải tại sao VN30-Index trượt giảm nhiều hơn VN-Index: VN30-Index đến gần 11h đã rơi qua tham chiếu trong khi VN-Index vẫn trên tham chiếu 0,37 điểm. Chốt phiên sáng, cổ phiếu ngân hàng cũng khiến VN30 chỉ tăng 0,04% còn VN-Index tăng 0,2%.
Nhóm chứng khoán chứng kiến nhiều mã quay đầu giảm khá sốc: SSI giảm 1,11%, HCM giảm 0,8%, VCI giảm 0,84%, BVS giảm 1,5%, MBS giảm 0,92%... Các mã nhỏ như HAC, WSS, PSI, DSC còn giảm trên 2%.
VN30-Index còn bị ép lùi xuống dưới tham chiếu trong sáng nay.
Độ rộng của rổ VN30 lẫn toàn sàn HoSE không xấu. Cụ thể, VN30 vẫn có 15 mã tăng/15 mã giảm, VN-Index có 215 mã tăng/183 mã giảm. Thế nhưng biến động của các chỉ số lại kém tích cực. Rõ ràng tác động từ sự phân hóa trong nhóm dẫn dắt là yếu tố chi phối chính. Ngoài GAS tăng 1,93%, HPG tăng 1,27%, trụ không còn cổ phiếu nào đáng kể. BVH, KDH, GVR, MWG, VRE là các blue-chips còn lại tăng được trên 1%.
Giao dịch cũng không nóng ở bất kỳ nhóm cổ phiếu nào. Toàn sàn HoSE chỉ có 50 mã tăng trên 2%, mức tăng yếu đối với các cổ phiếu đầu cơ. Smallcap chỉ tăng 0,74%, Midcap tăng 0,42%. Số ít mã nhỏ mạnh có thể kể tới là SJF, DLG, TCD, BWE đang có giá kịch trần và thanh khoản khá cao.
SHB sàn HNX hôm nay dừng giao dịch để chuyển sàn, nên thanh khoản HNX hụt đi đáng kể. Giá trị khớp lệnh giảm 34% so với sáng hôm qua. PVS, TNG là hai mã giao dịch nhiều nhất với 152 tỷ đồng và 138,3 tỷ đồng.
Sàn HoSE có sự gia tăng thanh khoản nhẹ trở lại. Tổng giá trị khớp lệnh đạt 9.914 tỷ đồng, tăng 2,1% so với sáng hôm qua. VN30 tăng giao dịch 5,9%, đạt 4.208,5 tỷ đồng. HPG có phiên kiểm định đỉnh cao lịch sử với thanh khoản hơn 16,1 triệu cổ tương đương 901 tỷ đồng. HPG cũng bị bán ép nhưng chưa rõ ràng. HPG đạt đỉnh trong 30 phút đầu tiên, mức tăng cao nhất 1,81% và chốt phiên sáng tăng 1,27%.
Khối ngoại sáng nay tiếp tục mua ròng gần 76 tỷ đồng tại TPB, nhưng mức này không đủ cân bằng với phía bán. HPG bị xả ròng gần 94 tỷ đồng. Nhóm CTG, GEX, GMD, SSI, VIC đều bị bán ròng quanh 20 tỷ đồng. Trong khi đó ngoài TPB thì chỉ còn DCM +17,6 tỷ và DHC +11,1 tỷ là đáng kể. Tính chung khối ngoại đang bán ròng 199,7 tỷ đồng trên HoSE và mua ròng 9,6 tỷ đồng trên HNX, chủ yếu là ở PVI.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/co-phieu-lon-phan-hoa-vn-index-gap-kho-quanh-1360-diem-a73813.html